Vị vua đam mê sắc dục
Sau khi Lê Hoàn mất, triều đình trở lên hỗn loạn vì các thế lực tranh giành nhau ngôi báu. Sách An nam chí lược chép rằng: "Lê Hoàn đã chết, mấy người con đều tụ tập binh mã, chia đặt trại sách, quan thuộc ly tán, nhân dân lo sợ".
Đến tháng 10 năm 1005, Lê Long Việt trấn áp các hoàng tử khác, lên ngôi hoàng đế. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 ngày liền bị giết hại, Lê Long Đĩnh lên thay anh trở thành hoàng đế thứ ba của nhà Tiền Lê.
Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau: "Đại Hành băng hà, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông". Lê Long Đĩnh được khắc họa trong sử sách là một người đam mê tửu sắc vô độ.
Lê Long Đĩnh róc mía trên đầu nhà sư trong bộ phim Về đất Thăng Long.
Như học giả Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược nhận xét về vị vua này như sau: "Long Đĩnh là người bạo – ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa.....Vì lúc sống dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Ngọa-triều".
Và cũng chính bởi tính đam mê sắc dục của Lê Ngọa Triều mà nàng thôn nữ Trung Hoa dễ dàng trở thành vương phi cao quý trong hậu cung Đại Cồ Việt.
Nàng thôn nữ Trung Hoa
Sau khi thiết lập lại trật tự trong nước, Vua Lê Long Đĩnh lại phải đối mặt với uy hiếp từ chính quyền nhà Tống. Và với chiến lược ngoại giao mềm mỏng, khéo léo, Vua lệnh cho em là Lê Minh Xưởng làm chánh sứ, dẫn đoàn sứ bộ Đại Cồ Việt sang nhà Tống.
Một mặt là dâng con tê ngưu trắng cho vua Tống và xin một bộ kinh Đại Tạng. Mặt khác là xin nhà Tống phong tước cho Lê Ngọa Triều.
Lần đi sứ này đối với Lê Minh Xưởng là một cơ hội tốt để tiến thân, nếu làm tốt thì sẽ có được sự tín nhiệm của anh cũng như củng cố địa vị và tiếng nói nơi triều chính. Và kết quả đạt được thực là ngoài sức tưởng tượng.
Sau khi chính sự đã định xong, ông đi du ngoạn trên đất Tống và đã tình cờ gặp gỡ một người con gái có dung nhan xinh đẹp tên là Tiêu Thị.
Tương truyền, Lê Long Đĩnh thường tự tay đâm chết lợn, gà trước khi chuyển cho nhà bếp nấu nướng. Hình ảnh trong bộ phim Về đất Thăng Long, nguồn Zing.
Nhìn nhan sắc của nàng, Lê Minh Xưởng nghĩ ngay đến thói ham sắc dục của Lê Ngọa Triều. Nếu như đưa ả về cung mà dâng lên anh thì chắc chắn sẽ tiến thân nhanh chóng. Nghĩ vậy, Minh Xưởng bèn "gạ gẫm" nàng thôn nữ Trung Hoa.
Viễn cảnh về một cuộc sống trong nhung lụa đã khiến nàng bị lung lạc ngay tức thì. Từ một cô thôn nữ một bước trở thành vương phi nhà Tiền Lê, cơ hội này dễ gì mà có được. Và rồi Tiêu thị quyết định rời bỏ quê hương xứ sở.
Mùa xuân năm 1009, nghĩa là sau hai năm đi sứ, Minh Xưởng cùng đoàn sứ bộ về đến Hoa Lư. Chẳng bao lâu sau, Lê Ngọa Triều cho triệu kiến Minh Xưởng. Minh Xưởng đưa Tiêu Thị vào cung, hai con người nhưng cùng chung một tham vọng.
Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: "Mùa xuân (năm 1009), Minh Xưởng ở Tống về, xin được kinh Đại Tạng và dụ được người con gái nước Tống là Tiêu Thị đem dâng. Vua cho làm cung nhân".
Giấc mộng vinh hoa chóng tàn.
Một bước nên tiên, Tiêu Thị với thân phận cung nhân đã trở thành người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên bước vào hậu cung Đại Cồ Việt. Có rất ít tài liệu ghi chép chi tiết về người phụ nữ này, ngay cả tên đến nay cũng chưa có sách nào ghi rõ ràng, chỉ biết rằng nàng họ Tiêu.
Tiêu Thị được Vua đặc biệt sủng ái. Nhưng thói đam mê tửu sắc, dâm dục vô độ kéo dài đã chất chứa thành bệnh, khiến vài tháng sau ngày có được Tiêu Thị, Lê Ngọa Triều lâm bệnh và băng hà khi mới 24 tuổi.
Nàng Tiêu thị. Hình ảnh từ phim Về đất Thăng Long.
Nhiều tài liệu sử như: Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử Thông giám cương mục đều ghi chép cái chết của ông là hậu quả của sự hoang dâm, mê tửu sắc. "Nhà vua hoang dâm tửu sắc, dần mắc bệnh trĩ, nằm mà coi chầu, nên người ta gọi là "Ngoạ Triều". Ở ngôi 4 năm, thọ 24 tuổi" (trích: Khâm định Việt sử Thông giám cương mục-Chính Biên-Quyển thứ II ).
Cái chết của Lê Ngọa Triều khiến giấc mộng phú quý vinh hoa của Tiêu Thị sớm nở tối tàn. Vận mệnh nhà Tiền Lê cũng kết thúc ngay sau đó. Tiêu Thị chỉ biết bùi ngùi chấp nhận thân phận là cung nhân cũ của cựu triều. Quãng đời về sau của Tiêu Thị ra sao, đến nay không có sử sách nào chép lại.
Tài liệu tham khảo
1. Đại Việt sử ký toàn thư- Bản Kỷ Toàn Thư, Quyển 1, Kỷ nhà Lê, Mục Ngọa Triều Hoàng đế.
2. Khâm định Việt sử Thông giám cương mục - Chính Biên-Quyển thứ II
3. Chuyện chưa kể về người vợ ngoại quốc của Lê Ngọa Triều- Theo Kienthuc.net
4. Đại Việt sử lược (trang 107 )
5. Xét lại "bệnh án" của "Ngọa Triều Hoàng đế" - Theo Báo Đất Việt