Người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 10 triệu bởi "shipper giả danh" Giao Hàng Tiết Kiệm: Suýt mất thêm 19 triệu đồng nếu không dùng ngay thao tác này

Nam An - Minh Ngọc |

Thời gian gần đây, xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới khi nhiều đối tượng giả danh shipper gọi điện cho khách hàng thông báo có đơn đặt hàng online, rồi yêu cầu chuyển tiền thanh toán để chiếm đoạt.

Thời gian vừa qua, không ít các chiêu thức lừa đảo xuất hiện trên không gian mạng khiến nhiều người vừa mất tiền vừa rước bực vào người chỉ vì phút lơ là chủ quan. Đặc biệt, không ít đối tượng lừa đảo nhắm vào các chị em phụ nữ thường xuyên mua hàng online đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử. Các đối tượng giả danh là nhân viên giao hàng gọi điện cho khách hàng thông báo có đơn đặt hàng online và yêu cầu chuyển tiền thanh toán để chiếm đoạt tài sản.

Theo tìm hiểu, các đối tượng thường chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (giờ hành chính) để gọi điện. Nếu khách hàng cho biết không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ dẫn dắt "con mồi" đưa địa chỉ (người quen, hàng xóm, bạn bè…) để gửi hàng.

Sau đó, yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Nhận được tiền, đối tượng sẽ chiếm đoạt và ngay lập tức cắt đứt liên lạc với người vừa chuyển tiền.

Thế nhưng, thời điểm gần đây bằng cách tương tự các đối tượng lừa đảo còn sử dụng cách tinh vi hơn để chiếm đoạt số tiền lớn hơn của khác hàng.

Giả danh shipper gọi điện chuyển tiền đơn hàng

Chị C. ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, "Tôi bị một đối tượng có đầu số điện thoại +8436... giọng nam gọi đến tự xưng là shipper, thông báo chị có một đơn hàng giao tới địa chỉ nhà và thanh toán tiền vào tài khoản 256.000 đồng. Hôm đó công việc bận rộn nên tôi cũng vô tư chuyển khoản mà không kiểm tra xem đó là đơn hàng nào".

Tưởng chứng chỉ bị lừa hơn 200 nghìn đồng, thế nhưng tiếp theo đó chị C. bắt đầu bị các đối tượng dẫn dắt để lừa đảo thêm hàng chục triệu đồng bằng một cách chẳng ai ngờ đến.

Người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 10 triệu bởi shipper giả danh giao hàng Tiết Kiệm - Ảnh 1.

Người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 10 triệu bởi shipper giả danh giao hàng Tiết Kiệm - Ảnh 2.

Tài khoản được giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng sẽ hỗ trợ chị C. nhận lại số tiền đã chuyển khoản nhầm và huỷ dịch vụ gói cước hội viên của bên vận chuyển

"Sau đó, có một số điện thoại lạ gọi tới, gọi nhỡ 2 lần tôi không để ý nghe, đến lần thứ 3 khi bắt máy thì đối tượng tự xưng là shipper lúc này hớt hải bảo: 'Em gọi chị nãy giờ không được, em đang chạy xe ngoài đường nên em gửi nhầm cho chị cái STK của bên nhóm shipper bọn em. Mà chuyển khoản vào đó tức là chị đồng ý đăng kí trở thành shipper của Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK), hàng tháng người ta sẽ tự động trừ 4 triệu của chị (Dạng tiền cọc cod của shipper). Mà chị không huỷ nó tự động trừ đấy, em không biết lấy tiền đâu trả chị".

Theo chị C. cho biết, dù bực mình nhưng vì ngại phiền phức do câu nói "không huỷ ngay thì tháng nào chị cũng bị trừ", thế là chị nghe hướng dẫn để huỷ dịch vụ. Người phụ nữ này cho biết quy trình lừa đảo rất bài bản và sẽ khiến các nạn nhân bị dẫn dắt quay mòng mòng. Chị C. sau đó đã nhận được một đường link Facebook cá nhân của một đối tượng khác - được giới thiệu là nhân viên chăm sóc khách hàng bên GHTK, sẽ hướng dẫn chị cách để huỷ.

Người phụ nữ chia sẻ thêm, bình thường chị khá cảnh giác và thường xuyên đọc các bài báo về các chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng, nhưng không hiểu sao lần này chị lại bị lừa một cách trơn tru như vậy. "Tôi vào chat với đối tượng đó mà không mảy may suy nghĩ gì, vì nghĩ rằng là huỷ thôi mà, không mất tiền gì. Đối tượng còn bảo sẽ hoàn lại cái khoản đã chuyển khoản lúc đầu là 256k nữa", chị C. kể lại.

Theo chị C. sau đó, đối tượng tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng đã gọi điện qua messenger để hướng dẫn chị cách huỷ dịch vụ. "Đối tượng nói chuyện bằng giọng rất thông cảm, bắt đầu hướng dẫn - vừa hướng dẫn giọng vừa xoa dịu tôi vì 1 lỗi của nhân viên mà gây phiền hà như vậy. Theo nhân viên này, nếu muốn huỷ thì tôi phải đăng kí 1 dịch vụ gì đó là "rút tiền từ doanh nghiệp" trên app Vpbank". Sau đó đối tượng đã hướng dẫn tôi cài tính năng ấy sau đó tiếp tục gửi 1 cái link giả mạo Giao Hàng Tiết Kiệm qua đoạn chat.

Tiếp theo, đối tượng yêu cầu tôi vào chat ở line chatbox đi, bên chatbox sẽ gửi các thông tin và câu lệnh tương ứng và tôi chỉ cần paste (dán) hết vào cửa sổ chat. Tôi cũng đã làm theo, từ việc đăng nhập vào app Vpbank, điền số tài khoản của ngân hàng, nội dung như thế nào. Và tiếp đó, đối tượng hướng dẫn tôi khi xong ở cái đoạn xác nhận OTP thì chị ấn 3-5 giây ở cái nút xác nhận giữ tay, để nó xổ ra màn hình unionpay, ở đó cứ tick không, không hai mục như nhân viên tên Công hướng dẫn là đăng kí xong và tiền về", chị C. thuật lại.

Người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 10 triệu bởi shipper giả danh giao hàng Tiết Kiệm - Ảnh 3.

Người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 10 triệu bởi shipper giả danh giao hàng Tiết Kiệm - Ảnh 4.

Sau khi nghe theo hướng dẫn, chị C. đã thực hiện hàng loạt thao tác khiến chị bị lừa chuyển khoản gần 10 triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo

Thế nhưng, đến khi bị lừa xong rồi chị C. mới bàng hoàng nhận ra cái mã xác nhận mà nhóm lừa đảo gửi qua cái line chatbox chính là số tiền mà mình bị lừa. Bởi chúng đã hướng dẫn chị nhập dãy số đó vào ô nhập số tiền trong lệnh chuyển khoản. Số 9896 nó tương ứng với 9 triệu 896 nghìn đồng.

Theo chị C. dù có đôi chút nghi ngờ và thắc mắc lại vì cho rằng đó là lệnh chuyển tiền đi, thế nhưng đối tượng nhanh chóng trấn an và phủ nhận. "Dù thắc mắc nhưng đối tượng liền bảo không đến bước đó đâu vì ở chỗ xác nhận chị đã bấm 3-5 giây để hiện ra màn hình unionpay kia là chị tick không, không thì sẽ không thể đến bước chuyển tiền".

Tin tưởng nhân viên chăm sóc khách hàng và làm theo. Kết qủa sau đó chị C, đã bị mất gần 10 triệu đồng. "Tối nhấn giữ suốt 15 giây nhưng không có bất kì màn hình unionpay nào xổ ra cả. Khi tôi buông tay ra thì ngay lập tức hiện ra quét cái mặt thế là lệnh chuyển khoản thành công", chị C. nói.

Thao tác cực kì đơn giản để không mất thêm hàng chục triệu đồng khi phát hiện bị lừa

Theo chị C. vì bất ngờ mất hàng chục triệu đồng nên chị cuống cuồng chất vấn đối tượng, thế nhưng phía đầu dây bên kia không hề ngắt máy mà tiếp tục trấn an chị và đề nghị chị thực hiện lại toàn bộ các thao tác để lấy lại số tiền đã chuyển khoản đi. "Đối tượng liên tục trấn an tôi 'không không làm sao mất đc chị, chị bị nhầm ở đâu à, chị yên tâm không mất đâu không mất đâu. Nhưng giờ chị phải làm theo em nhé, em hướng dẫn chị từng bước, chị làm chậm thôi... để đăng kí thành công. Và... tôi vẫn làm theo.

Người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 10 triệu bởi shipper giả danh giao hàng Tiết Kiệm - Ảnh 5.

Người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 10 triệu bởi shipper giả danh giao hàng Tiết Kiệm - Ảnh 6.

Người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 10 triệu bởi shipper giả danh giao hàng Tiết Kiệm - Ảnh 7.

Bằng chiêu thức cũ, đối tượng tiếp tục lừa chị thực hiện thêm một lệnh chuyển khoản với số tiền hơn 19 triệu đồng tuy nhiên chị C. đã kịp thời phát hiện và huỷ giao dịch kịp lúc

Thế nhưng sau đó, tôi như tỉnh ra bắt đầu nhanh tay tìm kiếm từ khoá "Giao Hàng Tiết Kiệm lừa đảo" để tìm hiểu thông tin vì nghi ngờ mình đã bị lừa. Dù không ra chiêu thức lừa đảo cụ thể nhưng từ khoá khiến tôi tỉnh ra chị bị lừa là GHTK và unionpay. Ngay lập tức tôi đã yêu cầu đối tượng gửi CCCD cho mình để xác nhận bản thân không bị lừa, tuy nhiên CCCD lại là tên khác phải tên Công như nhân viên chăm sóc khách hàng đã giới thiệu ban đầu".

Tuy nhiên, lúc nhận ra mình bị lừa thì chị C. đã nhập đến số OTP thứ 4 và chỉ cần buông tay ra thì chị sẽ chuyển tiếp cho các đối tượng hơn 19 triệu đồng. "Biết bị lừa đảo, tôi nhanh trí nghĩ phải làm sao để mất mạng, không có kết nối internet thì sẽ không hoàn thành được lệnh này.

Thế là tôi chuyển điện thoại sang chế độ máy bay, mất toàn bộ mạng. Lúc này tôi mới buông tay ra thì lệnh không thực hiện đc nữa. Khi tôi mở máy lại thì đối tượng lừa đảo tiếp tục nã điện thoại ầm ầm".

Vì đã biết gặp phải lừa đảo nên chị C. đã "ngửa bài" luôn với các đối tượng. Lúc này, đối tượng lập tức tắt máy, thu hồi tất cả tin nhắn và chặn tài khoản của chị.

Chỉ vì phút chủ quan trong việc nhận đơn hàng ảo và chuyển khoản tiền mà chị C. đã bị lừa tổng cộng hơn 10 triệu đồng. Và nếu không tỉnh táo kịp thời, có lẽ số tiền bị lừa của chị C. sẽ lớn hơn gấp nhiều lần nữa.

Như vậy, có thể thấy các đối tượng thường chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà (giờ hành chính) để gọi điện. Khi không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ nói rằng đã gửi hàng cho người quen, hàng xóm, bạn bè… sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Nhận được tiền, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng.

Đây là một loại hình lừa đảo mới, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác: Không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản, thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào để tránh sập bẫy.

Người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 10 triệu bởi shipper giả danh giao hàng Tiết Kiệm - Ảnh 8.

Một khách hàng cũng suýt mắc bẩy lừa đảo của đối tượng giả danh giao hàng tiết kiệm

Nhiều người từng bị lừa đảo bởi hình thức tương tự

Không chỉ chị C. mà nhiều chị em công sở đã mắc bẫy đơn hàng ảo chỉ vì chủ quan, báo có đơn hàng giao đến nhà là sẽ chuyển khoản luôn và ngay mà không kiểm tra xem là đơn hàng. Với chiêu thức tương tự Chị O. cũng đã bị lừa số tiền 320.000 đồng tuy nhiên do phát hiện dấu hiệu lừa đảo kịp thời nên đã không bị các đối tượng dẫn dụ. Chị O chia sẻ, "Shipper báo có đơn hàng 320k yêu cầu chuyển khoản là tôi chuyển rồi nhờ bỏ bưu kiện vào cổng nhà. 30 phút sau shipper gọi lại nói rằng đã gửi nhầm số tài khoản - bởi khi chuyển vào số này thì sẽ đăng ký làm shipper. Do vậy, đối tượng sẽ liên hệ với tổng đài để giải quyết cho tôi và hoàn lại số tiền đó".

Tuy nhiên, lúc này chị O. đã đi về nhà và tìm tại địa chỉ nhà nhưng không thấy bất cứ đơn hàng nào được giao đến có giá trị 320.000 đồng. "Không thấy đơn hàng nên tôi hỏi luôn "em để đơn hàng của chị ở đâu" thì shipper lấp liếm cho rằng vừa nãy đã để ở chỗ nào đó nên bị quên. Sau khi giao hàng ở địa chỉ khác xong sẽ quay lại tìm đơn cho tôi".

Chị O. kể lại, sau đó chị đã nhận được cuộc gọi của đối tượng xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng đề nghĩ sẽ giải quyết khoản tiền đã chuyển nhầm. "Đối tượng giải thích, do tôi chuyển khoản nhầm vào tài khoản đăng ký làm shipper nên mỗi tháng sẽ bị trừ 3 triệu đồng. Và sẽ cho tôi đường link của một nhân viên GHTK để tôi xác nhận để được hoàn lại số tiền 320k".

Tuy nhiên, đến đoạn này chị O. đã tỉnh táo nhận ra chiều trò của nhóm lừa đảo, "Khi nói chuyện tôi chỉ mất 3 giây im lặng để nhận ra chiêu trò bởi khi tôi thắc mắc 'tại sao GHTK lại không làm việc qua email hay một phương thức làm việc nào chính thống mà lại qua link facebook cá nhân' thì đối tượng ậm ờ rồi cúp máy".

May mắn của chị O. khi kịp thời phát hiện ra các thức lừa đảo của nhóm đối tượng để tránh rơi vào bẫy. Bởi theo chị O. trước đó chị đã thực hiện nhiều giao dịch và hiểu rằng việc trừ tiền tự động hàng tháng trong tài khoản là rất khó khăn bởi chủ tài khoản phải xác nhận viện này thông qua một đường link hoặc phải có thông báo nào đó từ ngân hàng mở thẻ gửi về.

Bên cạnh đó, chị O. cũng phát hiện ra hàng loạt sơ hở của nhóm đối tượng như trước đó shipper nói đang đi giao hàng thì lúc sau nhân viên GHTK lại bảo shipper đang đứng đây để hỗ trợ giải quyết trường hợp chuyển khoản nhầm của chị. Đặc biệt, theo chị O. trước giờ các đơn hàng giao qua GHTK thì nhân viên đều liên lạc bằng đầu số 024 chứ chưa bao giờ gọi bằng số cá nhân.

"320.000 đồng không phải số tiền quá lớn với mình, nó có khi không bằng một cây son hay một buổi đi uống cà phê với bạn bè, nhưng nếu lúc đó mình không có tư duy phản biện và bị nhóm đối tượng dẫn dắt thì rất có thể mình sẽ bị mất số tiền lớn hơn rất là nhiều. Kịch bản lừa đảo này cũng khá mới mẻ, tôi chưa từng thấy ai chia sẻ nên tôi đã kể trường hợp của mình ra để các bạn cảnh giác và tỉnh táo hơn", chị O. nói thêm.

Đại diện GHTK nói gì?

Liên quan đến vụ việc hàng loạt khách hàng bị nhóm đối tượng mạo danh Giao hàng tiết kiệm lừa đảo, ngày 21/8, trao đổi với chúng tôi, đại diện phía GHKT khẳng định, sự việc mạo danh và tương tự từng xảy ra nhiều, phía đơn vị cũng nhận được phản ánh của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, các trường hợp trên đều là giả mạo.

Vị đại diện đơn vị này cho biết thêm, phía cơ quan công an cũng đã vào cuộc xác minh một số vụ việc và đã đưa ra cảnh báo.

Người phụ nữ ở Hà Nội bị lừa hơn 10 triệu bởi shipper giả danh giao hàng Tiết Kiệm - Ảnh 9.

Theo đó, sau khi một số khách hàng phản ánh về việc các cá nhân mạo danh GHTK, yêu cầu chuyển khoản/ nhấn vào đường link lạ. Đây là hành vi xấu, nhằm đánh cắp thông tin, chiếm dụng tiền của khách hàng.

Để tránh bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng, bạn hãy:

1. KIỂM TRA KỸ thông tin đơn hàng, đối chiếu với thông tin trên website hoặc ứng dụng chính thống của GHTK (GHTK App, iGHTK,…)

2. KHÔNG CHIA SẺ thông tin cá nhân như mã OTP, mật khẩu tài khoản và mã PIN

3. KHÔNG NHẤN VÀO các đường link đáng nghi hoặc tải các tệp đính kèm từ email hoặc tin nhắn lạ.

Khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu mạo danh GHTK/lừa đảo, bạn cần làm gì?

1. KHÔNG NHẬN đơn hàng này

2. KHÔNG CHUYỂN KHOẢN cho đối tượng

3. LIÊN HỆ NGAY với bộ phận CSKH qua GHTK App hoặc hotline của GHTK 1900 6092 để kiểm tra tính xác thực của đơn hàng (bao gồm cả thông tin đơn và nhân viên giao hàng)

Vì những đối tượng lừa đảo/ mạo danh luôn thay đổi phương thức hoạt động, do đó hãy luôn kiểm tra thật kỹ thông tin đơn hàng qua trang chính thống để có thể tự bảo vệ bản thân.

Công an thành phố Hà Nội cảnh báo

Để phòng ngừa thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân khi mua hàng trên các nền tảng mạng xã hội cần chú ý:

- Trước khi chuyển khoản thanh toán đơn hàng, khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin của người gọi điện và xác nhận lại với đơn vị bán hàng hoặc dịch vụ giao hàng chính thức.

- Người dân chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng; tránh chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng.

- Người dân hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội hoặc trong các buổi livestream; sử dụng các kênh tin nhắn riêng tư hoặc hệ thống bảo mật để trao đổi thông tin đặt hàng với người bán hàng.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác với những yêu cầu chuyển khoản đột ngột và không rõ ràng, có tính chất "thúc ép" chuyển tiền ngay.

Người mua nên xác nhận lại với người bán hàng qua các kênh chính thức trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, cần nhanh chóng báo cáo cơ quan công an để kịp thời giải quyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại