Người phụ nữ "hốt" bạc tỷ nhờ nuôi côn trùng

Ngọc Nhật |

Sinh trưởng trong gia đình thuần nông ở Nam Định, côn trùng đã quá quen thuộc và là trò chơi thuở nhỏ của chị Trần Thanh Xuân (44 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội). Nhưng chính những con côn trùng ấy đã giúp chị Xuân thu lãi hơn tỷ đồng/năm và cải thiện cuộc sống cho hàng trăm hộ nông dân khác trên cả nước.

Qua một lần xem tivi về cách nuôi loài dế và nhận thức thị trường tiêu thụ dế tiềm năng, chị Xuân quyết định đầu tư chăn nuôi loài côn trùng này. Dế ăn rau lá, khi bị nhiễm độc sẽ chết hàng loạt nên rất “lành” và sạch.

Chị đã cải tiến phương pháp và dụng cụ nuôi bằng cách sử dụng thùng xốp, thùng gỗ sạch sẽ, chi phí thấp, dế sinh trưởng tốt, phù hợp với cả quy mô nhỏ và lớn.

Nhờ áp dụng thành công cải tiến này, việc nuôi dế của chị đã đạt hiệu quả cao về số lượng, chất lượng, giảm thời gian chăm sóc, nhanh được thu hoạch.

Khi đã có nguồn giống dồi dào, kĩ thuật chăn nuôi cao, chị chuyển giao công nghệ cho bà con và thu mua đầu ra sản phẩm.

Sản phẩm của chị có mặt tại các siêu thị lớn Big C, tại các nhà hàng, khách sạn hoặc cung cấp thức ăn cho giới nuôi chim cảnh, cá cảnh, gà chọi hay người dân mua lẻ về ngâm rượu, làm món ăn…

Trang trại Thanh Xuân còn xuất khẩu dế số lượng lớn cho các nhà buôn ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia,...

Chị tiếp tục nghiên cứu và nuôi thêm hơn 10 loại côn trùng khác đem lại giá trị kinh tế cao như tắc kè, bọ cạp, rết, sâu, trứng kiến,... cũng sử dụng thức ăn chính là dế và rau lá.

Ngoài căn gác nhỏ chưa đầy 30m² tại nhà chị ở Hoàng Mai, chị mở thêm 1 cơ sở khác gần nhà và 1 trang trại hơn 100m² tại quê chị (Mỹ Lộc, Nam Định).

Trang trại chị bán dế giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg,rết giá 2 triệu đồng/cân, tắc kè giá 100.000 đồng/con...

Trung bình mỗi tháng, chị xuất hơn một tấn các loại, có những tháng cung không đủ cầu. Chỉ tính riêng lãi từ dế và các loại sâu, chị thu lãi hơn 100 triệu đồng/tháng.

Để được như ngày hôm nay, chị Tâm đã bỏ không ít công sức. Khi mới bắt tay vào làm, nhiều đêm chị thức trắng vì cách nuôi cũ bằng xô, chậu tốn kém, dế chết hàng loạt do ngậm nước nhiễm khuẩn.

Chỉ đến khi thử nghiệm với thùng xốp và thùng gỗ, chi phí thấp, sinh trưởng tốt, chị mới đẩy mạnh việc chăn nuôi dế, chọn lọc được những con giống tốt và giới thiệu cho bà con cùng làm...

Điện thoại vợ chồng chị reo liên tục mỗi ngày. Từ khắp nơi trên cả nước, bà con gọi điện hỏi chị về mô hình nuôi, người lấy hàng, người gửi hàng,...

Chị tận tình chia sẻ mọi bí quyết, hướng dẫn tỉ mỉ bà con cách làm. Đối với người ít vốn, chị khuyên chỉ nên nuôi dế vì các loài côn trùng khác chi phí cao, lâu thu hoạch.

Chị lưu cẩn thận địa chỉ, ngày mua, số lượng đầu tư ban đầu để theo dõi việc nuôi và thu mua sản phẩm cho bà con.

Chị còn tự thiết kế trang web cho trang trại, thông tin đầy đủ về các dịch vụ từ cung cấp giống đến sản phẩm bán lẻ, bán buôn nhằm giới thiệu và “chào hàng” cho sản phẩm.

Ở tuổi ngoài 40, hằng ngày tiếp xúc với đủ các loại côn trùng với hình thù “ghê rợn”, chị Xuân vẫn rất trẻ đẹp, tháo vát.

Trước khi quyết định “bén duyên” với côn trùng, chị Xuân đã từng lăn lộn với nhiều nghề khác nhau như buôn quần áo, bán điện thoại,...

“Đừng vì áp lực cuộc sống mà khuôn ép mình. Nghề nông đã gắn bó với tôi từ khi còn nhỏ. Làm giàu từ chính thứ mình say mê mới lâu bền”, chị Xuân chia sẻ.

Mô hình chăn nuôi của chị được Giáo sư Nguyễn Lân Hùng khen ngợi là hiệu quả và tiết kiệm chi phí. “Nuôi dế ngày nay đã phổ biến với người dân, nhưng cách làm của trang trại chị Xuân tiết kiệm và hiệu quả hơn so với mô hình cũ.

Tôi rất mong bà con quan tâm đến mô hình này. Đây là cách để bà con xóa đói giảm nghèo, thậm chí có thể làm giàu từ nó”, Giáo sư chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại