Người phụ nữ đầu tiên làm Pharaoh Ai Cập - Kỳ 1

Thùy Dương |

Tính cả thời gian bà làm nhiếp chính và là Pharaoh (vua Ai Cập), thì Hatshepsut đã cai trị Ai Cập tổng cộng 21 năm.

Kỳ 1: Dấu ấn của người phụ nữ làm Pharaoh

Người phụ nữ đầu tiên làm Pharaoh Ai Cập - Kỳ 1- Ảnh 1.

Hatshepsut được khắc họa dưới dạng tượng nhân sư đầu sư tử. Bà đeo biểu tuợng truyền thống của nam giới là bờm sư tử và bộ râu giả của pharaoh - dấu hiệu của hoàng gia. Ảnh: National Geographic

Theo tạp chí National Geographic, Hatshepsut là một trong số ít phụ nữ trong lịch sử Ai Cập nắm giữ quyền lực lâu như vậy. Bà trị vì vào một trong những thời kỳ hoàng kim của Ai Cập cổ đại, khi Ai Cập rất thịnh vượng. Hatshepsut đã cho xây dựng những công trình hoành tráng trên khắp đất nước Ai Cập: vô số đền đài, bốn đài tưởng niệm khổng lồ tại Đền thờ Amun ở Karnak, cùng vô số tác phẩm nghệ thuật tôn vinh những thành tựu của bà.

Hatshepsut sinh vào khoảng năm 1507 trước Công nguyên, là con của Thutmose I và người vợ hoàng gia là Hoàng hậu Ahmose. Sau này, Hatshepsut kết hôn với Thutmose II - người anh cùng cha khác mẹ và là người thừa kế ngai vàng, để rồi trở thành người vợ hoàng gia vĩ đại của ông.

Thutmose II chết trẻ, để lại đứa con trai nhỏ tuổi là con của vợ thứ và là người thừa kế. Thutmose III còn quá nhỏ, không thể cai trị Ai Cập nên Hatshepsut, vừa là dì và mẹ kế của cậu bé, đã cai trị thay với vai trò nhiếp chính.

Người phụ nữ đầu tiên làm Pharaoh Ai Cập - Kỳ 1- Ảnh 2.

Hình ảnh của Thutmose III được khắc họa trên bức phù điêu màu ở Deir el Bahri. Ảnh: National Geographic

Hatshepsut dần dần chuyển từ vai trò nữ hoàng nhiếp chính thành Pharaoh hoàn toàn. Khi Thutmose III lớn hơn, ông có quyền thứ hai sau bà và chỉ có quyền cai trị Ai Cập hoàn toàn với tư cách Pharaoh cho đến sau khi bà qua đời vào khoảng năm 1458 trước Công nguyên.

Hatshepsut có lẽ biết vị trí của mình rất mong manh vì bà là phụ nữ và vì bà giành ngai vàng không bình thường. Do đó, bà đã làm điều mà các nhà lãnh đạo khôn ngoan thường làm trong thời kỳ khủng hoảng: bà đã tái tạo lại chính mình. Hình thức rõ ràng nhất là bà khắc họa bản thân như một nam Pharaoh. Về lý do tại sao thì không ai thực sự hiểu rõ, nhưng các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do bà đồng cai trị Ai Cập cùng một nam giới - một tình huống mà chưa một phụ nữ nào phải đối mặt.

Tuy vậy, bà không giả vờ làm đàn ông và không mặc đồ khác giới. Những dòng chữ trên các bức tượng của Hatshepsut hầu như luôn có một số dấu hiệu về giới tính thực sự của bà, chẳng hạn như có các từ “Con gái của Re” hoặc từ chỉ giống cái.

Hatshepsut còn lấy tên mới là Maatkare, có nghĩa là Linh hồn (ka) của thần Mặt trời (Re). Từ quan trọng trong cái tên ở đây là maat - cách diễn đạt của người Ai Cập cổ đại về trật tự và công lý do các vị thần thiết lập. Duy trì maat để đảm bảo thịnh vượng và ổn định của đất nước cần có một Pharaoh hợp pháp, người có thể nói chuyện trực tiếp với các vị thần. Đây là điều mà chỉ các Pharaoh mới có thể làm. Bằng cách tự gọi mình là Maatkare, Hatshepsut có thể đã trấn an người dân của mình rằng họ có một người cai trị hợp pháp trên ngai vàng.

Có thể nói Hatshepsut là một trong những Pharaoh có ảnh hưởng và quyền lực nhất của Vương triều thứ 18 của Ai Cập. Nhưng bà phải đối mặt với vô số sự phân biệt đối xử và thành kiến trong thời gian trị vì, chỉ vì bà là một phụ nữ cai trị trong thời điểm mà chế độ phụ hệ là chuẩn mực thống trị. Vì vậy, bà đã phải vượt qua nhiều định kiến về phụ nữ nắm quyền lực.

Bất chấp nhiều trở ngại, Hatshepsut đã thay đổi các tiêu chuẩn xã hội đối với phụ nữ trong xã hội Ai Cập cổ đại. Bà đã chứng minh rằng phụ nữ có thể trở thành những nhà lãnh đạo tự lập và có thể làm mọi việc.

Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất dưới thời cai trị của Hatshepsut là các sứ mệnh thương mại tới Punt, một vương quốc cận Sahara gần Ai Cập. Trong chuyến thám hiểm này, Hatshepsut đã liên lạc trực tiếp với thủ lĩnh của Punt và mang về rất nhiều hàng hóa như vàng, gỗ mun và ngà voi. Sứ mệnh này đặc biệt có ý nghĩa đối với sự cai trị của bà vì nó cho người dân Ai Cập thấy rằng một phụ nữ có thể độc lập, tháo vát và tự chủ. 

Bà đã có thể tổ chức toàn bộ chuyến đi và còn trao đổi với một nhà lãnh đạo rất được kính trọng ở khu vực Sahara. Bởi vì bà được nhà lãnh đạo này đối xử bình đẳng nên người dân Ai Cập thấy rằng Hatshepsut là một Pharaoh đáng kính và đáng tin cậy.

Hatshepsut cũng chỉ huy một số chiến dịch quân sự, bao gồm một chiến dịch ở Nubia và một chiến dịch khác ở Levant. Bà đã mở rộng quyền kiểm soát và thương mại của Ai Cập ở những khu vực này, đồng thời mang về những tài nguyên quý giá như gỗ và kim loại quý.

Các chiến dịch quân sự ở Nubia nhằm mục đích đảm bảo các nguồn tài nguyên quý giá như vàng, ngà voi và hương trầm, đồng thời bảo vệ Ai Cập khỏi các cuộc xâm lược tiềm tàng từ phía Nam.

Không chỉ là một nhà cai trị thành công, Hatshepsut còn là người bảo trợ cho nghệ thuật và kiến trúc. Bà đã cho xây dựng nhiều công trình hoành tráng, như đền thờ Amun tại Deir el-Bahri, đền thờ Anubis tại Wadi el-Shatt el-Rigga...

Bà cũng cải tạo và mở rộng nhiều công trình kiến trúc hiện có, trong đó có đền KarnACK và đền Luxor.

Đón đọc kỳ cuối: Ngôi đền triệu tuổi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại