Ấm lòng những suất "phở treo" giữa lòng Thủ đô
Những ngày trở lại đây, ở giữa trung tâm TP. Hà Nội có một quán phở đặc biệt được nhiều người yêu thích và ủng hộ. Đó là quán phở "treo" nằm trên phố Bảo Khánh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) của gia đình chị Cát Lệ.
Theo đó, phở "treo" là một hình thức từ thiện bằng cách khách đến ăn trả thêm tiền một hay nhiều suất rồi gửi lại quán để dành những người thực sự cần hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Được biết, mô hình phở "treo" của quán đã được triển khai hơn một tháng nay. Để có số lượng suất phở ổn định, mỗi ngày quán sẽ tự treo 30 bát. Số tiền sẽ được trích từ phần trăm doanh thu của quán. Các thực khách muốn phát tâm thì sẽ bắt đầu "treo" từ số 31.
Khoảng 9h00 sáng, một người phụ nữ mặc áo công nhân vệ sinh môi trường đạp xe đến quán phở. Thấy vậy, chị Lệ nhanh chóng đi ra với một nụ cười thân thiện và nói: "Sao giờ cô mới đến, sáng cô phải ăn thì mới có sức để đi làm chứ", cất lời xong cô Lệ nói vào phía bếp "làm cho bác Ngoạt một suất phở "treo" nhé" khiến người phụ nữ tỏ ra ngại ngùng.
Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Ngoạt (68 tuổi). Bà cho biết hiện đang làm công việc vệ sinh môi trường ở phố Nhà Chung. Trong một lần đạp xe ngang qua quán phở, bà được chị Lệ mời vào ăn phở "treo".
Nói về hoàn cảnh của bản thân, bà Hoạt bảo: "Chồng tôi thì bị bệnh, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi vẫn cố gắng đi làm. Nhiều người thấy vậy bảo sao tôi gần 70 tuổi vẫn đi làm công việc vất vả này, đến bao giờ mới nghỉ ngơi. Nhưng hoàn cảnh như vậy, không đi làm thì lấy tiền đâu để trang trải cho cuộc sống.
Trước đây, bữa sáng của tôi thường là cơm nguội chan nước lọc, hôm nào đổi bữa thì ăn xôi. Tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc sẽ mua phở để ăn. Hơn một tuần trước, tôi đi làm về thì được cô chủ quán mời vào ăn phở "treo" và nói hoàn toàn miễn phí. Lúc đầu tôi bất ngờ và ngại lắm nên từ chối.
Cô chủ quán bảo tôi không có gì phải ngại, đây là của người khác phát tâm để giúp đỡ cho những người lao động khó khăn, không phải quán bỏ ra nên tôi mới đồng ý ngồi xuống.
"Lần đầu được ăn một bát phở to, nhiều thịt khiến tôi nhớ mãi. Tôi ăn một bát mà no đến chiều".
Bà Ngoạt cho biết thêm, mặc dù đã nhiều lần được chủ quán giải thích nhưng bà vẫn cảm thấy ngại mỗi khi đến đây ăn phở treo.
"Thỉnh thoảng vào ăn phở thôi, chứ ngày nào cũng vào ăn ngại lắm. Nay cô chủ quán bảo còn nhiều suất nên tôi xin thêm vài suất mang về cho các cháu nhỏ và ông xã", bà Ngoạt chia sẻ.
Là một trong những vị khách thường xuyên đến ăn phở "treo" trong thời gian gần đây, anh Trần Anh Dũng (SN 1991) cho biết: "Khoảng 2 tuần trước, tôi đang bới rác gần đây thì có một anh bảo vệ đến dắt tay mình và bảo đưa đi ăn phở treo. Lúc đó, tôi không biết phở "treo" là gì cả, bản thân thì không có tiền nên rất hoảng sợ, lo lắng. Lo vì sợ họ sẽ lấy tiền".
Thế nhưng, khi đến quán phở "treo" của chị Lệ, anh Dũng được mọi người giải thích về mô hình phở "treo", người ăn sẽ không phải trả tiền, lúc đó chàng trai này mới yên tâm ngồi xuống ăn.
"Tôi ăn phở "treo" được khoảng 2 tuần nay rồi. Bát phở rất to, phở rất ngon, chị chủ quán nhiệt tình lắm. Nay chị còn cho chúng tôi thêm 100 nghìn đồng để phòng ốm đau, bệnh tật mua thuốc", anh Dũng vui vẻ nói.
Anh Dũng chia sẻ, anh thường nhặt rác, vỏ chai nhựa ở quanh khu vực Hồ Gươm để mưu sinh, nhưng công việc này chỉ giúp anh đổi lại kiếm được 20-30 nghìn đồng/ngày. Với mức thu nhập như vậy, anh chẳng dám nghĩ đến việc vào quán ngồi ăn phở.
Lần đầu tiên đến ăn phở treo, bà Phạm Thị Hà (67 tuổi) cho biết: "Trước đây tôi đã từng đến đây lấy cơm miễn phí. Nay ngồi ở bồn hoa thì mọi người bảo ở đây có phát phở miễn phí. Vì vậy tôi mới đưa cháu đến để xin suất phở mang về".
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, bà Hà nghẹn ngào nói: "Tôi hiện tại nuôi 2 đứa cháu nhỏ. Bố mẹ chúng nó ly hôn, rồi bỏ đi để các cháu lại cho tôi chăm. Hiện tôi chẳng còn người thân, hàng ngày đi lượm ve chai bán lấy tiền.
Thường ngày tôi sẽ gửi các cháu ở trường mầm non, sau đó đi lượm ve chai. Thi thoảng đẩy các cháu vùng quanh hồ, ai cho gì thì ăn đấy. Hôm nào không ai cho gì thì mua tạm suất cơm 3 bà cháu cùng ăn.
Khổ lắm chú ạ, tôi già rồi nhưng vẫn phải nuôi 2 cháu nhỏ. Tiền kiếm được chỉ đủ cho các cháu vào nhà trẻ, chứ không có tiền thuê phòng trọ".
Không có nơi để ở, bà Hà thường đưa các cháu nhỏ đến một mái hiên ở phố Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để trú tạm.
"Trưa nay, bà cháu chúng tôi có phở để ăn rồi. Nãy tôi cũng được người ta cho bọc bánh mỳ. Bánh mỳ sẽ để ăn tối", nói xong bà Hà chia sẻ.
Khách sẽ tự tay "treo" những suất phở của mình
Ấn tưởng với mô hình phở "treo", anh Nguyễn Quang Linh – một vị khách quen của quán chị Cát Lệ, cho biết: "Tôi thường ăn ở đây. Khi thấy tấm biển đề chữ phở "treo" thì cũng hơi tò mò, hỏi ra thì mới biết ý nghĩa thực sự. Kể từ hôm đó, mỗi lần ăn phở xong tôi đều "treo" vài suất. Hôm nay tôi "treo" 2 suất".
Anh Lê Hiếu (28 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Tôi và bạn của mình thi thoảng đến đây ăn sáng. Nay để ý mới biết đến mô hình này. Thấy mô hình phở "treo" rất ý nghĩa nên tôi và bạn quyết định mỗi người "treo" một suất".
Phở "treo" được ra đời là sự chung tay của nhiều người
Trò chuyện với chúng tôi, chị Cát Lệ cho biết, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chị có tình cờ xem tivi thì biết đến mô hình cà phê "treo" ở Ý.
"Sau khi biết đến mô hình cà phê "treo", tôi đã nảy ra suy nghĩ sẽ thực hiện một mô hình như vậy. Nhưng thói quen buổi sáng của Việt Nam khác bên nước Ý. Thay vì uống cà phê vào buổi sáng, người Việt sẽ lựa chọn ăn sáng để bắt đầu một ngày làm việc.
Bởi vậy, tôi đã nghĩ đến phở "treo". Nhưng thời điểm đó, nhịp sống chưa ổn định nên tôi chưa thể thực hiện", chị Lệ tâm sự.
Cũng trong thời điểm dịch Covid-19, chị Lệ cùng một vài người bạn và người thân chung tay cùng nhau nấu cơm, cháo, phở để dành tặng miễn phí tại các bệnh viện.
Đến khi thấy nhịp sống ổn định, chị Lệ mới đem ý tưởng phở "treo" bàn với gia đình và người thân.
"Khi tôi nói về ý tưởng này với chồng, con trai và người thân thì ai nấy cũng đều tán thành và hưởng ứng. Mô hình phở "treo" được ra đời là sự chung tay của nhiều người, không phải riêng tôi làm lên", chị Lệ mỉm cười nói.
Chị Lệ cho hay: "Những ngày đầu treo tấm biển "phở treo", rất nhiều người hỏi tôi "phở treo" là gì?. Thậm chí cả người nước ngoài, khi họ thấy thì cũng ngạc nhiên và thắc mắc. Chính vì vậy, tôi đã nhờ cậu con trai thiết kế thêm phần chú thích tiếng Việt và tiếng Anh. Để ai cũng có thể hiểu được ý nghĩa".
Khi được hỏi về việc những người có hoàn cảnh như thế nào sẽ được ăn phở "treo", chị Lệ nói: "Bất kể ai đến ăn phở treo đều được nhưng chúng tôi sẽ ưu tiên người già, trẻ nhỏ, người tàn tật, sinh viên. Đối với những người trẻ, khỏe mạnh, chúng tôi đều hỗ trợ. Bởi nhiều khi họ gặp khó khăn, muốn đi làm kiếm tiền nhưng chưa thể xin được việc, bát phở treo sẽ giúp họ đỡ được phần nào chi phí".
Một nữ du khách nước ngoài thích thú với mô hình đặc biệt này nên đã dùng điện thoại để ghi lại
Trong suốt hơn 10 năm trở lại đây, nhiều người đã quá quen thuộc với hình ảnh chị Lệ tặng cơm, phở, cháo miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng ít ai biết được rằng, trước đây, chị từng trải qua thời điểm khó khăn với điều kiện thiếu thốn. Và cũng trong một lần điều trị tại bệnh viện vào 15 năm trước, chị đã chứng kiện nhiều hoàn cảnh éo le. Điều đó đã giúp chị thấu hiểu được nỗi lòng của những người có hoàn cảnh khó khăn.
"Họ khó khăn, thiếu thốn mọi thứ. Từ tiền viện phí cho đến chi phí sinh hoạt tại bệnh viện. Ngay lần đầu tiên tôi được nhận suất cơm từ thiện ở bệnh viện, tôi đã cảm nhận được suất cơm có ý nghĩa như thế nào đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Lúc đó, tôi cầm suất cơm trên tay nhưng không ăn. Tôi liền đem suất cơm đó tặng lại cho người cần hơn mình.
Sau khi xuất viện, lúc đó tôi đã tự hứa với bản thân sau này sẽ nấu cơm, cháo từ thiện dành tặng những người bệnh, người có hoàn cảnh khó khăn", chị Lệ tâm sự.
Đến khi mở mô hình phở "treo", chị Lệ lại càng thấu hiểu hơn về những người có hoàn cảnh khó khăn. Chị Lệ cho biết, có một hoàn cảnh khiến chị thương nhất kể từ khi mở mô hình phở "treo" đến nay. Chị kể, vào khoảng 2 tuần trước, khi chị đang bận rộn với công việc thì có một anh bảo vệ dắt tay một người đàn ông khắc khổ, mặt mũi nhợt nhạt vào trong quán.
"Bạn bảo vệ bảo "chị ơi, nãy em thấy bạn này bới rác tìm đồ ăn. Chị cho bạn ấy xin một bát phở "treo" nhé". Lúc đó, tôi nhìn qua thì thấy người này trông sức khỏe yếu, vẻ mặt tỏ ra lo lắng. Tôi nghĩ chắc người này sợ phải trả tiền nên đã giải thích.
Sau đó, tôi bảo "sau em cứ đến đây ăn phở, không phải đi tìm và ăn đồ ở bãi rác. Ăn ở đó mất vệ sinh và không tốt cho sức khỏe đâu". Bạn ấy ngượng ngừng rồi gật đầu. Sau hôm đó, bạn ấy hôm nào cũng đến, ngày 2 bữa".
Sự khác biệt giữa bát phở "treo" với bát phở thông thường
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy những bát "phở treo" có sự khác biệt với bát bát phở bình thường tại quán.
Lý giải về điều này, chị Cát Lệ mỉm cười nói: "Đúng là bát phở "treo" khác bát phở bình thường. Bát phở chúng tôi bán cho khách vẫn giữ nguyên như thường ngày, còn chiếc bát đựng phở dành cho khách ăn phở "treo" được chúng tôi đặt riêng. Chiếc bát to hơn, chúng tôi sẽ cho nhiều phở và thịt hơn.
Bởi vì, đa phần các cô, chú đến ăn phở "treo" đều là những người lao động, có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người gần trưa mới đến ăn vì họ muốn gộp hai bữa sáng và trưa thành một. Tôi cũng khuyên họ đói thì cứ đến ăn, nhưng họ ngại, họ chỉ đến ăn một bữa.
Chính vì điều này nên chúng tôi quyết định đặt riêng những chiếc bát to hơn để dành cho khách ăn phở "treo", để họ được ăn no bụng.
Tôi nghĩ đây cũng là điều mà những người phát tâm mong muốn khi "treo" những suất phở tại quán để dành tặng cho những người thực sự cần".
Chị Lệ mong muốn hành động của mình sẽ lan tỏa đến nhiều cửa hàng khác, để có thể giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.