Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore từ lâu được xem là một trong những bệnh viện tốt nhất trên toàn nước Mỹ. Biết bao nhiêu cuộc nghiên cứu, thử nghiệm được tiến hành tại đây đã cứu sống sinh mạng của vô số bệnh nhân, mang đến những bước tiến quan trọng trong lịch sử y học loài người.
Trở lại những năm 1950, bệnh viện Johns Hopkins còn có một điểm đặc biệt khác, đó gần như là nơi duy nhất người da đen nghèo có thể tìm đến để chữa bệnh.
Tháng 2 năm 1951, Henrietta Lacks, người phụ nữ da đen đến từ Virginia đã tìm đến bệnh viện Johns Hopkins để khám bệnh. Henrietta bị chảy máu âm đạo mặc dù bà không phải đang trải qua thời kỳ kinh nguyệt và đặc biệt mỗi lần đi tắm bà còn thường xuyên sờ thấy một cục u kỳ lạ ở vùng kín.
Bà Henrietta, khi ấy 31 tuổi, và chồng có với nhau 5 người con. Sau khi sinh người con út cũng chính là lúc bà Henrietta nhận thấy tình trạng chảy máu âm đạo diễn ra thường xuyên.
Bác sĩ phụ khoa Howard Jones, người trực tiếp kiểm tra cho Henrietta phát hiện cổ tử cung của bà có khối u bất thường. Mẫu tế bào của bà Henrietta được đem đi sinh thiết tại phòng thí nghiệm của bác sĩ George Gey sau đó đã xác nhận đó là khối u ác tính.
Việc chữa bệnh ung thư vào những năm 1950 khác rất xa so với y học hiện đại của thời nay. Để tiêu diệt tế bào ung thư, các bác sĩ đã đặt những viên nang chứa chất phóng xạ radium xung quanh cổ tử cung của bệnh nhân. Đây được xem là phương pháp khả thi và hiệu quả tốt nhất thời điểm bấy giờ.
Quá trình chữa bệnh mang muôn vàn đau đớn và gian khổ nhưng bà Henrietta nhất mực giấu kín không cho bất cứ ai trong gia đình hay biết. Có những lúc bà cắn môi đến bật cả máu để không hét lên thành tiếng mỗi lần bị cơn đau hành hạ.
Đáng tiếc cách sử dụng viên radium dường như chẳng mang đến chút kết quả khả quan nào, tình hình của bà Henrietta ngày một trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tế bào của bà, bác sĩ George Gey đã phát hiện ra một thứ đáng kinh ngạc vô cùng.
Trong khi các tế bào lấy từ cơ thể bệnh nhân khác sẽ chết rất nhanh chóng trong môi trường phòng thí nghiệm thì tế bào của bà Henrietta vẫn khỏe mạnh và tiếp tục phân chia với tốc độ chóng mặt.
Hàng thập kỷ sau khi chết, gia đình bà Henrietta mới phát hiện được rằng tế bào bất tử của bà vẫn còn tồn tại trên đời và được sử dụng một cách rộng rãi.
Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc tế bào ung thư của bà Henrietta cũng sinh sôi không ngừng trước khi radium có thể giết chết được chúng. Khoảng 7 tháng sau khi đến bệnh viện lần đầu tiên, bà Henrietta đã qua đời vì không thể chống chọi với căn bệnh quái ác.
Gia đình bà Henrietta đã trải qua một khoảnh thời gian khó khăn, họ đau đớn biết bao, xót xa biết bao trước sự ra đi của bà. Nhưng điều họ không hề biết rằng tế bào bất tử của bà Henrietta vẫn còn tồn tại trên đời.
Không những vậy, chúng còn tiếp tục phân chia đến hàng trăm hàng triệu lần, chúng được lưu trữ tại rất nhiều các cơ sở y tế, phòng thí nghiệm để dùng với mục đích nghiên cứu.
Bảng tưởng niệm về bà Henrietta được gắn tại quê nhà.
Tế bào bất tử của bà Henrietta được đặt một cái tên là “tế bào HeLa”. Nhờ có tế bào HeLa, các nhà khoa học đã có thể hiểu thêm về sự tăng trưởng của tế bào ung thư trong cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác này. Họ cũng có cơ hội được khám phá thêm nhiều điều bí ẩn trong bộ gen của con người, tạo ra những bước đột phá to lớn trong lĩnh vực y học.
Từ phòng thí nghiệm của mình, bác sĩ George đã liên tục gửi mẫu tế bào HeLa cho rất nhiều nhà nghiên cứu khác nhau trên toàn nước Mỹ. Một trong số đó, bác sĩ Jonas Salk, đã dùng tế bào HeLa để tạo ra vaccine ngừa bại liệt.
Suốt nhiều năm sau đó, tế bào bất tử của bà Henrietta được nuôi trong phòng nhiều phòng thí nghiệm để phục vụ nghiên cứu y học và giúp phát triển các loại thuốc điều trị ung thư, bệnh bạch cầu, Parkinson, bệnh herpes, AIDS… Người ta ước tính trong khoảng 60 năm nay, có khoảng 50 triệu tấn tế bào được sinh ra từ những tế bào đầu tiền của bà Henrietta đã được thu thập.
Chân dung bà Henrietta được trưng bày trong Viện bảo tàng chân dung quốc gia Hoa Kỳ.
Mặc cho những cống hiến vĩ đại cho y học và cho nhân loại từ tế bào bất tử của bà Henrietta, gia đình của bà lại không hề hay biết gì về điều này. Mãi cho đến những năm 70, khoảng 3 thập kỷ sau đó, gia đình họ bỗng nhận được một cuộc gọi đề nghị hiến máu và sự thật mới được tiết lộ.
Gia đình nhà Lacks lúc này tỏ ra vô cùng giận dữ, một mặt vì họ không hề biết được việc lấy tế bào của Henrietta có được tiến hành một cách hợp pháp hay không, mặt khác họ không thể chấp nhận được việc từng tế bào của Henrietta bị trục lợi trong ngành chế tạo thuốc hoặc buôn bán tế bào bất tử HeLa giúp người ta kiếm được hàng tỉ đô la, trong khi đó những người nhà Lacks lại sống trong cảnh túng thiếu, ngay cả tiền bảo hiểm cơ bản nhất cũng không có khả năng chi trả.
Oprah Winfrey đã thủ vai bà Henrietta một cách xuất sắc.
Sự việc tạo ra một vụ kiện tụng kéo dài liên quan đến đạo đức y học của các bác sĩ, nhân quyền của bà Henrietta cũng như bảo mật cá nhân của gia đình Lacks. Đến năm 2013, Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kì mới bắt đầu công khai ghi nhận đóng góp của bà Henrietta cũng như có những hành động hỗ trợ người nhà của bà.
Năm 2017, bức chân dung của bà Henrietta được chính thức treo lên tại Viện bảo tàng chân dung quốc gia tại Washington. Trong cùng năm đó, đài HBO đã sản xuất một bộ phim dựa trên cuộc đời đầy bi kịch và sự cống hiến vĩ đại của bà Henrietta. Vai diễn Henrietta cho nữ diễn viên, người dẫn chương trình kỳ cựu Oprah Winfrey thủ vai.
(Nguồn: CNN)