"Phụ nữ không thể trở thành bộ trưởng. Điều chẳng khác nào quàng vào cổ họ một trách nhiệm mà họ không thể gánh vác được. Phụ nữ không cần phải có mặt trong nội các, họ chỉ nên sinh con", người phát ngôn Taliban Sayed Zekrullah Hashimi nói trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin TOLO News hôm 9/9.
Theo ông Hashimi, những người phụ nữ đang biểu tình tại Kabul những ngày vừa qua không đại diện cho tất cả phụ nữ ở Afghanistan.
Nhóm phụ nữ tham gia biểu tình tại thủ đô Kabul. (Ảnh: ITN)
Phản bác lại lời của ông Hashimi, phóng viên hãng TOLO News nói rằng "phụ nữ là một nửa của xã hội". Sau đó, phát ngôn viên Taliban trả lời: "Chúng tôi không coi họ là một nửa... Nếu bạn vi phạm quyền của họ, đó không phải là vấn đề... Phụ nữ Afghanistan là những người sinh ra người dân Afghanistan, giáo dục họ về đạo đức Hồi giáo".
Bình luận trên của người phát ngôn Taliban đang làm "dậy sóng" các trang mạng xã hội và hứng chịu nhiều chỉ trích.
Taliban hôm 7/9 đã công bố chính phủ lâm thời với toàn bộ các thành viên là nam giới, là những người theo đường lối cứng rắn và có người nằm trong danh sách khủng bố được giữ các vị trí chủ chốt.
Kể từ khi tiếp quản Kabul vào ngày 15/8, Taliban đã nhiều lần cam kết sẽ trao quyền cho phụ nữ, song tới nay đã có nhiều sự bất nhất giữa lời nói và hành động của họ. Hãng CNN xác nhận nhiều phụ nữ đã bị Taliban đánh đập khi tham gia biểu tình tại thủ đô Kabul những ngày qua.
Trước đó, theo sắc lệnh do cơ quan quản lý giáo dục của Taliban ban hành hôm 4/9, lực lượng này đưa ra một loạt các yêu cầu như phụ nữ theo học tại các trường đại học tư thục ở Afghanistan phải mặc trang phục truyền thống abaya và trùm niqab che gần hết khuôn mặt; chỉ phụ nữ mới có thể được dạy học cho các nữ sinh; phụ nữ phải kết thúc buổi học sớm hơn nam giới 5 phút để tránh mặt.
Hôm 8/9, phó trưởng Ủy ban Văn hóa Taliban Ahmadullah Wasiq cho biết, phụ nữ Afghanistan sẽ bị cấm chơi thể thao, trong đó có môn cricket vì làm như vậy sẽ "để lộ cơ thể" trước các phương tiện truyền thông.