Chỉ với 10 ngày, công tác chuẩn bị cho Trung tâm báo chí Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều được Việt Nam tiến hành như thế nào?
Bộ Ngoại giao được Chính phủ giao cho chủ trì các công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này, đặc biệt là công tác lễ tân và hỗ trợ báo chí. Đúng là chỉ có 10 ngày kể từ khi chúng tôi được chính thức quyết định thiết lập trung tâm báo chí ở đây. Đầu tiên, chúng tôi phải giải phóng mặt bằng, sau đó thiết lập hạ tầng viễn thông và các hạ tầng kỹ thuật khác liên quan.
Trong vòng đúng một tuần, các công việc được hoàn tất. Cùng với hai doanh nghiệp viễn thông lớn nhất cả nước là Viettel, VNPT và truyền hình Việt Nam và các sở ngành liên quan của thành phố Hà Nội như Điện lực Hoàn Kiếm, công ty môi trường đô thị, Ban quản lý Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, chúng tôi phải làm việc cả ngày lẫn đêm để hoàn thiện một khối công việc lớn như thế này.
Như các bạn cũng biết, đây là một trung tâm văn hóa của thủ đô Hà Nội được xây dựng từ hơn 30 năm trước. Các hạ tầng, hệ thống kỹ thuật của công trình này không thể đáp ứng được những đòi hỏi của một hội nghị quốc tế lớn như thế.
Với số lượng phóng viên lớn cùng những yêu cầu để đảm bảo tác nghiệp nhiều như thế này, để đáp ứng được, có thể nói là tôi rất biết ơn, đánh giá rất cao những nỗ lực phi thường của anh chị em cán bộ, nhân viên, người lao động của các bộ ngành trung ương, các sở ngành thành phố Hà Nội và doanh nghiệp đã chung tay để chúng tôi hoàn thành được trung tâm báo chí quốc tế đúng thời hạn.
Công tác tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 có khác biệt gì so với khi tổ chức APEC năm 2017?
Hội nghị này hoàn toàn khác. Tính chất của nó cũng hoàn toàn khác. Như các hội nghị quốc tế trước đây do Việt Nam chủ trì tổ chức như APEC, ASEAN hay đồng tổ chức như WEF ASEAN 2018, đây là hội nghị do Mỹ và Triều Tiên tổ chức. Chúng ta, với tư cách chủ nhà, tham gia vào việc tổ chức hậu cần, an ninh, kỹ thuật và các vấn đề liên quan tới công tác truyền thông mà thôi.
Các bạn cũng biết, thời gian chuẩn bị cho ASEAN, APEC kéo dài hàng năm và thời gian tập trung cao điểm kéo dài hàng tháng nhưng trong hội nghị này, chúng ta chỉ có 1 đến 2 tuần để chuẩn bị. Tuy nhiên, những kinh nghiệm mà Việt Nam đã đúc kết được trong những lần tổ chức sự kiện trước rất quý giá với chúng tôi.
Chúng tôi biết được hạ tầng kỹ thuật cần những gì, phóng viên cần những gì để có thể tác nghiệp tốt nhất. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo kinh nghiệm của nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất là Singapore. Có thể nói, tất cả các đơn vị đã phải vào cuộc vô cùng tích cực, với công suất mấy trăm phần trăm, để có thể hoàn thành việc này.
Trung tâm Báo chí phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể tiếp hơn 3.000 phóng viên trong và ngoài nước suốt 24/24. Phía Bộ Ngoại giao đã phân công công tác như thế nào để trung tâm này có thể hoạt động liên tục thông suốt?
Trên một khuôn viên rộng 30.000 m2, bao gồm nhiều dịch vụ và bộ phận khác nhau, để duy trì hoạt động của trung tâm báo chí 24/24, không chỉ có riêng Bộ Ngoại giao mà còn có đơn vị liên quan như điện lực, vệ sinh môi trường đô thị, hạ tầng viễn thông và các đơn vị hậu cần.
Trong khi đó, Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao, chỉ có một số lượng người rất ít ỏi. Các bạn sẽ không tưởng tượng được chúng tôi ít người như thế nào nhưng phải phân thân ra làm nhiều nhiệm vụ. Ngoài nhiệm vụ ở Trung tâm Báo chí, chúng ta còn có 2 hoạt động tiếp xúc song phương khác mà chúng tôi cũng phải tham gia, chủ trì công tác thông tin đối ngoại.
Từ ngày hôm qua, Vụ Báo chí đã phải cử người trực tại đây cả đêm. Chúng tôi phải huy động thêm các anh chị em, là cán bộ trẻ của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao như Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Biên giới quốc gia và một số em sinh viên tới thực tập tại Vụ Báo chí để có thể chia sẻ cùng nhau công việc này.
Riêng trong hoạt động tại Trung tâm Báo chí cũng có rất nhiều bộ phận như bộ phận thông tin, cấp phát thẻ, hỗ trợ về mặt hậu cần và bộ phận thư ký cho ban điều hành.
Sẽ có nhiều đơn vị cùng phối hợp để đảm bảo tốt nhất hoạt động cho Trung tâm Báo chí những ngày diễn ra hội nghị. Trong vai trò điều phối, cá nhân bà nói riêng và phía Bộ Ngoại giao nói chung gặp thuận lợi và khó khăn gì?
Tôi phải nói rằng, nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ giữa các bộ ban ngành, các đơn vị tham gia, sẽ không thể hoàn thành khối lượng công việc lớn như vậy, sẽ không thể có được trung tâm báo chí như các bạn thấy, đầy đủ tiện nghi và các điều kiện tác nghiệp tốt như thế này.
Từ hôm qua tới nay, tôi gặp nhiều bạn phóng viên nước ngoài và phóng viên Việt Nam, chưa ai phàn nàn gì về hạ tầng kỹ thuật cũng như điều kiện tác nghiệp và tiện ích. Đó chính là thành quả của sự lao động hết mình, nỗ lực phi thường của cán bộ, nhân viên, người lao động của các đơn vị tham gia như Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin truyền thông, các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, Đài Truyền hình Việt Nam, các đơn vị của thành phố Hà Nội như Công ty môi trường Đô thị, Công ty cây xanh, Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô, các đơn vị như Sở Văn hóa Thông tin thành phố.
Tất cả đã tập trung ý chí, quyết tâm và sức lực để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, đảm bảo vận hành trơn tru của Trung tâm Báo chí.
Trong những ngày qua, trung tâm báo chí có gặp vấn đề gì trong quá trình vận hành hay không?
Cho đến hiện tại, chúng tôi chưa gặp một sự cố kỹ thuật nào. Như các bạn thấy, riêng hệ thông Internet, chúng tôi có kết nối Wifi và kết nối dây để đảm bảo truy cập. Chúng tôi cũng có hai nhà cung cấp Internet vào khu vực là Viettel và VNPT. Về điện, ngoài hệ thống điện lưới, chúng tôi có máy phát điện dự phòng, đảm bảo mọi tình huống.
Hiện nay, chúng tôi có nhóm điều hành, túc trực 24/24, sẵn sàng giải quyết mọi sự việc phát sinh. Ví dụ sáng 27/2, nhóm Báo chí Nhà Trắng yêu cầu một phòng họp báo để đại diện đoàn Mỹ tới đây họp báo. Chỉ trong vòng 1 tiếng, yêu cầu của phía Mỹ đã được đáp ứng, từ sắp đặt phòng, trang trí, bổ sung thiết bị âm thanh, thiết lập đường truyền hình từ phòng họp báo về trung tâm tổng khống chế của Đài Truyền hình Việt Nam. Chúng tôi làm rất nhanh và phía Mỹ rất hài lòng.