“Cánh đồng Pháp trên đĩa Trung Quốc”, “Khi Trung Quốc bắt đầu cuộc đua mua đất nông nghiệp Pháp”, “Trung Quốc đang xâm chiếm đất nông nghiệp Pháp” là những tiêu đề choán đầy các trang kinh tế của Pháp những tháng gần đây.
Từ vùng Indre, miền Trung nước Pháp tới vùng Normandy và Brittany ở phía Tây, các cuộc biểu tình đã và đang nổ ra để chống lại mối đe dọa chiếm đất tới từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Đỉnh điểm phải kế đến cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối thương vụ mua 1.700 ha đất nông nghiệp để sản xuất bột mì hữu cơ cung cấp cho thị trường Trung Quốc của tập đoàn đa quốc gia Reward thuộc sở hữu của tỷ phú Trung Quốc Hu Keqin (Hồ Khắc Cần).
Cuối năm 2017, Hiệp hội nông nghiệp Safar của Pháp đã lên tiếng kêu gọi chính phủ can thiệp sau khi Reward mua đứt 2.600 ha đất nông nghiệp tại các vùng Indre (1.700 ha) và Allier (900 ha) ở miền trung của Pháp lần lượt chỉ trong hai năm 2016 và 2017.
Hiện nay, Reward đang sở hữu 3.000 ha đất nông nghiệp ở Pháp, trong đó có 8 trang trại lớn ở nước này.
Một vụ biểu tình của người nông dân Pháp phản đối các công ty Trung Quốc thâu tóm của đất canh tác. (Ảnh: SCMP)
Không chỉ có Reward, hàng loạt tập đoàn khác ở Trung Quốc cũng đang có hứng thú với các mảnh đất ở các vùng nông thôn Pháp với mục đích sản xuất loại bột mỳ “Made in France”, nhằm cung cấp bột cho hàng nghìn lò bánh mỳ ở Trung Quốc, phục vụ cho tầng lớp trung lưu nổi lên ngày càng nhanh của đất nước tỷ dân này.
Những thông tin này đang khiến người nông dân ở Pháp bất bình. Họ bắt đầu tập hợp lại và kêu gọi biểu tình chống lại thương vụ đang đe dọa tới các mảnh đất mà họ đang canh tác. Đáng kế nhất có phong trào “Giành lại đất” do Liên minh Nông dân quy mô nhỏ của Pháp phát động.
Theo liên minh này, Cơ quan quản lý đất đai Pháp SAFER kiểm soát các thương vụ mua bán đất nông nghiệp. Điều này giúp cho SAFER có quyền bán một phần đất nông nghiệp để bảo vệ hệ thống canh tác gia đình đang chiếm ưu thế ở Pháp. Nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc đã lợi dụng một lổ hổng pháp lý ở Pháp. Họ không mua đất, nhưng lại mua công ty sở hữu mảnh đất đó.
Đó là lỗ hổng mà ông Laurent Pinatel, người phát ngôn của Liên minh nông dân quy mô nhỏ của Pháp cho rằng phải được vá lấp bằng các quy định chặt chẽ hơn về quyền sở hữu đất và chuyển nhượng sở hữu đất. Vấn đề này sẽ được các nghị sỹ Pháp mang ra thảo luận trong những tháng tới.
Vào tháng 3/2018, Tổng thống Emmanuel Macron từng hứa sẽ đưa ra các biện pháp ngăn chặn các hoạt động thâu tóm đất thông qua các thương vụ mua lại công ty sở hữu mảnh đất đó.
Tờ La Dépêche cho rằng đây là một vấn đề cấp thiết khi mà các công ty Trung Quốc rất chịu chi trong các thương vụ này. Họ sẵn sàng bỏ ra tới hàng chục triệu USD/ha, cái giá gấp 2-3 giá thị trường.
Một tờ báo khác khẳng định đất nông nghiệp ở Pháp giờ đang được mua với “giá vàng”.
“Người Trung Quốc có một lý lẽ đanh thép không thể chối cãi. Đó là tiền. Giá chào mua của một công ty Trung Quốc ít nhất cũng gấp đôi giá thị trường”, một bản tin trên kênh France 2 nhấn mạnh. Điều này khiến các nhà đầu cơ trong nước không có cơ hội cạnh tranh với các tập đoàn lắm tiền nhiều của tới từ Trung Quốc.
Nhưng không chỉ nông dân Pháp, người dân Pháp cũng lo ngại các hoạt động thâu tóm đất của người Trung Quốc đang đe dọa quê hương của họ.
“Chúng tôi biết sự quan tâm của Trung Quốc với những vườn nho ở Bordeaux. Nhưng tại sao các nhà đầu tư Trung Quốc lại phải mua tới hàng nghìn ha đất ở Indre? Họ đang tham vọng điều gì?”, nhà báo Anne-Laure của đài phát thanh văn hóa Pháp đặt nghi vấn.
Theo Anne-Laure, câu trả lời có thể nằm vấn đề bùng nổ dân số của Trung Quốc và an toàn thực phẩm ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Pháp không phải là quốc gia duy nhất mà các tập đoàn Trung Quốc đang mua lại nông nghiệp để sản xuất lương thực xuất khẩu trở lại thị trường trong nước.
Số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ và quỹ Heritage Foundation cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực nông nghiệp ở nước ngoài đã tăng vọt kể từ năm 2010, lên tới ít nhất là 94 tỉ USD. Trong đó, đầu tư của hai năm 2016 và 2017 chiếm gần một nửa.
Các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước của Trung Quốc đã đổ tiền đầu tư để mua 9 triệu ha đất ở các quốc gia phát triển tính từ năm 2012. Tuy nhiên, sự chú ý đổ dồn nhiều nhất vào Úc, Mỹ và châu Âu trong những năm gần đây.
Năm 2016, Trung Quốc đứng vị trí thứ năm xét về những quốc gia sở hữu đất canh tác lớn nhất tại Úc. Tuy nhiên, đến năm 2017, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai chỉ sau Anh. Trong khi đó, Mỹ đứng ở vị trí thứ ba, theo báo ABC của Úc.