Người Nhật cũng chen lấn xô đẩy, có một lý do liên quan đến buýt nhanh ở Hà Nội

Bảo Nam |

Càng gần ngày BRT chính thức được đưa vào hoạt động, sự quan tâm cũng như lượt bình luận dành cho dự án này càng tăng. Nếu muốn giao thông văn minh hơn, chúng ta phải chấp nhận đánh đổi.

Hàng ngày, số lượng người chia sẻ hình ảnh về cảnh tượng nhồi nhét người kinh hoàng trên các chuyến tàu điện ngầm tại Nhật vào giờ cao điểm vẫn không ngừng tăng.

Bản thân tôi cũng đã có dăm lần trải nghiệm cảm giác chen nhau tới bẹp ruột trên tàu điện ngầm. Cứ mỗi khi tàu chạy tới các ga lớn, số lượng người lao vào các khoang tàu lại tăng.

Dân Nhật bình thường kỷ luật, lịch sự, nguyên tắc là thế mà khi đi tàu điện ngầm giờ cao điểm, họ như biến thành những con người hoàn toàn khác. Họ chen bằng mọi giá. Có những cô gái yếu ớt bị đẩy ép sát mặt vào cửa tàu, thậm chí bị chèn ép tới mức… chân không chạm đất.

Người Nhật cũng chen lấn xô đẩy, có một lý do liên quan đến buýt nhanh ở Hà Nội - Ảnh 1.

Lượng khách đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản vào giờ cao điểm là rất đông.

Tại sao nước Nhật văn minh, hiện đại là thế mà không tìm cách nào giảm nhiệt cho tàu điện ngầm giờ cao điểm? Nên nhớ là mức giá mua xe ô tô ở Nhật rất rẻ, sở hữu xe hoàn toàn không khó.

Vậy tại sao thay vì chen nhau ngạt thở, nhàu nhĩ những bộ quần áo hàng hiệu trên tàu, họ không lái xe ô tô cho thanh cảnh.

Đây mới chính là thái độ mà chúng ta nên học: Họ chấp nhận sử dụng phương tiện công cộng như một phần tất yếu của cuộc sống để giao thông trên mặt đất được thông suốt, thoáng đãng, văn minh.

Thế mới có chuyện xe buýt ở Tokyo hoạt động chính xác như một cái đồng hồ. Ở mỗi bến xe buýt đều có các mốc giờ xe buýt cập bến và gần như không bao giờ xe buýt đến muộn. Người đón xe buýt cũng vì thế mà hoàn toàn chủ động về mặt thời gian đón xe và giờ họ sẽ có mặt ở một bến nào đó.

Từ giao thông công cộng ở Nhật Bản tới tuyến xe buýt BRT ở Hà Nội

Trở lại với câu chuyện chiếc xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội đang hứng ngày càng nhiều "gạch đá" từ người dân, thậm chí cả những chuyên gia về giao thông…

Bất kỳ ai, chẳng cần đến một chuyên gia, cũng có thể chỉ ra vô số điểm bất cập của BRT. Và thật ra, họ chỉ trích đúng.

Tại một nơi đất chật người đông như Hà Nội mà dành một làn riêng cho BRT chẳng khác nào anh nhà nghèo cố sắm chiếc Ferrrari chạy cho sành điệu.

Tuy nhiên, tại sao dân Nhật chấp nhận chen chúc đến kinh hoàng trên những chuyến tàu điện ngầm vào giờ cao điểm?

Đơn giản vì tàu điện ngầm nói riêng và các phương tiện công cộng khác nói chung rẻ hơn chi phí vận hành và duy trì một chiếc ô tô, hay đơn giản, việc ưu tiên phương tiện công cộng đã trở thành thói quen của người Nhật?

Người Nhật cũng chen lấn xô đẩy, có một lý do liên quan đến buýt nhanh ở Hà Nội - Ảnh 2.

Hình ảnh xe buýt nhanh sắp được đưa vào sử dụng ở Hà Nội. (Ảnh: VOV)

Ở đây có một mối quan hệ 2 chiều tồn tại: Phương tiện công cộng sinh ra để phục vụ người dân và người dân hình thành thói quen sử dụng nó.

Vậy nếu chúng ta lạc quan mà nghĩ rằng: BRT sinh ra để dần tạo thói quen cho dân ta ưu tiên dùng phương tiện công cộng như xe buýt thường, buýt nhanh và trong tương lai có cả tàu trên cao, tàu điện ngầm, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận nó hơn.

Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban quản lý Dự án trọng điểm Hà Nội (Sở GTVT) khẳng định, chỉ ở Việt Nam mới có chuyện buýt nhanh chạy chung đường với xe máy.  

Vậy nên chuyện dân ta phản đối BRT vì thói quen sử dụng xe máy cũng là chuyện dễ hiểu. Tại sao không tư duy ngược lại: Chúng ta sẽ tiến dần đến việc loại bỏ xe máy ra khỏi những tuyến đường lớn và ưu tiên cho phương tiện công cộng.

Trong tương lai, Hà Nội sẽ có thêm 7 tuyến BRT, trong đó 3 dự án trùng với các tuyến đường sắt đô thị. 

Như vậy nếu chúng ta chấp nhận thay đổi một thói quen và thậm chí là chấp nhận phải chung sống chật vật với chiếc BRT chạy trên đường để hướng tới một tương lai văn minh hơn, thiết nghĩ, nó hoàn toàn xứng đáng để đánh đổi.

Người Nhật cũng chen lấn xô đẩy, có một lý do liên quan đến buýt nhanh ở Hà Nội - Ảnh 3.

Dàn xe buýt BRT đang chờ ngày lăn bánh. (Ảnh: VOV)

20 năm trước, chẳng ai nghĩ Hà Nội sẽ có nhiều ô tô như ngày hôm nay. Số lượng ô tô cá nhân đã thay thế một lượng lớn xe máy, và công bằng mà nói thì mặt bằng chung ý thức của người lái xe ô tô cao hơn xe máy.

Tại sao chúng ta không hy vọng trong tương lai, các ga tàu sẽ giăng khắp Hà Nội, người dân sử dụng đường sắt đô thị để đi lại, còn trên mặt đất, BRT giúp đường phố của chúng ta vận hành một cách quy củ hơn, khi mỗi loại xe có một làn riêng để hoạt động, và xe máy biến mất.

Đã không ít người kêu ca rầm trời trong quá trình đường vành đai 3 trên cao được thi công. Nhưng giờ đây, nó trở thành tuyến giao thông huyết mạch và tương đối văn minh, quy củ.

BRT cũng vậy. Văn minh là phải đánh đổi. Đánh đổi bằng nhiều thứ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại