Trên phố Hàng Mã (Hà Nội), có một gian hàng nhỏ luôn thu hút khách du lịch với những con giống bột được làm tỷ mỉ, công phu và vô cùng đẹp mắt. Đó là gian hàng của nghệ nhân Đặng Văn Hậu.
Mỗi năm, khi Tết Trung thu cận kề, nghệ nhân Đặng Văn Hậu (sinh năm 1985 tại làng Xuân La, xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội) lại tất bật chuẩn bị cho ra đời các sản phẩm tò he để phục vụ người chơi.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho biết, tò he (còn được gọi là con giống bột) có thể ăn được; từng là đồ chơi truyền thống của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam, nhưng đang có nguy cơ bị thất truyền.
Việc gìn giữ và phát triển nghề nặn những con giống bột này đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là sự “lên ngôi” của đồ chơi công nghệ.
Từ nguyên liệu dân dã là bột gạo nếp, kết hợp các màu sắc lấy từ chính các sản vật của thiên nhiên: Màu đỏ của gấc, màu vàng của nghệ, màu xanh của lá cây, màu đen của nhọ nồi.. những tác phẩm rất đẹp mắt đã dần hình thành qua bàn tay nghệ nhân.
Nguồn gốc của tò he xuất phát từ huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Nguyên liệu xưa để làm là bằng bột gạo tẻ, về sau đã thay đổi sang gạo nếp, ưu điểm là không phải hấp, có thể mang đi các hội làng, làm trực tiếp theo đặt hàng theo yêu cầu.
Trong ký ức của nhiều người, những con tò he đầy màu sắc có lẽ là phần tuổi thơ đáng nhớ.
Các sản phảm tò he, có con chỉ được định giá 15.000 đồng....
Có sản phẩm 500.000 đồng, có bộ lên tới vài triệu đồng.
Theo nghệ nhân Đặng Văn Hậu, bộ tò he tạo hình chị Hằng, nghê, đầu lân... phục vụ cho Tết Trung thu năm nay được đặt hàng nhiều, không sản xuất kịp.
Phố cổ có nhiều người nặn tò he, nhưng để đạt đến độ tinh xảo và điêu luyện thì chỉ có tại gian hàng của nghệ nhân Đặng Văn Hậu.
Giữa những món đồ chơi Trung thu hiện đại, con giống bột mang vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần đặc sắc.
Nghệ nhân Đăng Văn Hậu chia sẻ: “Khi đưa con giống bột ra phố Hàng Mã, tôi bất ngờ khi sản phẩm được mọi người đón nhận nhiệt tình. Nhiều người lớn tuổi xúc động, du khách nước ngoài trầm trồ với hình ảnh con giống bột ngộ nghĩnh trên sạp hàng".
Ở mỗi phong cách, con giống bột có sự khác biệt về chất liệu, màu sắc và kiểu mẫu. Có những ngày, anh Hậu chỉ chuyên tâm nặn một nhân vật.
Sau nhiều năm nghiên cứu tìm cách nhằm làm tăng “tuổi thọ” của sản phẩm, những con tò he hiện đã được chống mốc và nếu bảo quản tốt, có thể trưng bày lên đến 2 năm.
Gần 20 năm gắn bó với nghề nặn tò he, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu đã có nhiều đóng góp quan trọng trong gìn giữ, giới thiệu, quảng bá và phát triển nghề truyền thống của quê hương.