Người Nga phẫn nộ vì bị yêu cầu không uống rượu trong 2 tháng sau khi tiêm vắc-xin COVID-19

Bảo Nam |

Các chuyên gia cho rằng khuyến cáo này hơi cực đoan và có thể ngăn cản người dân Nga tiêm vắc-xin COVID-19.

Rất nhiều người Nga đã phẫn nộ sau khi một quan chức y tế nước này cảnh báo rằng những người nhận vắc-xin COVID-19 nên kiêng uống rượu trong vài tuần trước và sau khi tiêm, theo báo cáo của Reuters.

Anna Popova, người đứng đầu cơ quan giám sát sức khỏe người tiêu dùng của Nga, đã phát biểu trên đài phát thanh quốc gia hôm thứ Ba (8/12) để nói với người dân rằng họ không nên uống rượu trong 2 tuần trước khi tiêm mũi vắc-xin Sputnik V đầu tiên. Bà còn nói thêm rằng những người nhận vắc-xin nên "giữ tỉnh táo" thêm 6 tuần sau đó để đảm bảo phản ứng miễn dịch đủ mạnh mẽ. Nên biết rằng có khoảng cách 21 ngày giữa hai lần tiêm vắc-xin Sputnik.

Bà Elena Kriven, một cư dân ở thành phố Moscow, nói với Reuters: "Tôi nghĩ rằng căng thẳng đối với cơ thể khi bỏ rượu, đặc biệt là trong dịp lễ hội, sẽ tồi tệ hơn so với (tác dụng phụ của vắc-xin) và những lợi ích được cho là của nó".

Tuy nhiên, cả các chuyên gia vắc-xin của Nga và Mỹ đều cho rằng lời khuyên của bà Popova là quá cực đoan. Alexander Gintsburg, một nhà phát triển vắc-xin của Nga, đã chia sẻ trên Twitter về vắc-xin Sputnik V rằng "một ly sâm panh sẽ không làm tổn thương bất kỳ ai."

Trong một tweet khác, Gintsburg đã khuyến cáo mọi người nên kiêng rượu 3 ngày trước và sau mỗi lần tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào, không chỉ Sputnik.

Người Nga phẫn nộ vì bị yêu cầu không uống rượu trong 2 tháng sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 - Ảnh 1.

Nhưng William Moss, CEO của Trung tâm Tiếp cận Vắc-xin Quốc tế tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho biết không có dữ liệu nào hỗ trợ cho những lời khuyên như trên.

"Không có bằng chứng nào cho thấy, nếu bạn uống một cốc bia hoặc một ly rượu vài ngày sau khi tiêm vắc-xin, điều đó sẽ ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch hoặc khả năng bảo vệ của cơ thể", Moss nói. "Khi quan điểm đó được phát biểu một cách cực đoan như vậy, tôi nghĩ nó thực sự gây tổn hại cho sức khỏe cộng đồng."

Tất nhiên, sử dụng quá nhiều rượu có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của con người. Theo CDC, sử dụng rượu mãn tính và quá mức - 8 ly trở lên mỗi tuần đối với phụ nữ và 15 ly trở lên đối với nam giới - có thể gây ra một số tác động có hại cho cơ thể, Moss nói.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống rượu ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột và có thể làm hỏng các tế bào miễn dịch nằm trong ruột, được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại vi rút và vi khuẩn. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng uống rượu say làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của một số tế bào bạch cầu trong những giờ sau khi say.

Việc có một hệ thống miễn dịch mạnh đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đại dịch, vì vậy, cắt giảm việc uống rượu có thể là một quyết định khôn ngoan. Nhưng theo Moss, không có quá nhiều các nghiên cứu đặc biệt xem xét sự tương tác giữa vắc-xin và rượu, bởi từ trước tới nay hầu hết các loại vắc-xin được sử dụng cho trẻ em.

Người Nga phẫn nộ vì bị yêu cầu không uống rượu trong 2 tháng sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 - Ảnh 2.

Nhiều người Nga cho rằng không uống rượu trong dịp lễ là điều tồi tệ hơn cả việc không tiêm vắc-xin.

Tuy nhiên, có một vấn đề khác ở đây là thế giới vẫn chưa được biết nhiều về hiệu quả của vắc-xin Nga. Quốc gia này đã phê duyệt vắc-xin Sputnik V để sử dụng công khai vào tháng 8, nhưng vẫn chưa công bố bất kỳ dữ liệu nào từ các thử nghiệm giai đoạn 3 để xác định hiệu quả của loại vắc-xin này.

Vắc-xin Sputnik V là vắc-xin sử dụng công nghệ vectơ adenovirus, mang một phần của coronavirus trên phiên bản không hoạt động của một loại vi-rút ít độc hại hơn. Các ứng cử viên vắc-xin của hãng dược AstraZeneca và Johnson & Johnson sử dụng một công nghệ tương tự.

Vào ngày 11/11 vừa qua - hai ngày sau khi Pfizer-BioNTech công bố kết quả đầy hứa hẹn về các thử nghiệm vắc-xin của họ - chính phủ Nga đã đưa ra thông cáo báo chí rằng Sputnik V đạt hiệu quả 92% sau liều thứ hai. Tuy nhiên, họ vẫn chưa công bố dữ liệu hoàn chỉnh, được đánh giá ngang hàng từ các thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, điều đã tạo ra một bầu "không khí bí mật" xung quanh loại vắc-xin này.

Tham khảo BI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại