Trong một quán bar ở vịnh Subic gần căn cứ hải quân cũ của Mỹ, Dynamite Dick - chủ quán, một cựu quân nhân Mỹ từng phục vụ ở Philippines, ngồi nói chuyện với các khách hàng cũng là người Mỹ.
Tivi mở cuộc tranh luận của Donald Trump, hình ảnh của tỉ phú New York được dán khắp xung quanh và trên cả ly tách nhưng cuộc nói chuyện giữa những người Mỹ lại bàn về quan hệ Mỹ và Philippines.
Họ nhắc đến Tổng thống Philippines, bàn về thái độ của ông này với Mỹ và cả chuyện ông ta đang ve vãn Trung Quốc. Họ tranh luận sôi nổi nhưng không phải chê trách mà bao trùm là không khí bồn chồn, lo lắng.
“Nỗi sợ hãi lớn nhất lúc này là một ngày nào đó khi ông ta (Tổng thống Duterte) thức dậy và nói 'Tất cả người Mỹ, ra khỏi thành phố ngay lập tức'”, Jack Walker, một cựu trung sĩ hải quân, nói với hãng tin Reuters. Jack đã sống ở Olongapo, thành phố gần căn cứ hải quân Subic được khoảng 5 năm.
Không chỉ các binh sĩ và cựu binh Mỹ, các cuộc đấu khẩu qua lại giữa ông Duterte và Washington còn khiến giới doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Philippines cảm thấy bồn chồn và bất ổn.
Ebb Hinchliffe, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ tại Philippines, thừa nhận mỗi lời nói cay đắng của ông Duterte đều khiến các doanh nghiệp Mỹ lo lắng về tương lai của họ tại đất nước này.
“Mỗi lần ông ấy mở miệng và nói điều gì đó tiêu cực về nước Mỹ, cá nhân tôi cảm thấy đau lắm…đứng trên góc độ kinh doanh, những lời nói đó cũng không giúp ích được gì cả”, Ebb giải bày.
Philippines đã từng là thuộc địa của Mỹ từ năm 1898 đến năm 1946. Quan hệ giữa hai nước đặc biệt gắn bó kể từ sau khi Washington công nhận nền độc lập của Manila, đặc biệt trong hợp tác quân sự. Mỹ đã từng có hai căn cứ không quân và hải quân thường trực ở Philippines trước năm 1991.
Tại Philippines, các khu vực có đông người Mỹ và những người có cảm tình với Mỹ tập trung gần các căn cứ quân sự cũ của Mỹ. Rolen Paulino, thị trưởng của thành phố Olongapo (220.000 dân) thừa nhận phần lớn người dân ở đây đều “thân Mỹ” nhưng đó không phải là vấn đề lớn.
Ông Paulino cho biết ông ủng hộ sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte.
“Nếu Tổng thống muốn mời cả Nga và Trung Quốc tới, tôi sẽ dạy người dân tiếng Nga và tiếng Trung Quốc, chúng tôi muốn thích nghi với điều đó”, Thị trưởng Olongapo nói với vẻ tự tin.
Một số người Mỹ sống lâu năm tại Philipines như cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ Edward Pooley thì tỏ ra lạc quan về quan hệ giữa Washington và Manila.
“Người Mỹ đã làm rất nhiều việc tốt ở đây. Chúng tôi cảm nhận được sự cảm kích rất nhiều”, ông Edward lạc quan nhưng nói thêm những lời nói của ông Duterte thật sự rất dễ khiến người ta “đau lòng”.