Người Mỹ phát điên vì tuyên bố "hàng triệu phiếu bầu bất hợp pháp", ai nhớ Trump còn vấn đề khác đáng sợ hơn?

Ngọc Anh |

Báo Mỹ bình luận "Hàng triệu cử tri đã đi bỏ phiếu bất hợp pháp" là phát ngôn "hớ hênh đáng kinh ngạc" của Trump. Nhưng có thể ông đã làm điều đó một cách có chủ ý.

Khi việc kiểm lại phiếu tại mốt số bang chiến trường đang và sẽ diễn ra, tổng thống đắc cử Donald Trump, một mặt chỉ trích việc kiểm phiếu lại là vô nghĩa và tốn thời gian và tiền bạc, nhưng mặt khác ông lại cho rằng "nếu không có hàng triệu cử tri đi bỏ phiếu bất hợp pháp thì tôi đã thắng cả phiếu phổ thông".

Hệ lụy khi tổng thống đắc cử nói mà thiếu căn cứ

Phát ngôn trên Twitter về việc "hàng triệu cử tri đi bỏ phiếu bất hợp pháp" của Trump đã mâu thuẫn với chính ông, vì nếu có cả triệu cử tri bỏ phiếu trái luật thật thì việc kiểm phiếu lại sẽ là đương nhiên cần thiết.

Hơn nữa, việc một tổng thống mới đắc cử phát ngôn thiếu căn cứ về sự kiện quan trọng của đất nước còn nguy hiểm ở chỗ: Ông đang tiếp tay để những thông tin thất thiệt về cuộc bầu cử lan truyền rộng rãi hơn.

Người Mỹ phát điên vì tuyên bố hàng triệu phiếu bầu bất hợp pháp, ai nhớ Trump còn vấn đề khác đáng sợ hơn? - Ảnh 1.

Trump được cho là đang lan truyền những thông tin thất thiệt về bầu cử Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Theo các nhà phân tích, học giả và giới báo chí nghiêm túc của Mỹ, việc Trump nói rằng "hàng triệu người đã đi bầu cử bất hợp pháp" (ý nói những người nhập cư chưa có quyền công dân đã đi bỏ phiếu cho bà Clinton), là hoàn toàn vô căn cứ.

Trên Huffington Post, Giáo sư sử học Timothy Naftali của Đại học New York đã mỉa mai "Trump là tổng thống đắc cử đầu tiên nghi ngờ sự hợp pháp của chính cuộc bầu cử mà mình đã chiến thắng".

 "Trump đã nói mà không có bằng chứng. Nhưng bỏ qua đánh giá những cáo buộc gian lận của Trump trên Twitter là đúng hay sai, thì điều đáng bàn là việc một tổng thống đã tin vào những điều như vậy", The New York Times bình luận.

Nhà sử học Julian Zelizer từ đại học Princeton nhận định với trang Politico: "Chẳng có bằng chứng nào. Phát ngôn này của Trump thực sự ‘đáng kinh ngạc’ và ‘rất có vấn đề’ nếu nó là sự thể hiện cách mà ông ấy sẽ hành động khi làm tổng thống thật sự."

Trên trang Quartz, tác giả Zachary M. Seward đã ví Donald Trump như là một "tổng biên tập của phong trào đưa tin bịa đặt".

Trong quá trình tranh cử, Trump cũng đã từng đưa ra những phát ngôn thiếu căn cứ, điển hình là cáo buộc người đàn ông lên "cướp sân khấu" tranh cử của Trump hồi tháng 3/2916 là "người của IS".

Sau đó, Trump đã biện hộ rằng ông "lấy những thông tin đó từ Internet".

Và lần này, thông tin "hàng triệu người đã bỏ phiếu trái phép" có thể cũng không phải là do Trump tự nghĩ ra.

"Hàng triệu lá phiếu bất hợp pháp" là thông tin từ đâu ra?

Vài ngay sau bầu cử, vào ngày 12/11, Gregg Phillips, tác giả của một ứng dụng thông báo gian lận bầu cử đã viết trên Twitter vỏn vẹn 2 câu): "Hoàn thành phân tích dữ liệu toàn bộ 180 triệu cử tri đăng ký bỏ phiếu. Những người chưa phải công dân Mỹ mà đã đi bầu là khoảng hơn 3 triệu".

Người Mỹ phát điên vì tuyên bố hàng triệu phiếu bầu bất hợp pháp, ai nhớ Trump còn vấn đề khác đáng sợ hơn? - Ảnh 2.

Thông tin không có căn cứ về 3 triệu cử tri đi bầu trái phép trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. (Ảnh: Twitter)

Dù không có bằng chứng nào được đưa ra, nhưng Tweet này của Phillips đã được trang tin mang nặng "thuyết âm mưu" và thường đưa "tin vịt" là Infowars dẫn lại. Bài báo đó của Infowars được chia sẻ 50.000 lần trên Facebook.

Tin tức này có vẻ cũng đã "đến tai" Trump khi chính ông sau đó cũng đã viết trên Twitter về việc nếu trừ đi số phiếu trái phép thì ông cũng thắng cả về phiếu phổ thông.

Trump phát ngôn sốc để tung hỏa mù?

Bầu cử Mỹ 2016 đã trở thành một mảnh đất màu mỡ giúp những thông tin bịa đặt, không chính xác sinh sôi, nở rộ.

Trong quá trình tranh cử, thường thấy nhất là những tin tức thất thiệt nhắm vào nhóm độc giả là những người ủng hộ ông Trump - những người rất hào hứng chia sẻ thông tin "vùi dập" bà Clinton trên mạng xã hội.

Một vụ việc điển hình là thông tin "Nhân viên FBI điều tra vụ email của bà Clinton bị ám sát" trên một trang web có địa chỉ Denverguardian.com.

Trang web đó có vẻ giống một trang tin địa phương, thậm chí có cả mục thời tiết, nhưng nội dung cả trang chỉ có đúng một câu chuyện bịa đặt này.

Mẩu tin thất thiệt trên đã được chia sẻ gần 1 triệu lần trên mạng xã hội.

Theo tìm hiểu của Washington Post, NPR,… tác giả của thông tin thất thiệt trên đã kiếm được  từ 10.000 USD đến 30.000 USD cho một bài viết bịa đặt như thế chỉ nhờ quảng cáo.

Về phần Trump, lợi ích của ông hẳn không phải là khoản tiền quảng cáo. Vậy Tổng thống đắc cử Mỹ có lợi gì khi đăng tải những phát ngôn đầy tranh cãi trên Twitter như thế? Theo cây bút bình luận Jack Shafer của trang Politico: "Truyền thông sẽ chạy theo những phát ngôn "cố ý" gây tranh cãi đó mà quên đi những thông tin quan trọng hơn".

Shafer điểm lại, tại thời điểm Trump đồng ý chi 25 triệu USD để dàn xếp vụ kiện (chưa từng có tiền lệ đối với một tổng thống đắc cử) ở Đại học Trump, ông đã thu hút dư luận vào tweet bắt đoàn kịch Hamilton xin lỗi phó tổng thống đắc cử Mike Pence.

Còn hiện nay, phát ngôn "hàng triệu cử tri gian lận" có vẻ đang làm chìm đi chủ đề "xung đột lợi ích khi doanh nhân Trump làm tổng thống" mà báo chí Mỹ đang đào sâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại