Trong suy nghĩ của người Mỹ, bầu cử là khoảnh khắc của lòng yêu nước, là thời điểm để công dân giải quyết những bất đồng của họ tại hòm phiếu, bất kể những bất đồng đó dữ dội đến mức nào.
Trên thực tế, cuộc bầu cử năm 2024, các hòm phiếu ở một số nơi đang bốc cháy, theo nghĩa đen. Cả nước Mỹ bước vào Ngày bầu cử trong sự lo lắng về những khả năng xảy ra bạo lực chưa từng có - tờ New York Times mô tả trong bài đăng ngày 4/11, một ngày trước cuộc bầu cử chính thức.
Đối với nhiều cử tri, nỗi lo lắng bao trùm cuộc bầu cử 4 năm trước, diễn ra giữa bối cảnh giãn cách xã hội khi dịch Covid-19 bùng phát, đã biến thành cảm giác lo lắng và u ám hơn trong năm nay.
NYT mô tả, những lo lắng đó phản ánh nỗi sợ hãi của nước Mỹ sau 4 năm đầy biến động, khi đại dịch Covid-19 làm chết hơn một triệu người Mỹ, cuộc bạo loạn gây sốc tại Điện Capitol ngày 6/1/2021 làm đảo lộn nền tảng truyền thống về một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình, những tranh cãi xung quanh quyền phá thai và tình trạng giá cả tăng cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Trên khắp đất nước, một số thành phố đã cảm thấy căng thẳng về cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới phía nam.
Nhiều cử tri bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực sau bầu cử.
"Tôi lo lắng về bạo lực", Bill Knapp, 70 tuổi, một người đã nghỉ hưu đến từ Grand Rapids, bang chiến trường Michigan, cho biết. "Tôi đang chuẩn bị tinh thần cho điều đó bất kể kết quả ra sao".
Tại một địa điểm bỏ phiếu sớm ở Madison thuộc bang Wisconsin, Chris Glad, 62 tuổi, cho biết bà mệt mỏi vì cuộc bầu cử. "Tôi sẽ rất vui khi mọi chuyện kết thúc", bà nói khi giúp mẹ mình lên xe.
Những tuần cuối cùng của cuộc bầu cử năm nay đã ghi nhận các diễn biến về bạo lực.
Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang điều tra các vụ tấn công đốt phá hai thùng phiếu vào tuần trước, bên cạnh có một số thiết bị gây cháy có dòng chữ "Giải phóng Gaza". Các trường học ở Allentown, bang Pennsylvania đã đóng cửa khi ông Donald Trump tổ chức một cuộc mít tinh ở đó.
Tại San Marcos, bang Texas, cảnh sát đã điều tra các báo cáo về những tờ rơi đe dọa được dán trên các biển hiệu vận động tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris.
Tại Washington, một số nhà hàng gần Nhà Trắng đã che chắn cửa sổ mặt tiền bằng ván ép dày.
Và tại Rocky Mount, bang Bắc Carolina, Vernon Battle, 67 tuổi, đã bỏ phiếu cho bà Harris và cho biết gần đây có người gợi ý ông nên mua một khẩu súng để chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra.
Nhân viên trạm xăng cho biết cuộc bạo loạn tại Điện Capitol năm 2021 "thực sự đã thay đổi mọi thứ". Vợ ông, Carolyn, nói thêm: "Mọi người không còn như trước nữa".
Một số người hiện rất sợ xung đột với hàng xóm đến mức họ chỉ bàn tán về cuộc bầu cử trong thầm lặng.
Tại một địa điểm bỏ phiếu sớm ở thành phố Wyoming, bang Michigan, một người đàn ông 69 tuổi (chỉ công khai tự nhận mình là Gary D.) thì thầm khi thảo luận về sự lựa chọn của mình trong cuộc bầu cử.
"Một số câu hỏi không an toàn để trả lời", ông nói, đảo mắt nhìn xung quanh trước khi lặng lẽ xác nhận với phóng viên NYT rằng ông là người ủng hộ bà Harris. "Mười năm trước, tôi sẽ nói 'Ừ, không vấn đề gì'. Bây giờ, mọi thứ đã khác. Tôi cảm thấy có nhiều sự đe dọa hơn trước đây".
Khi được hỏi ông sẽ dùng từ nào để mô tả cảm xúc của mình về cuộc bầu cử, ông trả lời: "Sợ hãi".
Để mô tả về thời điểm này trong đời sống chính trị Mỹ, các nhà sử học thường so sánh với cuộc Nội chiến và sự biến động của những năm 1960.
Nhưng ngay cả những thời điểm đó cũng không hoàn toàn có sự ngờ vực sâu sắc trong các cuộc bầu cử, tư duy âm mưu và ngôn ngữ khắc nghiệt của chiến dịch này - Douglas Brinkley, nhà sử học về tổng thống tại Đại học Rice, bang Texas, cho biết.