LTS: Archimedes L.A. Patti (1914-1998) là người đứng đầu phái bộ tiền trạm OSS của Mỹ. Tháng 8 năm 1945, ông tới Hà Nội để thực thi nhiệm vụ giải cứu tù binh, chuẩn bị cho quá trình giải giới quân Nhật và trở thành một trong số những người nước ngoài chứng kiến ngày lễ Độc lập của Việt Nam. Ký ức của Archimedes Patti về giai đoạn lịch sử này đã được ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn năm 1981 cho loạt phim tài liệu của nhà sản xuất Richard Ellison. Dưới đây là phần lược trích dịch cuộc phỏng vấn về ngày 2/9/1945 lịch sử.
Người phỏng vấn:
Hãy kể cho tôi cuộc gặp của ông với ông Hồ (Chủ tịch Hồ Chí Minh - ND) ở Hà Nội.
Archimedes Patti:
Lần đầu tiên tôi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội là ngày 26/8/1945 và đây cũng là lúc Hồ Chủ tịch mới về Hà Nội. Sau buổi lễ với ông Giáp cùng đoàn đại biểu, chúng tôi được mời ăn cơm với ông Hồ. Sau bữa trưa, chúng tôi dành hàng giờ để trao đổi về nhiều vấn đề, thảo luận đi, thảo luận lại.
Cứ thế tiếp diễn vài ngày cho tới hôm Tuyên ngôn Độc lập. Trong lúc đó, tất nhiên tôi đã đi quanh thành phố, cố tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra với người Pháp, người Trung Quốc và cả người Nhật. Thế rồi, chúng tôi còn có việc chăm sóc tù binh chiến tranh - lúc đó đang ở 2 khu. Một ở Hoàng Thành, một ở Bạch Mai.
Cựu sĩ quan tình báo Mỹ Archimedes L.A. Patti. Ảnh: Richard Ellison
Lúc ấy tuyên truyền chống Mỹ diễn ra cực mạnh. Người Pháp thực sự đang tìm cách phá hoại ý định và mục đích của người Mỹ ở đó. Việc của tôi lúc này, theo như Chương trình Chiến tranh Chính trị, là cố gắng ngăn chặn hoạt động ấy.
Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bằng viện dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Cuối cùng, vào ngày đầu, à… có lẽ là khoảng ngày 28, 29, hai ngày sau khi tôi gặp Hồ Chủ tịch, hai hoặc ba ngày, ông bảo tôi tới vì có thứ muốn tôi xem, và đó là bản thảo Tuyên ngôn Độc lập mà ông sẽ công bố vài ngày sau đó. Tất nhiên, bản thảo bằng tiếng Việt và tôi không đọc được. Khi nghe dịch lại, tôi khá bất ngờ khi thấy những câu viện dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ.
Những câu từ nhắc tới tự do, sự sống và mưu cầu hạnh phúc… Tôi không tin nổi vào tai mình.
Cũng trong ngày hôm đó, Hồ Chí Minh mời tôi tới dự buổi lễ vào ngày 2/9 ở Place Ponier (Quảng trường Pugininer, nay là Quảng trường Ba Đình - ND), ngay gần phủ toàn quyền.
Tại đó ông đã lần đầu tiên tuyên bố nền độc lập của Việt Nam cho cả thế giới. Thoạt đầu, tôi nói với Chủ tịch là tôi không biết liệu mình có tới dự được không. Tất nhiên tôi không thể tham gia ở vị trí chính thức nhưng tôi rất mong được tới trong vai trò quan sát. Ông mời tôi đứng ở lễ đài (dành cho quan khách - ND) mà họ sẽ dựng và tôi xin bảo lưu lời mời để xem có nhận được không.
Trước ngày đó, hôm 1/9, người người tấp nập đi đến. Quần chúng đổ về từ khắp nơi, cả các vùng ngoại ô, trong trang phục đẹp đẽ, và tôi thấy khá là màu sắc. Và họ đại diện cho nhiều dân tộc. Tất thảy đều vui mừng và rạng rỡ, không khí cứ như lễ hội. Rất dễ chịu.
Đường phố được trang hoàng bằng cờ đỏ và cả những khẩu hiệu bằng tiếng Việt, rồi thì chào mừng quân Đồng minh, khẩu hiệu về sự tự do và chống thực dân.
Tối hôm đó tôi có dịp dùng bữa với Hồ Chí Minh và các bộ trưởng. Có thể nói đó là thời điểm cuối cùng trước "ngày đầu tiên". Đó là ngày cuối cùng của cái mà họ gọi là sự thống khổ và cũng là khởi đầu cho thắng lợi, quá trình tiếp quản chính quyền và nền độc lập mà họ cuối cùng đã đạt được.
Cuối ngày hôm đó, tôi đã có cuộc trao đổi khá lâu với một vài người Trung Quốc vừa mới tới. Những người này đang cực kỳ lo lăng vì những điều mà họ sợ sẽ xảy đến với mình, với cộng đồng người Hoa. Tôi bảo họ đừng có sợ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đảm bảo với tôi rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra dù là với người Pháp, người Trung Quốc hay người Nhật Bản. Lúc đầu họ không tin tôi, nhưng đó chính xác là sự thật. Chẳng có gì xảy ra với họ cả bởi vào thời điểm đó, Hồ Chủ tịch thấy hòa bình đã được duy trì, an ninh đối với một vài nhóm đã được bảo toàn và đó là cách mọi chuyện diễn ra.
Tất nhiên, ngày hôm sau, từ sáng sớm đám đông người dân đã bắt đầu vào trong thành phố. Họ đổ về từ mọi hướng và đi thành từng nhóm. Quân đội đã được thành lập và có mặt quanh quảng trường. Đám đông…
Người phỏng vấn: Ngày 2 tháng 9 năm 1945 rất đông phải không?
Archimedes Patti:
Tất cả mọi người đều tụ về quảng trường. Đó là ngày 2/9/1945, ngày đầu tiên của chính quyền mới. Dân tộc mới. Một quốc gia mới ra đời, Việt Nam. Họ đã dựng một lễ đài cao khoảng 6m, từ chỗ tôi ngước lên thì nom khá vuông vắn, lễ đài phủ vải đỏ và trắng.
Có một chiếc micro, hoặc có lẽ là hai. Tôi không thể nhớ chính xác bao nhiêu nhưng có một chiếc micro nổi bật dựng thẳng ngay trước khán đài và rồi tiếng huýt sáo vang lên từ khắp quảng trường, tôi còn nghe thấy cả hiệu lệnh. Một điều gì đó kiểu như: "Chú ý!" Tôi nghĩ thế, tôi vốn không hiểu mà. Đó là tiếng Việt. Và rồi, anh nghe thấy tiếng giậm gót giày và anh hiểu là ai cũng đang chú ý. Có chuyện gì đó sắp diễn ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Hà Nội ngày 2/9/1945. Ảnh: Keystone-France/Gamma-Keystone via Getty Images
Lúc đó là độ hơn 1 giờ chiều, tôi đoán vậy. Hôm ấy trời khá nóng. Mặt trời chói chang. Gió thổi nhè nhẹ bởi cao cao phía trên lễ đài, anh có thể thấy lá cờ bay phấp phới. Chỉ trong giây lát, hiệu lệnh được đưa ra khắp nơi và tiếng kèn vang lên, một vài hồi trống, rồi ai đó cất giọng từ trên khán đài kêu gọi mọi người chú ý hoặc giới thiệu sự xuất hiện của Chủ tịch lâm thời.
Tôi chẳng hiểu câu tiếng Việt nào và phải nghe thuật lại từ một trong số các phiên dịch viên của chúng tôi đứng gần đó. Từ chỗ mình, tôi gần như không thấy được gì. Chỗ đó cách lễ đài phải 15-20m. Tôi chỉ có thể nhìn thấy sơ sơ một người tiến về phía micro.
Và một lúc sau tôi nhận ra đó là Hồ Chí Minh. Ông bắt đầu cất lời và không khí im lặng bao trùm khắp nơi. Một rừng người như vậy đứng xung quanh, nhưng lúc đó nếu một chiếc kim rơi xuống có lẽ anh cũng nghe thấy. Chủ tịch bắt đầu nói và tôi đoán là ông chào hỏi mọi người. Thế rồi đột nhiên tôi thấy ông nói lớn hơn bằng tiếng Việt và tôi huých người phiên dịch đứng kế bên, ông ấy nói gì đấy. Ông ấy nói, "Đồng bào nghe rõ không?" Bởi ngay lập tức, quần chúng xung quanh hô vang đáp lại: Rõ! Khoảnh khắc ấy, có thể nói Hồ Chủ tịch đã thu hút sự chú ý của cả dân tộc.
Tất thảy đều dõi theo ông và họ lắng nghe, trong khi ông Hồ, không chỉ bắt đầu với bản Tuyên ngôn Độc lập mà còn tiếp tục gợi nhớ về cả chiều dài lịch sử, phần lớn là lịch sử Việt Nam và lịch sử giai đoạn Thực dân Pháp đô hộ. Cứ như vậy trong suốt hơn 40 phút đồng hồ. Sau đó là các thành viên khác trong chính phủ. Ông Giáp là người tiếp theo phát biểu.
Ký ức của Archimedes Patti về ngày 2/9 cũng được ghi chép lại trong cuốn sách "Why Vietnam?" xuất bản năm 1980 của ông với nội dung tương đồng.
Còn trong cuộc phỏng vấn này, ông Patti đã tiết lộ bối cảnh ở Hà Nội lúc bấy giờ cùng nỗ lực sau cuối để níu giữ thuộc địa của người Pháp theo quan sát của riêng ông. Ngoài ra, vị cựu sĩ quan tình báo Mỹ còn chia sẻ chi tiết các cuộc trao đổi của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh và khái quát quan điểm của bản thân về Chiến tranh Việt Nam từ góc độ của một người hiểu rõ ngọn nguồn cuộc chiến.
Archimedes Patti khẳng định: "Chiến tranh Việt Nam cực kỳ vô giá trị. Ngay từ đầu đã chẳng cần phải diễn ra. Hoàn toàn không. Dù cho thế nào đi nữa".