Hãng tin AFP ngày 12-8 cho biết cuộc khủng hoảng nợ tín dụng hiện nay của các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản ở Trung Quốc xuất phát từ sự siết chặt trong chính sách vay nợ của Chính phủ Trung Quốc từ năm 2020.
Theo báo Wall Street Journal, hơn 30 nhà phát triển nhà ở, trong đó có tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande Group, vỡ nợ quốc tế do các ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã từ chối các khoản vay nhằm phát triển các dự án nhà ở cho người dân.
Điều này gây ra cuộc "khủng hoảng niềm tin" nghiêm trọng đối với các nhà đầu tư đã đặt trước tiền để mua nhà.
Thường người mua sẽ đặt cọc trước khoảng 70% giá trị của bất động sản để các tập đoàn dùng tiền đẩy nhanh việc xây dựng và bàn giao sớm. Tuy nhiên, việc các chủ đầu tư là tập đoàn bất động sản ngập trong nợ nần đã khiến việc hoàn thành trễ hơn dự kiến, thậm chí không thể bàn giao.
Vừa mới kết hôn và dự định sinh con đầu lòng, anh Wang mong muốn chuyển đến căn hộ anh đã đặt cọc từ 3 năm trước ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc). Tuy nhiên giờ đây những hy vọng đó tan theo mây khói do cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc.
Với khoản nợ 300.000 USD đang gánh trên vai và căn nhà mơ ước chưa hoàn thành, người đàn ông 34 tuổi này quyết định ngừng thanh toán thế chấp.
"Chúng tôi không dễ dàng mua được căn nhà này. Tất cả đều là tiền tiết kiệm của tôi. Họ nói rằng việc xây dựng sẽ sớm được tiếp tục. Nhưng không có công nhân nào ở đây cả. Bây giờ không có nhà và chúng tôi vẫn còn nợ 2 triệu nhân dân tệ (300.000 USD) tiền thế chấp", anh Wang nói đầy bức xúc.
Theo AFP, anh Wang là một ví dụ điển hình trong số rất nhiều người mua nhà ở hàng chục thành phố của Trung Quốc nhưng gặp phải các rắc rối liên quan đến dự án.
Họ đã quyết định ngừng thực hiện các khoản thanh toán vì lo ngại căn nhà không được hoàn thành và bàn giao trong lúc các nhà phát triển thiếu tiền mặt.