Trao đổi với chúng tôi về phương án di dời chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) như yêu cầu mới đây của UBND TP, ông Phan Hoàn Kiếm - phó giám đốc Sở Công thương, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM - cho biết các cơ quan liên quan đã chọn được địa điểm mới, dự kiến tại Bình Chánh (TP.HCM), hiện đã được chuyển cho Sở Quy hoạch - kiến trúc xem xét, tư vấn.
Các biện pháp quản lý chợ hóa chất cũng được Sở Công thương dự thảo đề xuất. Trong đó, ngoài việc quản lý chặt người kinh doanh, người mua hàng cũng được giám sát.
Chẳng hạn nếu mua sỉ cho tổ chức phải có giấy giới thiệu của tổ chức kèm theo thông tin số lượng cần mua.
Với cá nhân, người mua phải xuất trình CMND, người bán ghi nhận lại để báo cáo khi cần... Việc đóng gói bao bì cũng được quy định rõ hơn về số lượng nhằm hạn chế việc mua bán lẻ, phục vụ những mục đích không chính đáng.
Thống kê mới đây của QLTT TP.HCM cho thấy tỉ lệ các vụ vi phạm liên quan đến hóa chất, phụ gia thực phẩm vẫn rất cao.
Trong sáu tháng đầu năm, đội QLTT 1A (đội chuyên ngành hóa chất) thực hiện kiểm tra 76 đơn vị sản xuất kinh doanh lĩnh vực này, phát hiện đến 71 đơn vị vi phạm, trong đó có 36 tổ chức và cá nhân kinh doanh tại khu vực chợ Kim Biên.
Các vi phạm phổ biến là kinh doanh hóa chất nhập lậu, quá hạn sử dụng.
Việc kiểm soát về đối tượng mua bán, mục đích sử dụng chưa được chặt chẽ, đặc biệt là hóa chất nguy hiểm, độc hại và phụ gia thực phẩm.
Tình trạng bán lẻ hàng hóa nhưng không lập hóa đơn bán hàng giao cho người mua còn phổ biến, nhất là đối với các hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm.
Tình trạng sang chiết hóa chất, phụ gia thực phẩm trái phép để bán lẻ vẫn còn.
Cơ quan này cũng đã chuyển cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ Bộ Công an điều tra xử lý vụ Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Thư Trần Hớn có các hành vi vi phạm nghiêm trọng như buôn bán hóa chất giả (khoảng 3,2 tấn), kinh doanh hàng hóa nhập lậu và gần 3 tấn hóa chất
quá hạn sử dụng...