Người khiếm thị ngủ mơ thấy gì, có mơ thấy hình ảnh không?

Minh Hoa |

Đối với những người bị mù, khi thị giác không còn nữa thì họ sẽ mơ thấy gì là điều khiến nhiều người tò mò.

Con người dành một phần ba cuộc đời để ngủ và trong giấc ngủ việc nằm mơ là điều rất bình thường, phổ biến.

Khi ngủ sâu, bộ não vẫn tiếp tục làm việc, phân phối những khoảnh khắc vào trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Nó so sánh các sự kiện đã xảy ra gần đây với những sự kiện đã xảy ra từ lâu. Đó là lý do tại sao bạn có thể nhìn thấy những thứ từ thời thơ ấu của mình, ví dụ như gặp lại người thân đã khuất ở một nơi mới như nơi bạn đang sống.

Trong khi hầu hết mọi người đều khẳng định hình ảnh trong mơ luôn tràn ngập màu sắc thì số khác lại tiết lộ giấc mơ của họ chẳng khác gì một bộ phim trắng đen. Trong các cuộc nghiên cứu diễn ra từ năm 1915 đến 1950, phần lớn mọi giấc mơ đều chỉ có hai màu đen trắng. Nhưng kết quả đã dần thay đổi, ngày nay, chỉ còn khoảng 12% số người mơ thấy hai màu đen và trắng. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này được giải thích là do sự biến đổi của công nghệ, truyền thông và ti vi trắng đen được thay thế bằng màn hình ngày càng “sống động như thật”.

Đó là ở những người bình thường, còn đối với người khiếm thị, giấc mơ của họ như thế nào? Họ có thấy được các hình ảnh khi ngủ mơ hay chỉ toàn một màu đen là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Người khiếm thị ngủ mơ thấy gì, có mơ thấy hình ảnh không?  - Ảnh 1.

Người mù bẩm sinh không thể nhìn thấy màu sắc, hình ảnh trong giấc mơ. (Ảnh minh họa)


Trước tiên, chúng ta xét đến những trường hợp người mù không phải bẩm sinh. Nghĩa là họ từng có một đôi mắt bình thường nhưng vì yếu tố bên ngoài tác động ví dụ như tai nạn hay bệnh tật mà bị mất đi khả năng nhìn. Ở nhóm người này, họ đã từng thấy màu sắc và hình dạng nhiều sự vật, con người nên ban đầu giấc mơ của họ khá giống người bình thường.

Một nghiên cứu được công bố hồi năm 2014 trên tạp chí Sleep Medicine cho thấy những người từng sở hữu đôi mắt bình thường nhưng sau đó bị mù vẫn có thể xây dựng nên giấc mơ của họ, lấp vào các khoảng trống hình ảnh bằng trí tưởng tượng của bản thân. Một người từng sáng mắt nhưng sau đó bị mù cho biết: "Đối với những người mà tôi từng được tiếp xúc sau khi mù, gương mặt của họ mờ đi hoặc sẽ hiện ra hình ảnh mà tôi tưởng tượng ra. Tuy nhiên, những người thí dụ như mẹ tôi thì sẽ mãi mãi có gương mặt ở tuổi 30".

Thế nhưng, ký ức thị giác sẽ trở nên phai nhạt theo thời gian, những hình ảnh sẽ ngày càng trở nên mờ hơn và ít xuất hiện hơn. Ngay cả những người thân bên cạnh, họ cũng có thể không còn nhớ được gương mặt qua nhiều năm. Cuối cùng đến một lúc nào đó những người này sẽ tiến tới có những giấc mơ giống như người mù bẩm sinh.

Trường hợp thứ hai là những người bị khiếm thị bẩm sinh. Vì không hề có bất cứ hình ảnh nào để dựng lên, não của họ buộc phải sử dụng những “vật liệu” khác để xây dựng thế giới trong mơ mà cụ thể là sự cảm nhận từ những giác quan khác.

Chúng có thể là âm thanh, nhiệt độ, mùi hương, cảm giác... và nhận thức tổng quát về việc cơ thể cảm thấy như thế nào. Các tác nhân kích thích không hình ảnh này thường đóng vai trò tượng trưng, cũng giống như các tác nhân hình ảnh trong giấc mơ của người sáng mắt. Nói một cách dễ hiểu, thay vì thấy một chiếc xe lửa rõ ràng trong mơ, người mù có thể cảm thấy các mùi, âm thanh và cảm giác chuyển động liên quan đến chiếc xe lửa.

Một thông tin thú vị nữa là những người mù bẩm sinh trong nghiên cứu năm 2014 cũng có xu hướng gặp nhiều ác mộng hơn. Phát hiện này góp phần củng cố thêm lập luận rằng những cơn ác mộng là một dạng diễn tập cho những mối đe dọa trong cuộc sống thực. Theo đó những đứa trẻ vốn dễ bị tổn thương hơn so với người lớn nên thường có những giấc mơ đáng sợ hơn. Tương tự, có thể những người khuyết tật, mất đi thị giác nên não có xu hướng tạo nên các cuộc diễn tập nhằm giúp họ sẵn sàng hơn cho các tình huống nguy hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại