Người kế nhiệm ông Obama sẽ phải làm gì ở Afghanistan?

Tuệ Minh |

Việc Tổng thống Obama phê chuẩn cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hôm 21/5 nhằm tiêu diệt thủ lĩnh Taliban Mullah Akhtar Mohammad Mansour cho thấy một loạt vấn đề quan trọng tại Afghanistan mà người kế nhiệm ông Obama sẽ phải đương đầu.

Đầu tiên, các cuộc thảo luận hòa bình ngắt quãng mà chính phủ Afghanistan tiến hành với tổ chức Taliban trong nhiều năm qua do Mỹ hỗ trợ, vẫn chưa đem lại kết quả gì và dường như không thể đạt được thành quả “một sớm một chiều”.

Thứ hai, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ có thể nói là bằng chứng cho thấy Taliban đang quay trở lại Afghanistan. 

Nhóm khủng bố này kiểm soát hoặc có sự hiện diện đáng kể tại 1/3 lãnh thổ trên khắp đất nước, nắm trong tay nhiều vùng đất hơn bất kỳ lúc nào kể từ khi lực lượng Mỹ đánh bật chính quyền Taliban khỏi Afganistan vài tháng sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.

Thứ ba, một trong những quyết định an ninh quốc gia quan trọng đầu tiên mà Tổng thống mới của nước Mỹ cần đưa ra sẽ là phải làm gì với các lực lượng Mỹ ở Afghanistan. 

Chính quyền ông Obama đã rút dần binh lính Mỹ khỏi đây trong nhiều năm và dự định hoàn thành việc rút quân trước khi ông rời Nhà Trắng, tuy nhiên kế hoạch này tạm thời đã bị hoãn lại bởi các phiến quân Taliban đang trỗi dậy. Hiện, Washington  vẫn còn 9.800 binh lính tại Afganistan.

Thêm vào đó, cả IS và Al Qaeda đã thiết lập sự hiện diện chủ chốt ở Afghnistan từ một vài năm trở lại đây. Các quan chức Mỹ ước tính có khoảng 300 chiến binh Al Qaeda và từ 1.000 đến 3.000 phiến quân IS đang có mặt ở Afghanistan.

Người chủ tiếp theo của Nhà Trắng sẽ phải quyết định xem có tiếp tục kế hoạch của ông Obama là hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan hay không, hay sẽ áp dụng một chiến lược hoàn toàn mới. 

Quyết định này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình ở Iraq sau khi Mỹ rút các lực lượng khỏi nước này cuối năm 2011 và những chiến thắng mà IS đạt được tại Iraq vào năm 2014.

Vụ tấn công nhằm vào Mullah Mansour diễn ra ở một khu vực xa xôi phía Tây Nam Pakistan, địa điểm này là một dấu hiệu cho thấy lực lượng Taliban ở Afghanistan không đặt trụ sở tại nước này, mà tại nước láng giềng Pakistan.

Cho đến năm ngoái, mạng lưới Haqqani vẫn là một phần tách biệt khỏi Taliban. Năm 2015, Siraj Haqqani đã được bổ nhiệm làm phó thủ lĩnh của Taliban. 

Mạng lưới Haqqani đóng một vai trò quan trọng trong hàng loạt vụ tấn công tự sát xảy ra ở Kabul trong những năm gần đây. Cái chết của Mullah Mansour chắc chắn sẽ tăng cường vai trò của Siraj Haqqani trong Taliban và khiến tổ chức này thêm phần cực đoan.

Trước kết quả của tình hình nói trên, Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ cần phải tuyên bố một chính sách mới để duy trì lực lượng quân sự không tham gia chiến đấu của Mỹ tại Afghanistan trong nhiều năm nữa. Lực lượng này sẽ hỗ trợ quân đội Afghanistan thu thập tin tức tình báo, huấn luyện và công tác hậu cần.

Một dấu ấn quan trọng trong chính sách Afghanistan của chính quyền Obama là việc tuyên bố cam kết rút các lực lượng Mỹ khỏi nước này, khiến Taliban cho rằng tổ chức này có thể chỉ đơn giản là chờ đợi thời gian. 

Ngoài ra, 8/10 người dân Afghanistan khi được hỏi đều cho rằng họ cảm thấy không tự tin và quân đội, cảnh sát nước này vẫn cần sự trợ giúp từ các quốc gia khác như Mỹ để làm công việc một cách hiệu quả.

Sau cùng, vụ tấn công khủng bố 11/9 vẫn là do Osama bin Laden từ Afghanistan tổ chức và điều hành. Vì vậy, lợi ích an ninh quốc gia Mỹ vẫn là đảm bảo Taliban không thể thống trị được Afghanistan cũng như ngăn chặn IS hay Al Qaeda tiếp tục phát triển ở đất nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại