Hôm nay, Bôm đi nhận học bổng!
Sáng nay, Bôm dậy rất sớm và cảm thấy vô cùng háo hức bởi đây là một ngày đặc biệt. Bôm đến ngôi trường vừa thi đỗ để nhận học bổng do chính tay thầy Lê Anh Tuấn (Giám đốc Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trao tặng).
Học bổng này ghi nhận phấn đấu của Bôm trên con đường đam mê và chinh phục âm nhạc. Cũng là sự động viên của Nhạc viện gửi đến Bôm và bố với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn trên con đường nhiều gian nan sắp tới.
Những thành quả ban đầu tuy nhỏ nhưng nó được làm nên từ những nỗ lực của chính Bôm - một cậu bé trải qua hơn 10 cuộc đại phẫu thuật nặng nề chiến đấu với căn bệnh hiếm gặp.
Bôm của ngày hôm nay, là một người hoàn toàn khỏe mạnh. Bôm mặc một chiếc áo sơ phông màu tím than với những đường kẻ sọc khỏe khoắn ở cổ áo.
Bôm bảo, sáng nay trước khi đến trường vẫn dành 30 phút để ngồi tập đàn. Cuộc sống của Bôm bây giờ, âm nhạc lúc nào cũng tuôn chảy ở đầu những ngón tay. Bất kể khi nào rảnh rỗi, Bôm đều muốn chạm vào cây đàn, phiêu theo những bản nhạc.
Bôm chia sẻ, sau khi xem chương trình "Điều ước thứ 7", cậu vô cùng xúc động. Đến nỗi 2 đêm liền không ngủ được. Bố và Bôm cũng không nói gì với nhau, mà chỉ cùng xem và mỗi người tự cảm nhận những hân hoan từ sâu trong tim.
"Xem xong chương trình Bôm thấy bố Tuấn khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt của niềm vui, khi thấy con có năng khiếu về âm nhạc", Bôm nói.
Bôm chỉ biết đánh đàn mỗi khi bố Tuấn khóc
Trước kia, bố cũng chưa bao giờ kể cho Bôm nghe về những vất vả khó nhọc mà bố đã trải qua, vì bố luôn muốn Bôm lạc quan, không muốn Bôm suy nghĩ. Đến khi xem chương trình, lắng nghe những tâm sự của bố, Bôm vô cùng xúc động.
Cũng từ khi chương trình phát sóng, mỗi khi Bôm đến trường, có nhiều em lớp dưới chạy tới: "Chào anh Bôm!" với nụ cười rạng rỡ và cảm phục. Điều đó làm Bôm thấy rộn ràng và hãnh diện.
Tuy nhiên, cuộc sống của Bôm vẫn vậy, chẳng xáo trộn gì. Chỉ có một thay đổi duy nhất là Bôm cảm thấy say mê cây đàn hơn bao giờ hết. Trước kia Bôm chỉ dành vài tiếng để tập mỗi ngày thì bây giờ có ngày Bôm tập đàn đến mười mấy tiếng.
"Bây giờ Bôm muốn ở một mình nhiều hơn. Khi ở một mình có nhiều thời gian tập đàn để thực hiện ước mơ của mình".
Bôm bảo ngoài chơi đàn không có bất cứ sở thích nào nữa, tất cả tình yêu của là dành cho âm nhạc.
Từ 1-2 tuổi, Bôm đã phá nát không biết bao nhiêu chiếc đàn organ đồ chơi, tự mày mò đánh theo những giai điệu mà mình nghe được. Bôm biết đánh đàn trước khi biết nốt nhạc.
Đến khi thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với một số điểm rất cao, Bôm thấy giấc mơ đang rộng mở trước mắt. Bôm cảm nhận rất rõ điều đó.
Vì thế Bôm muốn cố hết sức để không phụ lòng trông mong của bố, công sức bảo ban của thầy Nguyễn Tiến Mạnh.
Bôm thủ thỉ "với Bôm, piano giống như một người em gái. Một người em gái dịu dàng, nhẹ nhàng, đáng yêu".
Bôm cũng thích có em gái, thế nhưng chưa bao giờ nói ra với bố vì "không nên, nói ra không hay". Bôm sợ bố nghĩ ngợi, sợ bố buồn. Vì Bôm cũng biết rằng bố muốn dành tất cả mọi thứ cho Bôm.
Tất cả mọi thứ bố làm đều nghiệp dư!
Một ngày của Bôm hiện tại, bắt đầu lúc 5 rưỡi sáng, gồm: dậy sớm ăn sáng, làm vệ sinh cá nhân. Sau đó khoảng 6 rưỡi đi học.
Trước kia Bôm tan học lúc 4 giờ chiều như các bạn. Thế nhưng từ ngày thi vào nhạc viện, vì muốn dành thời gian nhiều hơn tập đàn nên Bôm về từ 2 rưỡi chiều. Ăn bữa lửng, rửa chân tay rồi ngồi vào đàn say sưa, không biết mệt.
Ở nhà, Bôm giúp bố phơi quần áo, nấu cơm, rửa bát, bấm máy giặt, sửa bóng điện... Bôm khoe nấu mì Ý rất ngon. Còn khả năng nấu ăn của bố Tuấn trong đánh giá của Bôm chỉ là một đầu bếp nghiệp dư.
"Bố Tuấn nấu ăn nghiệp dư. Chơi đàn nghiệp dư. Quay phim nghiệp dư. Lắp bóng điện cũng nghiệp dư nốt" - Bôm vừa trả lười vừa nhìn sang bố Tuấn cười vui vẻ.
Bôm chê bai bố Tuấn hết lời, thế nhưng chỉ có một điều của bố Tuấn được Bôm công nhận: "Chỉ có tình yêu dành cho Bôm thì PRO", Bôm nhấn mạnh.
Bôm cũng "mách" bố Tuấn là người khó tính. Bố rất nghiêm khắc với Bôm mỗi khi tập đàn, nhưng bố làm vậy để giúp Bôm tốt hơn. Đó cũng chính là đam mê của Bôm, là ước mơ của Bôm, và cả của bố nữa!
Nghiêm khắc là thế, nhưng đã rất nhiều lần Bôm thấy bố Tuấn rơi nước mắt. Và những lần như vậy, Bôm không biết làm gì cả mà chỉ biết dùng chính âm nhạc để chia sẻ với bố.
"Bôm thấy bố Tuấn khóc nhiều lần rồi. Những lúc đấy Bôm chẳng làm gì. Bôm chỉ tập đàn cho bố nghe, để bố không khóc nữa...".
Khi hỏi, Bôm có muốn nhắn gửi điều gì đến những bạn nhỏ đang chiến đấu với bệnh tật, với những cơn đau giống mình không, đôi mắt Bôm ánh lên sự mạnh mẽ, kiên cường đầy lạc quan, và tay đưa lên ra hiệu: "Các bạn ơi cố lên"!
Nhìn đôi bàn tay Bôm, đôi tay ấy khi chào đời còn dính chặt lại với nhau. Thế mà cũng chính đôi tay ấy đã nắm lấy tay bố để truyền niềm tin vượt qua tất cả những "trận chiến" khốc liệt nhất của bệnh tật.
Giờ đôi tay ấy đang từng ngày mềm mại lướt trên phím đàn để chinh phục những khát vọng lớn hơn, xa hơn.
Chúng tôi tin trên đời này không gì là không thể!