Niềm vui của người dân Hàn Quốc
Chang Eun-sook, một người Hàn Quốc hiện sống tại Hà Nội, kì vọng rất nhiều vào kì thượng đỉnh sắp tới giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Là 1 trong 60.000 người Hàn Quốc cư trú tại thủ đô của Việt Nam, cô mong cả hai miền Triều Tiên - về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh - đạt được hiệp ước hòa bình.
Đối với Mỹ, phi hạt nhân hóa là điều kiện tiên quyết để đưa ra tuyên bố hòa bình. Nếu thành công, các đàm phán không chỉ giúp tăng uy tín của ông Kim Jong Un mà còn giúp giảm cấm vận quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng.
Chang, CFO của một công ty Hàn Quốc ở Hà Nội, kể rằng cha cô - vốn được sinh ra tại Triều Tiên - chưa bao giờ có cơ hội trở về quê hương vì chia cắt do chiến tranh.
Biển hiệu chào mừng cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim. Ảnh: Reuters
"Nhiều người Hàn Quốc tại Việt Nam có những câu chuyện riêng và đều hứng thú với kì thượng đỉnh. Chúng tôi rất vui vì được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này. Tôi tin rằng thượng đỉnh Hà Nội sẽ là một bước ngoặt cho tình hình bán đảo Triều Tiên," cô Chang nói.
Theo SCMP, Hiệp hội người Hàn Quốc tại Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức một số sự kiện bên lề vào thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra.
Cụ thể, các thành viên của tổ chức sẽ giơ bảng hiệu "Triều Tiên Hòa bình" và phát cờ có in hình bán đảo Triều Tiên thống nhất để thể hiện sự ủng hộ với nỗ lực gắn kết vì hòa bình. Trong khi đó, văn phòng của Hiệp hội tại Hà Nội sẽ mở cửa để công chúng xem trực tiếp cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump trên truyền hình.
"Bước tiến khó tin"
Tại kì thượng đỉnh, một loạt các phương án hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - cùng với "những động thái tương xứng" từ phía Mỹ - sẽ được đưa ra thảo luận. Các nhà ngoại giao cấp cao từ hai bên sẽ thỏa thuận chi tiết từng mục vào ngày 27-28/2 sắp tới.
Hôm 22/2, cộng đồng người Hàn Quốc đã có buổi họp mặt tại một khách sạn lớn tại Hà Nội. Bên ngoài phòng họp, một ghi chú đính kèm trên bản đồ bán đảo viết: "Chúng ta phải kết thúc 70 năm chia cắt trên bán đảo liên Triều".
Trong khi đó, các đại diện Hàn Quốc bên trong vẫy cờ và tuyên bố "một lòng vì hòa bình trên hai miền Triều Tiên".
"Chúng ta không thể để bán đảo Triều Tiên bị chia cắt tới thời con cháu. Chúng ta phải đón chào nhiệt liệt kì thượng đỉnh lần này.
Người dân Hàn Quốc tại Hà Nội mong muốn thế hệ tiếp theo được sống trên một bán đảo Triều Tiên không còn mâu thuẫn. Tôi đặc biệt kì vọng kì thượng đỉnh sắp tới sẽ đem lại hòa bình đích thực cho khu vực," bà Yoon Sang-ho, chủ tịch Hiệp hội người Hàn Quốc tại Hà Nội, nói.
Theo ông Kim Jung-in, chủ tịch Hội đồng Tư vấn Thống nhất Quốc gia khu vực phía tây Đông Nam Á, một "bước tiến khó tin" có thể sẽ xuất hiện tại thượng đỉnh Mỹ - Triều.
"Khi tôi tới Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây, tôi thấy nhiều khẩu hiệu nói rằng họ sẽ tập trung phát triển kinh tế. Tôi tin Triều Tiên cũng biết rằng nếu không có nền kinh tế vững mạnh hơn, họ khó có thể phát triển," ông nói.
Những người lao động Triều Tiên tại Việt Nam cũng rất trông đợi vào kì thượng đỉnh. Một nhân viên nhà hàng Triều Tiên chia sẻ: "Thống nhất trong hòa bình là điều người dân Triều Tiên trông đợi nhất".
Những ngày vừa qua, các nhà ngoại giao đại diện cho Mỹ và Triều Tiên - ông Steve Biegun và ông Kim Hyok-chul - đã có cuộc đối thoại kéo dài nhiều giờ đồng hồ vào ngày 22/2. Người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon cũng đã có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị cho kì thượng đỉnh.