Thành đạt và giàu có – đây có lẽ là điều mà không ít người trong chúng ta hằng mong mỏi, cũng như cố gắng không ngừng nghỉ để đạt được.
Và bạn có để ý rằng, người giàu dường như có sức ảnh hưởng nhất định trong lời nói của họ, từ đó chiếm được lòng tin của rất nhiều người? Chẳng hạn như Bill Gates, Warren Buffett - những tỉ phú với vô số "bí kíp làm giàu" được người người nghe theo, dù có giàu thật không thì chưa biết.
Câu hỏi được đặt ra là, vì sao những người giàu có lại có tiếng nói gây thuyết phục đến thế nhỉ?
Câu trả lời đó là: Chính là do chính não bộ của chúng ta mà ra đấy
"Có tất cả 3 khuynh hướng nhận thức đã chi phối cho trường hợp này," - theo Peggy Sue Loroz, nhà tâm lý tiêu dùng và giáo sư marketing thuộc đại học Gonzaga cho biết.
Khuynh hướng đầu tiên của não bộ đó là hiệu ứng "hào quang" (halo effect). Loroz cho biết, con người chúng ta thường có xu hướng cho rằng một người có điểm mạnh ở mặt này cũng sẽ... tốt ở các mặt khác (dù cho chúng chẳng liên quan gì nhau cả).
"Khi chúng ta không có nhiều thông tin về một người cụ thể, não bộ sẽ đảm trách việc bổ sung thông tin một cách nhanh chóng có thể,"
"Nhìn vào một người thành công, chúng ta đồng thời nghĩ rằng họ phải là người thông minh, công bằng và am hiểu về chính trị dù chỉ biết duy nhất về một điểm mạnh của họ,"
Khuynh hướng thứ hai đó là hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (mere-exposure effect) – hiện tượng kỳ lạ khiến con người tin tưởng vào các vấn đề cụ thể chỉ nhờ vào sự tương đồng giữa chúng.
"Não bộ sẽ không đảm trách công việc đánh giá dựa trên kinh nghiệm và thận trọng suy xét vấn đề. Thay vào đó, cơ quan này sẽ cho rằng tôi biết đến người này, cũng như cảm thấy thoải mái hơn khi đề cập về họ." - Loroz cho biết.
Đây là lý do vì sao người dẫn chương trình truyền hình kiêm diễn viên Oprah Winfey lại có sức ảnh hưởng rất lớn đến công chúng và sách của bà luôn bán rất chạy.
Oprah Winfey - một diễn viên thành đạt có sức ảnh hưởng lớn
"Với trường hợp của Oprah, bà là một người thành đạt cùng với khối tài sản khổng lồ - điều phần nào có thể ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về bà. Đồng thời, cảm giác thân thuộc cũng sẽ xảy ra khi bà cũng tiếp cận với nhóm người hâm mộ mỗi ngày; như một sợi dây kết nối giữa hai bên."
Khuynh hướng cuối cùng đó là quy chụp sai lệch cơ bản (fudamental attribution error) – xảy ra khi chúng ta đánh giá quá cao một khía cạnh nào mà lại bỏ qua tầm quan trọng của những vấn đề khác khác.
Điều này cho thấy, khi chúng ta nhìn vào một cá nhân thành đạt, xu hướng suy nghĩ sẽ thiên về việc họ tự tay làm nên thành công của mình, mà bỏ qua các yếu tố hoàn cảnh khác.
Đó là chưa kể, một khảo sát được công bố trên Frontiers in Psychology cho thấy, con người có khuynh hướng tin tưởng những người có diện mạo thu hút, ưa nhìn so với những người còn lại, dù chưa biết rõ thật sự họ là người thế nào.
Dẫu vậy, Loroz cho biết các khuynh hướng của não bộ này không hoàn toàn quyết định niềm tin của một người. Thay vào đó thì điều này sẽ còn phụ thuộc vào sự cân nhắc của chính bản thân từng người nữa.