Cũng như những người dân Trung Quốc khác, mỗi ngày, Xu Chang đều "lướt" các trang web thương mại điện tử. Xu trò chuyện với bạn bè qua WeChat, tìm đường khi di chuyển trên những con phố ở Bắc Kinh bằng Gaode Maps. Khi trời quá lạnh, Xu ở nhà và tận hưởng bữa ăn được giao qua một ứng dụng giao đồ ăn.
Tuy nhiên, Xu không phải là một người thuộc thế hệ Y, ông là một cán bộ 80 tuổi đã về hưu. Sau khi đọc một bài viết về nhà sáng lập của Tập đoàn Alibaba và đế chế thương mại điện tử của vị tỷ phú cách đây 5 năm, ông chắc chắn sẽ phải tải xuống ứng dụng Taobao. Ông nhớ lại: "Tôi rất tò mò về việc Taobao sẽ cung cấp những gì." Kể từ đó, ông sử dụng rất nhiều ứng dụng khác, và hiện tại ứng dụng trong điện thoại của ông Xy đã lên tới con số 64.
Ông Xu chia sẻ rằng việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại đã giúp cuộc sống của tôi dễ dàng hơn nhiều, và nói đến hàng loạt sản phẩm mà ông tìm thấy trên Taobao, cùng với những câu chuyện đã đọc được trên Toutiao - một ứng dụng tổng hợp tin tức mà ông Xu thấy rằng nó cập nhật tin tức nhanh hơn bất kỳ phương tiện nào.
Những ứng dụng đó không chỉ giúp cuộc sống khi về hưu của ông Xu trở nên thú vị hơn, mà còn hỗ trợ ông giúp đỡ những người gặp khó khăn hơn. Ông nói: "Một vài người bạn của tôi đã lớn tuổi và không thể mua sắm, bởi vậy tôi đã đặt hàng online và giao đến nhà giúp họ."
Thống kê của chính phủ cho thấy số lượng người Trung Quốc từ 65 tuổi trở lên đã đạt con số 166,6 triệu người vào năm 2018. Sự thay đổi trong lĩnh vực kỹ thuật số ở nước này đã diễn ra cực kỳ nhanh chóng, dẫn đến những lo ngại rằng số lượng người cao tuổi - đang tăng lên, ít có khả năng thích ứng với công nghệ mới, có thể bị tụt hậu. Hơn nữa, trong hơn 4 triệu ứng dụng ở Trung Quốc, lại có rất ít ứng dụng dành riêng cho người nhà.
Tuy nhiên, có dẫn chứng cho thấy, thay vì chịu cảnh bị tụt hậu vì số hoá, người cao niên ở Trung Quốc - như ông Xu, đang gần như bắt kịp sự thay đổi của công nghệ. Đây là một xu hướng giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề già hoá ngày càng nghiêm trọng.
Một trường hợp khác là Tang Yanhang - một người cao tuổi sống một mình tại thành phố Trường Xuân. Vì sống xa con gái, nên bà Tang, 64 tuổi, không còn cách nào khác ngoài tự mình xách những túi đồ nặng nề về nhà khi đi mua sắm. Nhưng sau khi học cách sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử cách đây 3 năm, giờ đây bà chỉ cần đặt hàng trực tuyến và chờ đến khi được "ship" đến tận nhà. Bà chia sẻ: "Việc này thực sự tiện lợi."
Việc sử dụng WeChat đã giúp Zhong Peicheng - một bệnh nhân ung thư 59 tuổi đến từ tỉnh Hà Nam, giữ liên lạc với những người con trai, họ làm việc tại khu xây dựng cách ông gần 200km ở Quảng Đông. Ông Zhong phải ở lại quê nhà để điều trị bệnh và các con ông chỉ có thể về nhà 1 năm 1 lần. Zhong giãi bày: "Nhưng mỗi ngày chúng đều gọi cho tôi qua WeChat. Chúng tôi có thể gặp nhau qua những cuộc gọi video."
Theo một báo cáo của Tencent được công bố vào tháng 1 năm ngoái, trên khắp đại lục, có khoảng 63 triệu người ở độ tuổi từ 55 trở lên sử dụng WeChat. Dù con số rất ấn tượng, nhưng chỉ chiếm 6% số lượng người dùng hàng tháng của ứng dụng này. Ở một cuộc khảo sát khác, Tencent nhận thấy khoảng 1 nửa trong số 800 người cao niên sử dụng WeChat được hỏi vào năm 2017, họ cho biết đều sử dụng WeChat Pay hoặc các loại ví điện tử. Tỷ lệ người cao tuổi có kinh nghiệm mua sắm trực tuyến hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến thì thấp hơn.
Nhận thức được cơ hội béo bở trong "nền kinh tế bạc" (silver economy), một số công ty đại lục đang thiết kế những sản phẩm dành riêng cho người cao tuổi. Alibaba gần đây bắt đầu nâng cấp loa thông minh để hiểu được tiếng địa phương của Trung Quốc, giúp người cao tuổi có thể điều khiển những thiết bị gia dụng bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Các khoá học - như hướng dẫn mua sắm trực tuyến, thậm chí được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường trung học phổ thông. Tại Ninh Ba, chính quyền địa phương gần đây cho biết họ đã giúp ít nhất 100 nghìn người cao tuổi sử dụng thành thạo smartphone vào năm 2019
Người cao niên ở Trung Quốc cũng rất muốn giúp đỡ lẫn nhau. Tang, cán bộ về hưu ở Trường Xuân, đã biến những gì bà chưa biết thành một cơ hội để học hỏi về mạng xã hội. Mỗi khi gặp trở ngại về công nghệ, bà sẽ chụp lại màn hình, tải ảnh lên mạng và cùng tìm hiểu với những người lớn tuổi về hưu khác. Sau khi thảo luận, "nút thắt" thường được gỡ bỏ. Bà chia sẻ: "Chúng tôi phải tiếp tục học hỏi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau."
Tham khảo Nikkei