Cùng với sự phát triển của công nghệ, người tiêu dùng giờ đây có thể dễ dàng thanh toán các giao dịch trực tuyến chỉ bằng việc cung cấp thông tin của thẻ tín dụng. Những thông tin này bao gồm số thẻ tín dụng, ngày tháng hết hạn của thẻ và số CVV/CVC. Một số thanh toán còn không cần đến OTP.
Thế nhưng, đi kèm ưu điểm thanh toán nhanh, tiện lợi là nguy cơ rủi ro lộ thông tin thẻ tín dụng, dẫn tới tình trạng tài khoản trong thẻ tín dụng bị "hack".
Để đảm bảo an toàn trong thanh toán khi sử dụng thẻ, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp thẻ tín dụng bị "hack", người dùng có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Thứ nhất, người dùng nên cài đặt hạn mức thẻ. Hiện, ngay trên một số app ngân hàng cho phép người dùng điều chỉnh số tiền được phép rút và thanh toán dịch vụ bằng thẻ trong một ngày. Trường hợp, thẻ tín dụng bị hack, do giới hạn về số tiền chi tiêu trong ngày, mức thiệt hại mà người dùng sẽ giảm đáng kể.
Thứ hai, người dùng nên tắt chế độ thanh toán trực tuyến. Trong quá trình mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, người dùng có xu hướng cập nhật và lưu số thẻ tín dụng và số CVV/CVC ngay trên website/app ứng dụng. Điều này dẫn tới rủi ro lớn mất tiền. Thế nên, trong trường hợp chưa có nhu cầu thanh toán các giao dịch trực tuyến, người dùng nên lựa chọn tắt chế độ thanh toán trực tuyến. Người dùng cũng có thể chỉ mở thanh toán trực tuyến để thực hiện giao dịch, sau đó tắt ngay.
Ngoài ra, người dùng nên thực hiện mua hàng và thanh toán trên trang web đáng tin cậy. Chỉ nên mua hàng và thanh toán trên các trang web có địa chỉ URL bắt đầu bằng "https://" và có biểu tượng ổ khóa hiển thị trên thanh địa chỉ để đảm bảo an toàn khi giao dịch.
Người dùng không nên thanh toán bằng thẻ tín dụng trên máy tính công cộng để tránh lộ thông tin cá nhân và thông tin thẻ. Trước khi thực hiện thanh toán online bằng thẻ tín dụng, người dùng hãy đọc kỹ các điều khoản và chính sách của nhà bán hàng để tránh tình trạng phát sinh thêm chi phí không cần thiết.
Trong trường hợp nghi ngờ thông tin trên thẻ tín dụng bị lộ cũng như nguy cơ bị hack tài khoản, người dùng cần báo khóa thẻ khẩn cấp.
Cụ thể, người dùng có thể khóa thẻ ngay trên ứng dụng ngân hàng. Một số ngân hàng hiện đã tích hợp chức năng khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Để khóa thẻ, người dùng cần đảm bảo điện thoại cài đặt ứng dụng ngân hàng và đăng ký tài khoản. Sau đó thực hiện theo hướng dẫn để truy cập tài khoản và thực hiện thao tác khóa thẻ.
Hoặc, người dùng thực hiện khóa thẻ qua hotline ngân hàng. Các ngân hàng đều có đường dây nóng để khách hàng thông báo sự cố, bao gồm cả mất thẻ và khóa thẻ.
Khi gọi điện đến ngân hàng, nhân viên sẽ yêu cầu cung cấp một hoặc nhiều thông tin cá nhân như họ tên, CMND/CCCD. Sau khi xác minh, ngân hàng sẽ xử lý vấn đề người dùng yêu cầu.
Trong trường hợp không thể khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng, người dùng cần ra quầy giao dịch để đề nghị khóa thẻ. Khi tới ngân hàng khóa thẻ trực tiếp, người dùng cần cung cấp thông tin tài khoản, mang theo CMND hoặc CCCD để nhân viên ngân hàng kiểm tra.