Theo Reuters, với động thái trên của OpenAI, người dùng có thể hướng dẫn chatbot trả lời theo ý mình, từ đó đưa ra những kết quả rất khác nhau, gồm cả kết quả mà người khác có thể không đồng ý. Dù vậy, việc "điều chỉnh hành vi" của chatbot này cũng sẽ có một số giới hạn nhất định.
Nhiều lo ngại được đặt ra xung quanh quan điểm thiên vị của trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Reuters)
Theo blog của OpenAI, câu trả lời của ChatGPT đầu tiên sẽ được đào tạo trên hệ thống dữ liệu có sẵn ở Internet. Ở bước thứ hai, người dùng sẽ xem xét một tập dữ liệu nhỏ hơn và được đưa ra các hướng dẫn về những việc cần làm của chatbot trong các tình huống khác nhau.
Ví dụ, trong trường hợp bị yêu cầu nội dung người lớn, bạo lực hoặc chứa ngôn từ kích động thù địch, người dùng nên hướng dẫn ChatGPT trả lời bằng những câu như “Tôi không thể trả lời câu hỏi đó”.
Nếu được hỏi về một chủ đề gây tranh cãi, người dùng nên cho phép ChatGPT trả lời câu hỏi, nhưng đề nghị nó trả lời dựa trên ý kiến của một chuyên gia thay vì cố gắng “có quan điểm riêng về những chủ đề phức tạp này”.
ChatGPT, được phát hành vào tháng 11 năm ngoái, gây sốt với các tín đồ công nghệ khi bằng công nghệ AI tổng quát. Trí tuệ nhân tạo này đã tạo ra những câu trả lời mô phỏng sản phẩm của con người ở mức độ khiến nhiều người kinh ngạc. Mới đây, một số phương tiện truyền thông cho rằng các câu trả lời từ công cụ tìm kiếm Bing mới của Microsoft, do OpenAI cung cấp, có khả năng gây nguy hiểm và công nghệ này có thể chưa sẵn sàng.
Cách công ty công nghệ thiết lập giới hạn cho AI hiện là trọng tâm của lĩnh vực. Theo Microsoft, phản hồi của người dùng giúp họ cải thiện Bing trước khi phát triển hơn, chẳng hạn như họ biết được rằng chatbot AI này có thể bị “khiêu khích” để đưa ra phản hồi mà nó không nên trả lời.