Người đưa viên kim cương đen độc nhất thế giới đến Việt Nam bật mí góc khuất về kinh doanh kim cương

Ngọc Hà |

Bà Nguyễn Thanh Thủy là Chủ tịch HĐQT Golden Sun – đơn vị phân phối độc quyền kim cương Korloff tại Việt Nam. Đây cũng là công ty duy nhất tại Việt Nam phân phối kim cương tự nhiên chính hãng. Tháng 7/2016, bà Thủy tạo dấu ấn khi đưa viên kim cương đen duy nhất thế giới nặng 88 carats đến Việt Nam.

Người đưa viên kim cương đen độc nhất thế giới đến Việt Nam bật mí góc khuất về kinh doanh kim cương - Ảnh 1.

Kinh doanh kim cương thường gắn với hình ảnh rất hào nhoáng, đẳng cấp và thu được siêu lợi nhuận. Còn trải nghiệm thực tế của chị thì sao?

Ở Việt Nam, không ai khởi nghiệp lại đi kinh doanh kim cương mà họ chỉ làm khi mọi thứ xung quanh đã ổn rồi và phải có một lượng vốn nhất định. Kinh doanh kim cương không hề dễ, cũng không thể đem lại lợi nhuận cao như nhiều người thường nghĩ. Thậm chí, đây là ngành rất khó để có lợi nhuận trong một khoảng thời gian không ngắn nếu làm ăn chuẩn mực.

Còn cá nhân mình đến với kinh doanh kim cương rất tự nhiên, xuất phát từ yêu thích và đam mê nhiều hơn tính toán lợi nhuận. Trước khi kinh doanh kim cương, mình đã có hệ thống thời trang nam Barishidi Paris với 6 showroom kinh doanh ổn định và cổ phần trong hệ thống khách sạn phố cổ cũng với 6 khách sạn rồi.

Người đưa viên kim cương đen độc nhất thế giới đến Việt Nam bật mí góc khuất về kinh doanh kim cương - Ảnh 2.

Kinh doanh kim cương mà có lợi nhuận không cao?

Theo kinh nghiệm của mình là như vậy. Tính trên cơ sở cùng một lượng vốn đầu tư, kim cương mất nhiều thời gian hơn với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Ở đây, mình nói đến kinh doanh kim cương tự nhiên chứ không phải kim cương nhân tạo.

Với kim cương tự nhiên, khách hàng chỉ cần hơi hiểu biết thôi đều có thể kiểm tra hệ thống, phần mềm báo giá thị trường của thế giới thông qua Rappaport để biết giá hiện hành là bao nhiêu tương ứng với trọng lượng, màu sắc, độ tinh khiết, giác cắt tiêu chuẩn của viên kim cương đó...

Vì thế, giá bán kim cương tự nhiên, nhất là phân phối cho hãng phải tuân thủ quy định giá của hãng và tương tự như giá vàng tiêu chuẩn nên lãi rất thấp.

Trong khi đó, để kinh doanh kim cương thì cần đầu tư rất nhiều cho địa điểm, cửa hàng, rồi hàng hóa là kim cương nữa mà bán thì không thể nhanh như hàng tiêu dùng khác.

Thực tế, ở Việt Nam, kinh doanh kim cương chủ yếu là hàng trôi nổi không phải chính hãng và mua bán theo lòng tin.

Khách hàng cũng chưa có nhiều người biết kiểm tra giá kim cương theo thông số giá thế giới thông qua các cơ quan giá trung gian hoặc thông qua thông tin của các đơn vị kiểm định uy tín quốc tế. Vì thế, những người kinh doanh trôi nổi cũng có thể bán với giá cao để có lãi nhiều hơn.

Người đưa viên kim cương đen độc nhất thế giới đến Việt Nam bật mí góc khuất về kinh doanh kim cương - Ảnh 3.

Vậy khi bắt đầu kinh doanh kim cương, chị có tính đến việc mình sẽ mất một thời gian rất dài để cân bằng?

Thực ra, lúc đó thì mình không xác định được là thời gian sẽ dài hay ngắn, nhưng nếu có thể làm được ngành hàng này thì đây là một dấu mốc quan trọng với bản thân mình, bởi đó là niềm đam mê cá nhân của mình với kim cương. Còn nếu chẳng may không làm được, mình cũng sẵn sàng chấp nhận bởi mình sẽ có được những trải nghiệm rất thú vị. Nó rất khác biệt so với tất cả những gì mình đã có từ trước tới nay mà không phải ai muốn cũng có được.

Chị từng chia sẻ, kim cương thuộc phân khúc rất cao cấp, không chạy theo trào lưu nên đối tượng cực hẹp. Trước đó, chị chỉ kinh doanh thời trang và khách sạn – một mảng rất khác. Điều này sẽ đem đến cho chị những khó khăn gì?

Giữa hàng trung cao cấp và hàng siêu cao cấp là hoàn toàn khác nhau: về đối tượng khách hàng, cách kinh doanh, marketing, thị trường, nhân sự làm việc... Khi mới làm, mình chưa lường hết được những khó khăn đó và đã phải rất vật lộn để thích ứng.

Đối với các mặt hàng khác, các quản lý hay nhân viên của mình là người trực tiếp bán hàng cho khách. Mình chỉ đưa cho họ những phương án, cách thức để chăm sóc, tiếp cận khách hàng tốt nhất...

Nhưng đối với kim cương, mình phải là người đưa ra phương án bán hàng cụ thể, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Hầu hết các sản phẩm kim cương và trang sức kim cương có giá từ 500-700 triệu VND trở lên là do chính mình bán. Khi mua một sản phẩm có giá trị rất lớn, khách hàng không chỉ mua sản phẩm đó, mà còn mua uy tín, sự tín nhiệm, lòng tin, sự tư vấn xác đáng để cảm thấy thỏa mãn và yên tâm.

Người đưa viên kim cương đen độc nhất thế giới đến Việt Nam bật mí góc khuất về kinh doanh kim cương - Ảnh 4.

Theo chị, thế nào là một người chơi kim cương thông thái?

Ở Việt Nam, đa số người chơi kim cương mua dưới dạng trang sức, kể cả những bộ trang sức kim cương hoặc viên kim cương có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa có nhiều người hiểu rằng, kim cương vừa có thể làm trang sức, là một phương tiện khẳng định giá trị bản thân, công cụ tích trữ tài sản, nhưng cũng vừa là một kênh đầu tư sinh lời. Ở đây, mình chỉ nói tới kim cương tự nhiên chứ không đề cập đến kim cương nhân tạo.

Năm 1960, giá 1 carat kim cương ở mức 2.700 USD (khoảng 61 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) nhưng tới năm 2016, giá 1 carat đã tăng lên 35.925 USD (800 triệu đồng).

Người chơi kim cương thông thái là người biết dùng kim cương làm đẹp cũng như biết dùng kim cương như một công cụ đầu tư tài chính hiệu quả.

Kim cương tự nhiên có nguồn gốc và chứng chỉ kiểm định rõ ràng (uy tín nhất trên thế giới là chứng chỉ kiểm định GIA) luôn bán được tại tất cả các sàn giao dịch kim cương quốc tế theo giá công bố thị trường (Rappaport), chứ không phải 95-97% giá mua cho người bán, như ở Việt Nam.

Người đưa viên kim cương đen độc nhất thế giới đến Việt Nam bật mí góc khuất về kinh doanh kim cương - Ảnh 5.

Hiện nay trên thị trường kim cương nhân tạo và tự nhiên cũng rất khó phân biệt, làm thế nào để biết được khi mua?

Cách đây hơn 10 năm, cả thế giới gần như bị xáo trộn kinh hoàng vì kim cương nhân tạo. Khi nó mới ra đời, các máy kiểm định cũng như công nghệ kiểm định của phòng Lab IGI và GIA chưa đủ khả năng để phân biệt được nên vẫn chứng nhận đó là kim cương tự nhiên. Thậm chí, nhiều tỷ phú trên thế giới đã mua phải những viên kim cương nhân tạo như vậy với giấy chứng nhận đàng hoàng...

Còn hiện tại, các phòng lab của GIA và IGI đã phân biệt được kim cương nhân tạo và kim cương tự nhiên ở tiêu chuẩn cao nhất.

Thật sự, kim cương nhân tạo được tạo ra với các điều kiện về nhiệt độ, áp suất, địa chất… gần giống như trong tự nhiên nhưng là trong phòng thí nghiệm. Dù vẫn có giấy chứng nhận nhưng là chứng nhận kim cương nhân tạo, không phải kim cương tự nhiên, không có giá trị thanh khoản ở các sàn giao dịch kim cương quốc tế, mà chỉ mang giá trị trang sức thôi.

Ngoài kim cương tự nhiên, nhân tạo thì còn có kim cương giả nữa. Sự khác nhau giữa các loại này ra sao?

Hiện nay trên thị trường có xu hướng kinh doanh kim cương tổng hợp "giả danh" kim cương thiên nhiên. Không ít người tiêu dùng đã chịu thiệt thòi khi đa phần chỉ là những viên đá Cubic Zirconia (đá tổng hợp CZ), moissanite,... với chất lượng thấp.

Còn kim cương nhân tạo có tính chất vật lý và hóa học gần giống như kim cương thiên nhiên. Điều khác biệt là kim cương nhân tạo do con người tạo ra trong phòng thí nghiệm trong khoảng thời gian rất ngắn nên giá trị rất thấp và các tiêu chuẩn 4C không thể đạt mức hoàn hảo như kim cương tự nhiên.

Kim cương tự nhiên được hình thành từ rất lâu, khoảng 1 tỷ đến 3,5 tỷ năm và diễn ra trong điều kiện vật lý đặc biệt hiếm. Vì mức độ cực kỳ quý hiếm và điều kiện khai thác rất khó khăn nên kim cương tự nhiên có giá trị rất lớn..

Người đưa viên kim cương đen độc nhất thế giới đến Việt Nam bật mí góc khuất về kinh doanh kim cương - Ảnh 6.

Tại nhiều cửa hàng ở Việt Nam, người bán thường nói kim cương chứ không nói về kim cương nhân tạo hay tự nhiên và kim cương nhân tạo cũng có giấy chứng nhận. Theo chị làm thế nào để phân biệt được bằng mắt thường?

Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, đa số mọi người sẽ rất khó phân biệt được. Bây giờ mình có đeo kim cương giả, người ta cũng không nghĩ đó là giả...

Tuy nhiên, đối với kim cương tự nhiên - loại có độ tinh khiết cao, mặt cắt nhiều (73 và 88 mặt cắt), giá có thể lên 800 triệu -1,2 tỷ VND/carat. Loại 57 mặt cắt giá rẻ hơn khá nhiều. Còn kim cương nhân tạo chỉ có giá từ 50-150 triệu VND/carat cho loại đắt nhất. Đây là một dấu hiệu dễ nhận biết.

Rất nhiều người đến chỗ mình thắc mắc tại sao kim cương ở đây lại đắt thế. Mình giải thích: Thứ nhất, đây là kim cương tự nhiên; Thứ hai, công nghệ cắt và số mặt cắt của nó hoàn toàn khác; Thứ ba, đây là kim cương của hãng chuyên kim cương Korloff. Korloff Việt Nam chỉ có kim cương tự nhiên chứ không bán kim cương nhân tạo.

Ngoài ra, có rất nhiều cách để phân biệt kim cương theo kiểu thủ công, cảm quan. Một số cách đơn giản mà người chơi kim cương vẫn hay làm như: Chà giấy nhám lên để xác định độ bền chắc hay hà hơi vào viên kim cương để xác định độ tản nhiệt. Đây là những cách làm đơn giản nhưng khá hiệu quả.

Hoặc người mua có thể quan sát viên kim cương dưới ánh sáng để kiểm tra độ lấp lánh. Kim cương tự nhiên phản xạ dưới ánh sáng vô cùng độc đáo: bên trong sẽ toả ra ánh sáng màu xám và trắng, bên ngoài sẽ phản chiếu những màu sắc cầu vồng lên các bề mặt khác ở gần nó. Trong khi kim cương nhân tạo thường chỉ có màu cầu vồng mà thôi…

Người đưa viên kim cương đen độc nhất thế giới đến Việt Nam bật mí góc khuất về kinh doanh kim cương - Ảnh 7.

Chị có nhận xét gì về những người chơi kim cương ở Việt Nam?

Điểm chung của họ là có khả năng tài chính, yêu thích kim cương, chủ yếu mua kim cương làm trang sức và không mua những viên quá lớn, chỉ tầm dưới 5 carats. Tuy nhiên, có những khách hàng mua bộ High end Big set Diamond lên tới hàng chục tỷ đồng. Đa phần người mua các bộ này là phụ nữ. Còn nam giới hay dùng kim cương trên nhẫn với viên chủ khá lớn, do hợp mệnh hoặc để khẳng định vị thế, đẳng cấp của mình nhiều hơn là yêu thích.

Một số người mua kim cương để cất trữ bởi họ đã có quá nhiều tài sản, bất động sản.. trong khi kim cương là một loại hàng hóa có giá trị rất lớn, nhỏ gọn, lại có thể tăng giá và dễ thanh khoản khi mang ra nước ngoài...

Trong giới chơi kim cương có phân tầng hay không?

Thực ra ở Việt Nam chưa có sự phân tầng rõ ràng, có những người rất giàu nhưng vẫn đeo kim cương nhân tạo. Điều thú vị là người mua kim cương tự nhiên hiện nay chủ yếu là ở các tỉnh, còn ở Hà Nội hay các thành phố lớn lại không nhiều.

Người đưa viên kim cương đen độc nhất thế giới đến Việt Nam bật mí góc khuất về kinh doanh kim cương - Ảnh 8.

Chơi kim cương tự nhiên phải bỏ ra một số tiền rất lớn, hiểu biết của khách hàng về kim cương thì sao?

Có một số khách hàng cực kì sành sỏi về kim cương. Những người đó đa số là do họ yêu thích nên để tâm tìm hiểu và có điều kiện tiếp xúc với người chơi kim cương hoặc môi trường có nhiều người sử dụng kim cương. Mình thấy ở họ một sự đồng cảm.

Tuy nhiên, ở Việt Nam không có quá nhiều người hiểu biết sâu về kim cương. Ngay cả người sở hữu những viên kim cương rất đắt tiền cũng chưa chắc đã hiểu hết về chúng.

Chị có kỷ niệm đặc biệt nào với khách hàng mua các bộ trang sức kim cương đắt giá?

Chị Hanah Bùi – Hoa hậu Quý bà 2014 - có mua một bộ trang sức kim cương khoảng 12 tỷ VND của Korloff Việt Nam. Khi đi sự kiện, chị ấy đeo vào nhưng khi về nhà lại không thể tháo bộ trang sức ra được. Mình phải cử nhân viên kỹ thuật từ Hà Nội bay vào Sài Gòn để giải quyết vấn đề..

Với các bộ trang sức kim cương, vì giá trị rất cao nên khi chế tác các nghệ nhân có kỹ thuật riêng đặc biệt để đảm bảo cho bộ trang sức được an toàn nhất trong khi đeo. Do vậy, kỹ thuật tháo và lắp cũng cực kỳ đặc biệt – nếu quên quy trình là sẽ không thể tháo ra được. Kể từ đó, khi bán các bộ trang sức kim cương, bên mình đều có hướng dẫn kỹ thuật rất kỹ về cách đeo, tháo; thậm chí còn quay luôn video hướng dẫn tỉ mỉ cho khách hàng.

Người đưa viên kim cương đen độc nhất thế giới đến Việt Nam bật mí góc khuất về kinh doanh kim cương - Ảnh 9.

Ngoài các khách hàng là dân kinh doanh, giới nghệ sĩ Việt có chơi kim cương tự nhiên không?

Các nghệ sĩ cũng quan tâm đến kim cương tự nhiên nhưng mua thì chưa nhiều. Với các bộ trang sức kim cương lớn, họ có thể mượn (với kim cương tự nhiên). Đôi khi tác nghiệp thì họ đeo kim cương nhân tạo hoặc đồ mỹ ký...

Các nghệ sĩ nổi tiếng ở nước ngoài thường đeo trang sức là kim cương tự nhiên - có thể to hoặc nhỏ, nhưng rất ít đeo kim cương nhân tạo hay đồ giả. Thực ra, họ có đeo kim cương nhân tạo thì cũng không ai nhận ra nhưng họ không làm điều đó. Có lẽ đó là văn hóa và thị hiếu trang sức chăng?

Là một người đam mê kim cương, nếu không tính đến giá trị lớn chị thấy kim cương có gì hấp dẫn?

Là phụ nữ, chắc ai cũng thích kim cương. Nói chung, những thứ lung linh, lấp lánh phụ nữ ai cũng thích. Nhưng kim cương đặc biệt hơn ở chỗ: Nó là thứ trang sức giá trị, vừa tự tỏa sáng, vừa làm cho người mang nó tỏa sáng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng... Vàng cũng là thứ trang sức có giá trị nhưng không tự tỏa sáng được như kim cương.

Đặc biệt, kim cương tượng trưng cho sự lãng mạn và tình yêu vĩnh cửu. Mình nghĩ là không một phụ nữ nào lại không thích điều này...

Ngọc Hà

Nguyễn Nguyễn

Hương Xuân

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại