Người đi mò ốc được cả cây gỗ quý trăm tuổi mệt mỏi vì bị lập biên bản, chờ phương án xử lý

Ngọc Tú |

"Sau khi phát hiện cây dưới suối, chúng tôi lặn xuống thì phát hiện cả cây lớn. Mất 4 ngày ngụp lặn, chúng tôi mới đưa cây lên được bờ thì mới biết đó là cây quý".

Đi mò ốc được cây quý trăm tuổi

Ngày 9/8, sau nửa tháng phát hiện dưới suối, cây gỗ quý trăm tuổi vẫn đang được bảo quản nghiêm ngặt tại hiện trường là bãi đất trống cạnh suối Dốc Đá (thôn 1, xã Sơn Hồng, Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Chính quyền địa phương xã Sơn Hồng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, sau khi nhóm người dân phát hiện được cây gỗ quý, chính quyền địa phương đã báo cáo lên cơ quan chức năng đồng thời lập biên bản hiện trường vụ việc.

Người đi mò ốc được cả cây gỗ quý trăm tuổi mệt mỏi vì bị lập biên bản, chờ phương án xử lý - Ảnh 1.

Sau khi vớt lên, hiện cây gỗ đang được bảo quản tại hiện trường cạnh bờ suối.

Những ngày qua, chính quyền địa phương đang cắt cử người để canh giữ cây gỗ quý này chờ cơ quan chức năng tỉnh có phương án xử lý.

Là một trong 2 người phát hiện được cây gỗ quý trên, anh Trần Đức Hạnh (SN 1976) cho biết, anh rất mệt mỏi vì chờ phương án xử lý cây gỗ này.

Anh Hạnh kể lại, trước đó vào 18h ngày 21/7, anh cùng bạn là Nguyễn Đức Chung (SN 1984, trú tại thôn 9) đi vào khe Dốc Đá tại thôn 1 để bắt ốc. Khi đang bắt ốc thì chân anh Hạnh dẫm trúng 1 cành cây dưới nước.

Tò mò, anh Hạnh đã lặn xuống dưới để kiểm tra thì phát hiện cành cây này rất lớn, phía dưới còn thân nhưng bị đất cát lấp kín.

Người đi mò ốc được cả cây gỗ quý trăm tuổi mệt mỏi vì bị lập biên bản, chờ phương án xử lý - Ảnh 2.

Cây gỗ dài khoảng 15m, đường kính khoảng 80cm.

Anh Hạnh và anh Chung bàn nhau lặn xuống lấy một mảnh gỗ của cành cây mang về nhờ người kiểm tra xem là gỗ gì? quý hay không? Khi được những người lão làng nhận định đó là gỗ lim xanh quý hiếm thì anh Chung và anh Hạnh liền nghĩ cách đưa cây gỗ lên khỏi suối để đưa về.

Đáy suối sâu, cây gỗ to bị đất cát lấp nên việc đưa cây lên khỏi mặt nước là điều rất khó. Ban đầu, anh Chung và anh Hạnh dùng cưa tay. Cả 2 thay nhau lặn xuống đáy suối sâu khoảng 2m để cưa cành cây đưa lên trước. 

Tuy nhiên, mỗi lần cả 2 người lặn chỉ được 20-30s, cắt được 2-3 nhát lại ngoi lên mặt nước. Cả hai thay nhau cắt mãi đến 3 ngày sau mới cắt đứt được cành cây đưa lên bờ.

Anh Chung và anh Hạnh sau đó thuê 2 máy múc hoạt đồng từ sáng đến tối và nhờ sự hỗ trợ của 100 người dân trong thôn để đưa cây lên bờ. Mãi đến ngày 25/7, toàn bộ cây gỗ này mới được đưa lên khỏi con suối.

Khi đưa lên, cây gỗ dài khoảng 15m, đường kính khoảng 80cm. Cây gỗ nằm rất lâu dưới đáy suối nên một số chỗ bị mục, nhưng cơ bản thân cây gỗ vẫn còn nguyên.

Người đi mò ốc được cả cây gỗ quý trăm tuổi mệt mỏi vì bị lập biên bản, chờ phương án xử lý - Ảnh 3.

Trải qua hàng chục năm bị vùi lấp dưới suối, bề ngoài thân cây có phần bị mục nhưng bên trong vẫn tốt.

Qua nhận định của những người am hiểu, cây gỗ mà anh Chung và anh Hạnh tìm thấy được là cây lim cổ quý, có tuổi đời lên đến cả trăm năm. Có thể trong quá trình mưa lũ, cây lim này bị xói lở và cuốn trôi nên bị đất đá vùi lấp dưới suối hàng chục năm qua.

Chờ đấu giá cây gỗ quý, trích phần trăm cho người phát hiện

Nghe tin nhóm của anh Hạnh tìm thấy được cây gỗ quý dưới suối, rất đông người dân đã kéo đến xem sự việc. Nhưng 2 anh Hạnh và anh Chung chưa kịp vui mừng thì cây gỗ này sau đó đã bị cơ quan chức năng lập biên bản tạm giữ chờ phương án xử lý.

"Chính quyền xã, lực lượng kiểm lâm nắm bắt được thông tin nên đến kiểm tra và lập biên bản tạm giữ. Họ nói đây là gỗ quý thuộc quyền sở hữu nhà nước nên phải báo cáo lên cấp trên chờ hướng xử lý.

Ban đầu chúng tôi cứ nghĩ đưa được cây này lên sau đó một phần thì để tu sửa nhà văn hóa thôn, một phần đưa về nhà dùng, nào ngờ giờ phải chờ cơ quan chức năng đấu giá và chia cho một phần nhỏ trong đó", anh Hạnh trình bày.

Người đi mò ốc được cả cây gỗ quý trăm tuổi mệt mỏi vì bị lập biên bản, chờ phương án xử lý - Ảnh 4.

Cơ quan chức năng nhận định đây là cây gỗ lim cổ thụ, có tuổi đời cả trăm năm tuổi và nằm dưới suối hàng chục năm qua.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Quốc Huấn - Chi cục trưởng Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin, cơ quan chức năng đã kiểm tra, lập biên bản tạm giữ và làm báo cáo gửi Ủy ban tỉnh.

Ông Huấn cho biết thêm, hiện tỉnh đã giao cho Sở Tài chính chủ trì đấu giá cây gỗ để sung công quỹ và trích ra một khoản chia cho 2 người có công phát hiện trục vớt cây gỗ. Tuy nhiên ông Huấn không rõ thời gian khi nào sẽ tổ chức đấu giá bán cây gỗ trên.

Theo nhận định của ông Huấn, qua quan sát và tìm hiểu thì cây gỗ mà 2 người dân vừa phát hiện trục vớt lên được là cây gỗ lim có tuổi đời cả trăm năm tuổi. Cây gỗ này cũng đã bị vùi dưới suối hàng chục năm qua.

Người đi mò ốc được cả cây gỗ quý trăm tuổi mệt mỏi vì bị lập biên bản, chờ phương án xử lý - Ảnh 5.

Hiện anh Hạnh và anh Chung rất mong cơ quan chức năng sớm có phương án xử lý cây gỗ này và chia công lao phát hiện và nhiều ngày ngụp lặn mới đưa được cây gỗ quý này lên bờ.

"Giá trị hiện giờ của gỗ lim khoảng mười mấy triệu 1 mét khối, cây gỗ này khoảng được 3,4 khối gì đó. Tính ra tiền khoảng được 50,60 triệu đồng.

Tuy nhiên hiện tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì đấu giá cây gỗ này để sung công quỹ và trích tiền phần trăm theo quy định lại cho 2 người phát hiện được", ông Huấn nói và cho biết, hiện lực lượng chức năng đang giao cho huyện, xã trông coi bảo quản cây gỗ trên tại hiện trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại