Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thiếu tướng GS.TSKH Nguyễn Huy Phan cùng ông Wiliam Magee - Chủ tịch Hội phẫu thuật nụ cười quốc tế (người thứ 2 từ trái vào) và một số nhân vật người Mỹ
Đối với những mối quan hệ ngoại giao khó khăn, thế giới có những hình thức tháo gỡ rất hay. Sau vụ khủng hoảng tên lửa Cuba đẩy Mỹ - Liên Xô tới bờ vực chiến tranh hạt nhân, hai nước cố gắng bình thường hóa quan hệ, Liên Xô cử các đoàn ba lê trứ danh của mình sang lưu diễn ở Mỹ. Người ta gọi đó là “Ngoại giao ba lê”. Khi ve vãn Mỹ vào đầu những năm 70 thế kỷ trước, Trung Quốc cử các cao thủ bóng bàn vô đối của mình sang Mỹ giao đấu và biểu diễn tài nghệ. Người ta gọi đó là “Ngoại giao bóng bàn”. Ít người biết chúng ta cũng từng áp dụng một kiểu ngoại giao đặc biệt để góp phần khai thông việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Có thể gọi đó là “Ngoại giao khoa học, kỹ thuật”, “Ngoại giao y học” hay “Ngoại giao phẫu thuật nụ cười”.
Nguồn cơn khiến tôi biết điều này là từ một câu trong một bài viết về Đại tướng Lê Đức Anh đăng năm ngoái trên Tiền Phong, nói rằng với tầm nhìn xa trông rộng, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã bí mật giao nhiệm vụ cho Thiếu tướng, GS.TSKH Nguyễn Huy Phan - Phó Giám đốc Viện Quân y 108 chắp nối những quan hệ mong manh giữa hai nước Việt Nam - Mỹ thông qua chương trình Phẫu thuật nụ cười, trong đó các bác sĩ nổi danh của Mỹ sang Việt Nam theo kênh nhân đạo để phẫu thuật tạo hình cho các trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch trong điều kiện Việt Nam còn bị Mỹ cấm vận.
Thiếu tướng, GS.TSKH, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Huy Phan mất từ năm 1997. Tìm trên mạng thông tin về chuyện này hầu như không có. Nhưng tôi biết Tướng Phan có một người cháu ruột là Đại tá Tiến sĩ Nguyễn Huy Thọ - một trong những truyền nhân của ông về kỹ thuật tạo hình và vi phẫu thuật và là người trở thành Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình Bệnh viện 108, vị trí mà Tướng Phan từng đảm nhiệm. Tôi đoán ông Thọ phải biết và tham gia ở mức độ nào đó vào sứ mệnh ngoại giao đặc biệt của Tướng Phan.
Khi tôi kết nối được với Đại tá Thọ, ông gửi ngay cho tôi một loạt ảnh, mà bức đầu tiên là ảnh chụp một giấy xác nhận của chính Đại tướng Lê Đức Anh về nhiệm vụ đặc biệt của Tướng Phan.
Khi gặp trực tiếp, ông Thọ kể: “Một lần vào dịp Tết, tôi đi cùng bố tôi là ông Nguyễn Huy Thúc (nguyên là cố vấn của Chủ tịch nước và là anh ruột của Tướng Phan) đến thăm Đại tướng Lê Đức Anh. Đại tướng bảo trợ lý mang ra một tờ giấy có chữ ký tươi của ông và nói: Nhiệm vụ tôi giao cho anh Phan là tuyệt mật và anh ấy làm việc đơn tuyến, chỉ có báo cáo trực tiếp với tôi nên tôi gửi cho gia đình anh ấy một bản giấy xác nhận này để vợ con anh ấy biết rõ việc anh ấy làm và tránh được những phiền toái”.
Nguyên văn giấy xác nhận ấy như sau:
“Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2001
Kính gửi: - Ban Bí thư Trung ương Đảng
- Bộ Quốc Phòng
Hôm nay, tôi viết văn bản này báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng một việc sau:
Trước đây, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước và sau này là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, tôi được giao nhiệm vụ chỉ đạo phá bao vây cấm vận của Mỹ. Để làm nhiệm vụ này, tôi đã chọn con đường khoa học làm khâu đột phá và chọn đồng chí Thiếu tướng, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Huy Phan, nguyên Phó viện trưởng Viện Quân y 108, là một người giỏi chuyên môn vi phẫu thuật và có đạo đức trong nghề nghiệp. Vì yêu cầu bảo đảm bí mật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi đã trực tiếp giao nhiệm vụ mở đường đột phá bao vây cấm vận của Mỹ bằng con đường khoa học cho đồng chí Nguyễn Huy Phan.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Huy Phan thường xuyên trực tiếp báo cáo và nhận chỉ thị của tôi. Đồng chí đã có nhiều cố gắng, âm thầm, lặng lẽ vượt qua mọi khó khăn, mang hết tài năng của mình để thực thi nhiệm vụ và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Để hiện tại và sau này đánh giá đúng công lao của đồng chí Nguyễn Huy Phan, tôi viết văn bản này kính gửi để Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng biết về việc làm và thành tích trên của đồng chí Nguyễn Huy Phan.
Kính chúc các đồng chí mạnh khỏe.
Kính!
Lê Đức Anh
Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam”
Từ chuyện kể của Đại tá Thọ và những bài viết của nhiều nhà khoa học, người thân của Tướng Phan trong cuốn sách “Nguyễn Huy Phan - Cuộc đời và sự nghiệp” (NXB Y học, 2019) mà ông Thọ cho mượn, tôi phục dựng lại sứ mệnh đặc biệt và tuyệt mật của Thiếu tướng, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Huy Phan như sau:
Khoảng cuối những năm 1980, bằng những nỗ lực tuyệt vời, lúc đó Tướng Phan và cộng sự đã đạt nhiều thành công trong kỹ thuật tạo hình y học, trong đó có tạo hình dương vật cho các thương binh và người dân không may bị thương mất bộ phận đó của cơ thể. Một lần, Tướng Phan trình bày về công trình này tại một hội thảo khoa học về vi phẫu thuật và chỉnh hình ở Pháp, tất cả chuyên gia nổi tiếng từ nhiều nước, chủ yếu là các nước Âu - Mỹ có mặt tại đó đã rất kinh ngạc trước thành tựu của một bác sĩ ở một nước cộng sản mà họ nghĩ là vô cùng lạc hậu. Đặc biệt, họ đánh giá rất cao tính nhân đạo của thành tựu mà trước đó vì định kiến, họ không nghĩ là có thể có ở một nước cộng sản. Sự kinh ngạc khiến cho hội thảo dành cho Tướng Phan một đặc cách là có thêm 20-30 phút để đối thoại với các nhà khoa học có mặt tại đó.
Giấy xác nhận của Đại tướng Lê Đức Anh về nhiệm vụ đặc biệt giao cho Thiếu tướng, GS.TSKH Nguyễn Huy Phan
Một trong những người dự hội thảo đó là Giáo sư John Constable, một chuyên gia phẫu thuật tạo hình nổi tiếng ở Mỹ. Rất ấn tượng với thành tựu cũng như khả năng thuyết trình thành thạo bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp của Tướng Phan, GS Constable đã ngỏ lời mời Tướng Phan sang Mỹ để thăm cơ sở y khoa của ông ở bang Massachusetts và tham dự một hội thảo khoa học.
Bằng cách nào đó, Đại tướng Lê Đức Anh biết chuyện này và thu xếp cho Tướng Phan đi Mỹ. Đại tướng giao nhiệm vụ khi sang bên đó, ông Phan chỉ cần tập trung báo cáo thật tốt thành tựu của mình về y khoa chỉnh hình, đừng có nói gì về chính trị. Đại tướng cũng nói việc này tuyệt đối cơ mật, chỉ có một số đồng chí Bộ Chính trị và người được giao nhiệm vụ biết. Đại tướng Lê Đức Anh cũng dặn, nếu những bác sỹ người Mỹ có ý định giúp Việt Nam một điều gì đó thì cứ mời họ sang.
Thiếu tướng, GS.TSKH Nguyễn Huy Phan và các bác sỹ Mỹ khám cho bệnh nhân trong chương trình Phẫu thuật nụ cười
Điều may mắn nữa là Tướng Phan kết nối được với Hội Phẫu thuật nụ cười quốc tế Mỹ (OSI) do Tiến sĩ Wiliam Magee làm chủ tịch. Hai bên thiết lập quan hệ và giữ liên lạc qua những bản fax mà họ phải nhờ Thông tấn xã Việt Nam mới thực hiện được. Và thực hiện chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh, từ năm 1989, ông Phan đã mời đoàn bác sĩ của Hội Phẫu thuật nụ cười quốc tế Mỹ sang Việt Nam mổ từ thiện cho trẻ em sứt môi, hở hàm ếch ở các Bệnh viện Nhi Thụy Điển, Việt Nam - Cuba và một số địa phương. Mặc dù đang cấm vận Việt Nam nhưng Chính phủ Mỹ không thể ngăn trở các hoạt động nhân đạo.
Trong số các bác sĩ Mỹ đến Việt Nam làm từ thiện có Tiến sĩ Craig Merrell rất giỏi về vi phẫu thuật. Ông và cộng sự đã trực tiếp cùng Tướng Phan và các bác sĩ Việt Nam thực hiện nhiều ca mổ, tổ chức nhiều buổi sinh hoạt khoa học khi ở Việt Nam, qua đó giúp cho kỹ thuật vi phẫu của Việt Nam tiến bộ rất nhanh.
Giáo sư Constable cũng sang Việt Nam rất nhiều lần đưa theo nhiều bác sĩ giỏi và Tướng Phan cùng các cộng sự phối hợp với họ thực hiện rất nhiều ca mổ ở các bệnh viện.
Nhờ có những mối quan hệ như trên mà trong một giai đoạn khá dài, năm nào cũng có một vài đoàn bác sĩ Mỹ sang Việt Nam. Tướng Phan và một số bác sĩ khác của Việt Nam cũng có cơ hội đi dự các khóa tu nghiệp hoặc hội thảo khoa học ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Hàn Quốc..., điều còn hiếm vào đầu những năm 1990. Điều này đã giúp cho ngành vi phẫu thuật ở Việt Nam trước đó có một số thành tựu, giờ phát triển rất nhanh. Tướng Phan là người có công đầu. Tướng Phan còn mời được một số người Mỹ thuộc nhà thờ Mormon tình nguyện sang Việt Nam dạy tiếng Anh cho các y bác sĩ và trẻ em tại Cung Thiếu nhi và một số nơi khác.
Để tạo điều kiện tối đa cho Tướng Phan thực hiện nhiệm vụ, Đại tướng Lê Đức Anh đã thu xếp để ông làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ (được Bác Hồ chỉ đạo thành lập ngay sau Cách mạng Tháng Tám, từ tháng 10/1945), gia đình ông được bố trí tới ở một ngôi nhà khá rộng rãi trên đường Hoàng Diệu, gần nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nơi ông có thể mời khách là các bác sĩ Mỹ tới trò chuyện, ăn uống thân tình.
Các bác sỹ Mỹ với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
Trong quá trình hoạt động với nhiệm vụ tuyệt mật đó, Tướng Phan có tiếp xúc với các nhà chính trị Mỹ không? Trong cuốn “Nguyễn Huy Phan - Cuộc đời và Sự nghiệp”, tôi có tìm được một chi tiết về việc ông tới làm việc với lãnh đạo bang Washington về quan hệ giữa hội hữu nghị của hai nước. Các ông Pritchard - Chủ tịch Nghị viện kiêm Phó Thống đốc bang và Monro - Ngoại trưởng của bang đã tiếp Tướng Phan trong trụ sở Nghị viện bang.
Còn phía Mỹ, trong các ảnh Đại tá Thọ gửi cho, tôi thấy có các bức ảnh bác sĩ Mỹ tiếp xúc với Đại tướng Lê Đức Anh - Chủ tịch nước và bà Nguyễn Thị Bình - Phó Chủ tịch nước, trong một số bức có mặt Tướng Phan. Đại tá Thọ cho biết trong số những người Mỹ đó có một số là những "nhân vật" không phải bác sĩ.
“Thế trong các cuộc tiếp xúc đó, ông Phan và các bác sĩ Mỹ có chuyển thông điệp gì của lãnh đạo hai nước cho nhau không?” - Tôi hỏi Đại tá Thọ. Ông đáp: “Tôi không biết vì hồi đó mình cấp thấp, chỉ mới đại uý hay thiếu tá gì đó thôi. Có được tham gia tiếp xúc, giúp đỡ các bác sĩ Mỹ khi họ ở Việt Nam, nhưng chú Phan và họ có chuyển thông điệp gì cho lãnh đạo hai bên không thì không rõ. Chú Phan cũng không bao giờ hé lộ cho chúng tôi về nhiệm vụ của mình”.
Thiếu tướng, GS.TSKH Nguyễn Huy Phan cùng vợ chồng cựu Tổng thống Bush (cha) khi họ đến thăm Việt Nam năm 1995
Tôi đọc hết các bài viết về Tướng Phan trong cuốn “Nguyễn Huy Phan - Cuộc đời và Sự nghiệp” và tìm thấy mấy đoạn rất đáng chú ý. Trong bài “Ba tôi”, con gái của Tướng Phan là Bác sĩ Nguyễn Ngọc Dung - nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương viết: “Ba còn thu xếp cho một số nhân vật trong đoàn phẫu thuật OSI gặp gỡ đại diện phía Việt Nam để họ có thể chuyển một số thông điệp từ Chính phủ Mỹ tới Chính phủ Việt Nam thời kỳ trước năm 1995”.
Trong bức thư gửi gia đình GS.TSKH Nguyễn Huy Phan của một nhóm người Mỹ từng sang Việt Nam giai đoạn đó có một câu họ trích dẫn lời Tướng Phan cho thấy ông kín đáo nói về sứ mệnh của mình: “Tình bạn mà chúng ta thiết lập trong tuần qua với các bạn đồng nghiệp từ Hội phẫu thuật nụ cười đã cho phép quá trình hàn gắn đau thương được bắt đầu”.
Đặc biệt trong cuốn sách về Tướng Phan có in lại bài báo “15 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ: Dấu chân trên đại lộ đầy chông gai” từng đăng trên báo Tiếng nói Việt Nam từ năm 2010 của nhà báo Trần Mai Hạnh, một người mà Đại tá Thọ nói là Tướng Phan rất thân và cực kỳ tin tưởng. Trong bài, ông Hạnh viết: “Trong bài phỏng vấn sau chuyến ông thăm Mỹ cuối năm 1992 mà tôi thực hiện, ông đã gửi gắm lặng lẽ và kín đáo trong đó không ít thông điệp mà phía Việt Nam và Mỹ gửi cho nhau qua ông, vào những năm tháng đặc biệt khó khăn “khi chiến tranh tàn khốc vẫn còn để lại bao vết thương trên cơ thể đất nước Việt Nam” (lời của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh)”.
Thiếu tướng, GS.TSKH, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Huy Phan
Nhà báo Trần Mai Hạnh đánh giá: “Không chỉ là một nhà khoa học đầy tài năng và nhân cách, ông còn là một nhà ngoại giao xuất sắc đã đặt những dấu chân đầu tiên trên đại lộ đầy chông gai trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ”.
Giống như nhiều người đi tiên phong khác, Tướng Phan gặp không ít rắc rối, thậm chí những bi kịch do nhiệm vụ đặc biệt của ông chỉ có rất ít lãnh đạo thượng đỉnh biết nên việc ông quan hệ với người Mỹ bị các cấp bên dưới nghi ngờ và quy chụp nặng nề khiến có lúc ông “chỉ biết khóc vì bất lực” như lời Đại tướng Lê Đức Anh được nhà báo Trần Mai Hạnh kể lại. Nhưng chuyện này có lẽ xin được kể vào một dịp khác.
Tướng Phan thu xếp cho một số nhân vật trong đoàn phẫu thuật OSI gặp gỡ đại diện phía Việt Nam để họ có thể chuyển một số thông điệp từ Chính phủ Mỹ tới Chính phủ Việt Nam thời kỳ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Qua Thiếu tướng, GS.TSKH Nguyễn Huy Phan, hai phía Việt Nam và Mỹ đã gửi cho nhau nhiều thông điệp vào giai đoạn quan hệ hai nước còn bế tắc.