Người đi bộ có thể đối diện án phạt tù tới 15 năm nếu tiếp tục đi như thế này

Chi Chi |

Luật Giao thông đường bộ đã có quy định rất rõ về vấn đề người đi bộ tham gia giao thông phải thực hiện để đảm bảo an toàn. Nếu không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt theo pháp luật.

Ngỡ ngàng khi bị xử phạt

Tuần qua, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) ra quân xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông trên nhiều tuyến đường của Hà Nội, đặc biệt là khu vực đường Xuân Thuỷ (Quận Cầy Giấy) - nơi có nhiều trường đại học lớn.

Khu vực này có một cầu vượt bộ hành kèm lối lên xuống khá thuận tiện, gần điểm chờ xe buýt và cổng trường học. Tuy nhiên, nhiều học sinh, sinh viên vẫn bất chấp nguy hiểm đi bộ băng qua đường.

Chỉ trong 2 ngày, CSGT liên tiếp xử phạt nhiều trường hợp người đi bộ vi phạm Luật giao thông, chủ yếu mắc các lỗi: Đi bộ không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn. Nhiều người tỏ ra bất ngờ, thậm chí bỏ chạy khi biết sẽ bị phạt.

Người đi bộ có thể đối diện án phạt tù tới 15 năm nếu tiếp tục đi như thế này - Ảnh 1.

CSGT Hà Nội xử phạt người đi bộ. Ảnh: Bộ Công an

Khi bị lực lượng chức năng dừng lại, xử phạt về hành vi đi qua đường không đúng nơi quy định, nhiều người tỏ ra bất ngờ. Nữ sinh viên tên H. cho Tuổi Trẻ Online biết bản thân đang vội nên không đi lên cầu bộ hành mà trực tiếp đi qua dải phân cách để sang đường. Là sinh viên năm 3, cô nói mình đã có "3 năm kinh nghiệm sang đường như vậy", đồng thời không biết mình đã vi phạm luật giao thông. Với lỗi vi phạm của mình, nữ sinh này bị xử phạt vi phạm hành chính 80.000 đồng.

"Nếu đi lên cầu đi bộ sẽ mất nhiều thời gian lên xuống, em không kịp vào lớp. Em không biết quy định đi bộ sang đường sai quy định bị xử phạt. Do vậy, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, thông báo lỗi, yêu cầu nộp phạt, em khá bất ngờ. Đây là lần đầu tiên em bị xử phạt với lỗi này”, nam thanh niên tên Q. chia sẻ với VTC News khi bị phạt 80.000 đồng vì đi qua đường không đúng nơi quy định.

Có thể thấy, việc đi bộ sang đường tùy tiện, không đúng nơi quy định không chỉ là nguyên nhân gây cản trở giao thông, mà còn có thể là nguy cơ gián tiếp khiến các phương tiện khác gây tai nạn. Người dân cần phải nâng cao ý thức hơn nữa, về việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, bắt đầu từ việc nhỏ nhất là đi bộ sang đường.

Luật quy định rõ 

Việc người đi bộ ngang nhiên băng qua đường, "phớt lờ" cầu bộ hành là thực trạng đang diễn ra phổ biến tại nhiều điểm trên khắp thành phố Hà Nội gây nguy hiểm cho chính bản thân và các phương tiện tham gia giao thông khác.Vì vậy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội bên cạnh việc xử phạt, sẽ chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không tái phạm.

Người đi bộ có thể đối diện án phạt tù tới 15 năm nếu tiếp tục đi như thế này - Ảnh 2.

CSGT xử lý người đi bộ vi phạm trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: VTC News

Tại Điều 32 Luật Giao thông đường bộ (Luật số: 23/2008/QH12, ngày 13/11/2008) đã có quy định rất rõ về vấn đề người đi bộ tham gia giao thông phải thực hiện để đảm bảo an toàn. Nếu không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt theo pháp luật.

"Điều 32. Người đi bộ

1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Bên cạnh đó, việc chấp hành báo hiệu đường bộ có hoặc không có vạch kẻ đường được quy định theo Khoản 4, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 như sau:

4. Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

Về mức xử phạt, căn cứ Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60 đến 100 nghìn đồng đối với các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 200 nghìn đồng".

Mặt khác, tại khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Nếu người đi bộ vi phạm giao thông như: Băng qua đường, đi dưới lòng đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo thì có thể đối diện với việc bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Do đó, mỗi người dân khi tham gia giao thông dù là đi bộ hay bất kỳ phương tiện nào cũng cần phải có ý thức chấp hành để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho mọi người xung quanh. Nếu không tuân thủ đúng điều này mà gây ra tai nạn giao thông thì người đi bộ phải chịu trách nhiệm hành chính, thậm chí là hình sự, có thể đối diện với án phạt tù cao nhất là 15 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại