Ngày 7/6, bà Kathy Sullivan, 68 tuổi, một phi hành gia và là một nhà hải dương học đã lặn xuống Vực thẳm Challenger - điểm sâu nhất trong các đại dương trên Trái Đất. Sự kiện này đã đưa bà Sullivan trở thành người đầu tiên trên hành tinh vừa đi bộ trong không gian, vừa đến nơi sâu nhất đại dương.
Bà Kathy Sullivan, 68 tuổi, một phi hành gia và là một nhà hải dương học. Ảnh chụp màn hình
Bà Sullivan và nhà thám hiểm Victor L. Vescovo đã mất 1 tiếng rưỡi để hoàn thành quãng đường dài 11km và đến được nơi sâu nhất trong Rãnh Mariana, nằm cách đảo Guam hơn 321 km về phía tây nam.
Sau khi ghi lại những hình ảnh từ Limiting Factor, một tàu lặn nghiên cứu được thiết kế riêng để có thể lặn sâu xuống đại dương, các nhà thám hiểm bắt đầu hành trình đi lên trong khoảng 4 tiếng.
Sau khi trở lại thuyền, 2 nhà thám hiểm đã gọi điện cho các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cách Trái Đất khoảng 400km.
"Là một phi hành gia và một nhà hải dương học, đây là một ngày phi thường, một trải nghiệm hiếm có trong đời khi tôi có thể quan sát được cảnh tượng ở Vực thẳm Challenger", bà Sullivan chia sẻ.
Sáng 7/6, ông Vescovo đã khen ngợi bà Sullivan là "người phụ nữ đầu tiên xuống đáy biển" và chúc mừng thành tựu này của bà.
Năm 1978, bà Sullivan tham gia vào NASA như một thành viên trong nhóm các phi hành gia Mỹ đầu tiên có nữ giới. Ngày 11/10/1984, bà trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên đi bộ trong không gian.
Nữ phi hành gia này cũng có niềm say mê với việc khám phá đại dương. Bà từng tham gia vào một trong những nhóm đầu tiên sử dụng tàu lặn để nghiên cứu về quá trình phun trào núi lửa tạo nên lớp vỏ đại dương.
Tiến sĩ Tim Shank, một nhà sinh học thuộc Viện Hải dương học Woods Hole đã gọi bà Sullivan là một "lãnh đạo tuyệt vời" trong lĩnh vực nghiên cứu về các đại dương trên thế giới. Hiện tại chỉ có 1 tàu lặn duy nhất trên thế giới có thể đến được Vực thẳm Challenger.
"Tôi rùng mình khi nghe tin bà ấy ở trong con tàu đó. Bất kỳ lúc nào chúng ta có thể đến những nơi khắc nghiệt như vậy trên Trái Đất để nghiên cứu về chúng, đó đều là một sự kiện lớn".
Vực thẳm Challenger được tàu của Anh là HMS Challenger phát hiện trong chuyến ra khơi từ năm 1872 - 1876. Kể từ đó, nhiều chuyến thám hiểm đã nỗ lực tìm cách đo lường chiều sâu của khe hẹp này, làm nổ ra những tranh cãi không chỉ về sự chính xác của các số liệu mà còn về việc ai thực sự là người đầu tiên đặt chân đến điểm sâu nhất hành tinh.
Bà Sullivan là người thứ 8 ghé thăm Vực thẳm Challenger nằm trong Rãnh Mariana, nơi có độ sâu lớn hơn cả chiều cao của núi Everest./.
Theo Straits Times