Người dát vàng lên thân cây ở Cần Thơ quả quyết mình không "chơi ngông"

Thanh Tú |

Anh Việt bày tỏ bản thân đã nghiên cứu, thử nghiệm rất kỹ việc dát vàng lên cây, đảm bảo cây không bị ảnh hưởng về khả năng sinh trưởng.

Việc khắc hình tượng Phật, tượng ông Phúc, Lộc, Thọ hay Quan Âm lên cây đang sinh trưởng, sau đó dát vàng, được anh Trần Quốc Việt (42 tuổi, ngụ tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) tiến hành, gây xôn xao. Anh đã tiến hành trên một số cây như cây phát tài, khế, gốc mận và phần được điêu khắc, dát vàng là ở thân gần gốc.

Do có cách làm khá lạ và độc nên anh được nhiều người biết đến, các tác phẩm cây dát vàng của anh trở nên có giá trị cao.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng anh đang "chơi ngông" khi làm việc này. Một số người trong giới chơi cây cảnh quả quyết nếu là người mê cây thì không ai dát vàng lên cây còn sống. Bởi sẽ làm ảnh hưởng quá trình phát triển của cây, có thể làm cây chết, đồng thời theo thời gian chỗ dát vàng sẽ bị rạn, bong ra, không đẹp về mặt thẩm mỹ.

Hồi tháng 8/2018, giới chơi cây cảnh xôn xao về tác phẩm cây sanh cổ có tên Đại Thế Vân Tùng cũng được dát vàng, nhưng không phải dát lên thân cây mà ở phần chậu. Khi đó, cây cảnh có chậu dát vàng này được trả giá 15 tỷ đồng, nhưng chủ nhân không bán.

Người dát vàng lên thân cây ở Cần Thơ quả quyết mình không chơi ngông - Ảnh 1.

Cận cảnh một thân cây sống được tạc tượng, dát vàng. Ảnh: Lao động

Trước những lo ngại về nguy cơ cây bị ảnh hưởng bởi việc chạm khắc hình và dát vàng lên, anh Việt khẳng định trên báo Đất Việt, trước khi đưa ra thị trường, anh đã nghiên cứu và thử nghiệm rất kỹ. Anh khẳng định việc dát vàng không ảnh hưởng quá trình sinh trưởng của cây, còn lớp vàng không bị rạn nứt.

Với mỗi sản phẩm, anh bảo hành trên 5 năm cho khách hàng. Khách sẽ được hướng dẫn chi tiết cách bảo quản lớp vàng dát trên thân cây, cũng như cách chăm sóc cây tốt nhất.

Người đàn ông 42 tuổi bày tỏ, trước khi chạm khắc và dát vàng, anh dùng hóa chất làm chết các tế bào bên ngoài cây. Vàng "non" được dùng để dát lên các hình khắc trên cây, mỗi cây dát từ 1 - 2 lần.

Anh nói nhiều khách hàng đến mua, nhưng chưa thấy ai phàn nàn về lớp vàng hay về cây. Tuy nhiên, anh thừa nhận cũng có trường hợp khách mua cây về sau đó lớp vàng bị sần sùi, khi đó anh tiến hành dát thêm lớp vàng nữa lên cây cho bền.

Về ý kiến "chơi ngông" mới dát vàng lên thân cây, anh Việt quả quyết với Đất Việt: "Việc dát vàng lên cây đang sống không phải "chơi ngông" như nhiều người lầm tưởng. Thực tế kinh phí cho việc dát vàng không đáng bao nhiêu chủ yếu là nắm được bí quyết làm chết lớp tế bào bên ngoài cây và làm sao cho vàng "non" có độ bóng, óng ánh đẹp nhất".

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại