Như Lao Động đã đưa tin, ngày 3.7, tại Nhà văn hóa thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra buổi đối thoại về việc thực hiện dự án di dân giữa chính quyền với người dân nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường của khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Tuy nhiên theo ghi nhận, cuối buổi đối thoại, người dân ra về mà không kí vào biên bản cuộc họp. Do vậy, vào buổi chiều cùng ngày (3.7), người dân vẫn tiếp tục chặn đường không cho xe rác vào khu xử lý.
Tiếp đó, chiều 4.7, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, mặc dù thời tiết xuất hiện mưa lớn nhưng người dân tiếp tục bám trụ tại lối ra vào cửa phía Nam của khu xử lý rác Sóc Sơn để ngăn chặn xe chở rác ra vào khu vực.
Đã là ngày thứ 4, người dân chặn đường, không cho xe rác vào bãi rác Nam Sơn. Ảnh: PV
Cụ thể, ngay sau giờ nghỉ trưa, đã có gần 50 người dân tập trung ở cửa phía Nam của khu xử lý rác thải Sóc Sơn. Mặc dù trời mưa to, gió giật mạnh khiến cột căng bạt bật tung, nhưng người dân vẫn mặc áo mưa ngồi chặn giữa đường không cho xe rác tiến vào khu xử lý rác.
Trao đổi với PV, những người dân ở đây cho biết: "Chúng tôi chỉ đòi quyền lợi. Nếu không đảm bảo quyền lợi cho người dân thì chúng tôi nhất quyết đồng lòng đóng cửa bãi rác Nam Sơn".
Tại khu vực chặn xe rác, luôn có người túc trực, người dân từ thanh niên cho tới người có tuổi đội mưa thay phiên nhau trực, kiên quyết không cho xe rác tiến vào trong.
Bà Nguyễn Thị Kết, đội 20, thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn cho biết: "Nhà tôi ở giáp bãi rác, hay ốm đau liên miên, viêm họng thường xuyên. Nhưng giờ chuyển đi thì đền bù lại không đủ tiền ở tái định cư. Đền bù 860.000 đồng/m2 mà ra đất tái định cư là 4.000.000 đồng/m2. Giá đền bù như vậy quá thấp".
Người dân tiếp tục không cho xe rác vào bãi rác Nam Sơn. Ảnh: PV
Anh Cát Huy Tư, đội 20, thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn cũng cho biết: "Đền bù như vậy là quá thấp, chúng tôi sẽ không chấp nhận mức giá đó".
Nói về việc người dân ra về mà không ký vào biên bản cuộc họp ngày 3.7 vừa qua, những người dân ở đây cho biết, buổi đối thoại không giải quyết được khúc mắc của bà con về vấn đề bồi thường đất đai, đặc biệt là bồi thường đất thổ cư.
Người dân phản ứng gay gắt vì mức bồi thường 860.000/m2 là quá thấp. Với mức giá đó, không thể giúp bà con ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất sau khi tái định cư.
Người dân mong muốn chính quyền địa phương đền bù thỏa đáng mới cho xe rác vào. Ảnh: PV.