Tối ngày 24/3, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và nhiều cơ quan truyền thông khác đăng tải bài viết phản đối hãng thời trang H&M sau khi thương hiệu này tuyên bố sẽ không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở khu tự trị Tân Cương và không mua bông sản xuất ở Tân Cương.
CCTV viết: "Kiếm nhiều tiền ở Trung Quốc nhưng lại cố tình vu khống và bôi nhọ Trung Quốc, những doanh nghiệp như thế này không có đạo đức kinh doanh và đi quá giới hạn...". Kèm theo đó là hashtag kêu gọi gỡ bỏ sản phẩm của H&M trên diễn đàn thương mại điện tử Taobao.
Bài đăng của CCTV trên tài khoản Weibo chính thức
Về phía H&M, động thái của nhà mốt này được đưa ra sau khi nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc bị Mỹ và một số nước châu Âu đưa ra lệnh trừng phạt vì cáo buộc bóc lột lao động, kỳ thị và vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Sau H&M, nhiều thương hiệu lớn khác như: Uniqlo, Nike, Adidas, GAP, Fila, New Balance... cũng tuyên bố tẩy chay vải bông từ Tân Cương. Cùng ngày, tất cả những sản phẩm của các nhãn hàng trên đều đã bị gỡ bỏ khỏi các trang thương mại điện tử lớn ở đất nước tỉ dân.
Tống Thiến và Hoàng Hiên - 2 diễn viên kiêm đại sứ thương hiệu của H&M đưa ra thông báo ngừng hợp tác với hãng sau vụ việc
Hiện tại, loạt từ khoá liên quan đến việc tẩy chay các thương hiệu như H&M, Nike, Uniqlo và từ khoá "ủng hộ bông Tân Cương", "CCTV lên tiếng về việc H&M tẩy chay bông Tân Cương vẫn đang" nằm ở vị trí cao trên bảng hot search của MXH Weibo.
Trong bối cảnh làn sóng phẫn nộ của người dân Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại, vẫn có thêm nhiều thương hiệu lớn của các nước liên tục đưa ra động thái cứng rắn tương tự H&M.