Người dân TPHCM khổ sở với triều cường: Chờ giới khoa học vào cuộc

HỮU HUY - NGUYỄN DŨNG |

Tình trạng sụt lún đất nền ở TPHCM ngày càng nghiêm trọng, mực nước biển dâng theo từng năm, trong khi hệ thống ngăn triều chống ngập chưa hoàn thành khiến người dân sinh sống ở khu vực vùng trũng, thấp, ven sông phải khổ sở sống chung với triều cường.

Người dân ở đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) sống chung với triều cường Ảnh: Hữu Huy

Người dân ở đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) sống chung với triều cường Ảnh: Hữu Huy

Cuộc sống đảo lộn

Những ngày cuối tháng 10, người dân sinh sống ở khu vực trũng, thấp của TPHCM như đường Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lê Văn Lương, Nguyễn Bình, Đào Sư Tích (Nhà Bè)... đang phải sống chung với triều cường.

Ông Huỳnh Văn Mè (75 tuổi, nhà ở hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát, quận 7) cho biết: “Bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, đầu tháng và giữa tháng người dân ở đây lại sống chung với triều cường. Nước ngập đến đầu gối, có hôm nước dâng cao trên đầu gối, tới thềm nhà nên học sinh phải nghỉ học”.

Đang lội bộ trong dòng nước để về nhà, chị Nguyễn Thị Tuyết Linh (ngụ hẻm 719 Huỳnh Tấn Phát, quận 7) thở dài nói, khu vực này thường xuyên bị ngập mỗi khi triều cường dâng. Ngày 2 buổi sáng và chiều đều ngập, mỗi lần ngập kéo dài vài tiếng mới rút.

“Chiều nay đường ngập nặng quá nên tôi phải gửi xe máy chỗ khác để lội bộ về nhà, không dám đi vì sợ ngã và xe dễ chết máy. Buổi sáng đi làm, nhiều người còn phải mang theo quần áo để thay. Có người bị dị ứng với nước bẩn phải đi khám da liễu”, chị Linh nói.

Sống ở đường Huỳnh Tấn Phát lâu năm, bà Hồ Thị Phước cho biết, từ năm 1997 đến nay gia đình bà đã phải nâng nền nhà 2 lần với cao độ lên hơn 2 mét để tránh ngập. Tuy nhiên, hiện nhà của bà lại bị ngập, khiến cuộc sống đảo lộn.

“Cứ sáng sớm là nước dâng, đến 10h sáng thì nước rút. Chiều từ 15h nước lại bắt đầu dâng lên. Gia đình tôi mở cửa hàng kinh doanh nhưng hầu như không thể làm gì được. Cứ mỗi đợt triều cường là mỗi tháng phải sống chung với ngập từ 15-20 ngày”- bà Phước chia sẻ.

Hệ thống chống ngập bao giờ hoàn thành?

Được khởi công vào năm 2016, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2018. Tuy nhiên, hơn 7 năm qua dự án này phải tạm ngừng thi công nhiều lần, trễ hẹn ngày hoàn thành vì nhiều lý do.

Dự án gồm bảy hạng mục với sáu cống ngăn triều: Cây Khô, Mương Chuối, Phú Xuân (huyện Nhà Bè), Bến Nghé (quận 1), Tân Thuận (quận 7), Phú Định (quận 8) và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn. Dự án sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cường cho vùng diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân TPHCM.

Cuối tháng 8 vừa qua, UBND TPHCM có văn bản giao Sở TN&MT phối hợp một số sở ngành kết hợp với Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu toàn diện về tình trạng sụt lún tại thành phố. Theo đó, UBND TPHCM chấp thuận đề xuất của Sở TN&MT, giao Sở này chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và các chuyên gia của JICA xây dựng Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng chống sụt lún nền tại TPHCM; hoàn thành trong quý IV/2022.

Theo hợp đồng đã ký giữa UBND TPHCM và nhà đầu tư, dự án được đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021, hình thức đầu tư BT bị xóa bỏ nên dự án này bị đình trệ vì vướng mắc trong vấn đề thanh toán cho hợp đồng BT.

Việc dự án phải tạm dừng và kéo dài do hết hạn hợp đồng BT, hết thời gian giải ngân tái cấp vốn đã gây thiệt hại rất nhiều cho nhà đầu tư và các nhà thầu tham gia. Theo đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (chủ đầu tư dự án), đến nay dự án đã hoàn thành 93% tiến độ. Trong đó, 20 cống ngăn triều đã thi công đạt hơn 90%.

Hiện UBND TPHCM đang khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc để thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng quy định. UBND TPHCM thông tin, nhà đầu tư đưa ra điều kiện nếu thanh toán đầy đủ thì sẽ đẩy nhanh tiến độ, cuối năm 2022 hoặc chậm nhất sang đầu năm 2023 sẽ hoàn thành dự án.

Sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức

Theo báo cáo khảo sát của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tình trạng sụt lún nền đã và đang xảy ra trên địa bàn TPHCM với độ sụt lún bình quân hàng năm khoảng 2cm, cá biệt có nơi đến 6 cm/năm.

Ngoài ra, theo JICA, có những khu vực từ năm 2005 đến 2017, độ sụt lún tích lũy trong 13 năm là 23 cm (có nơi cao nhất là 81 cm). Mười quận có mức độ sụt lún đáng kể, bao gồm các quận 2, 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân và Thủ Đức. Quận Tân Bình và quận 12 được ghi nhận có mức sụt lún nền lớn nhất. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng 2 lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm).

JICA cho rằng một trong những nguyên nhân hàng đầu liên quan đến sụt lún nền đất ở TPHCM là vấn đề khai thác nước ngầm quá mức. Dựa trên kinh nghiệm về xử lý sụt lún nền tại Tokyo và hợp tác xử lý lún tại Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan), JICA đề xuất hợp tác với TPHCM nhằm đánh giá toàn diện, giải quyết vấn đề sụt lún tại thành phố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại