Chiều tối 8/7, vài giờ trước khi TP.HCM giãn cách theo chỉ thị 16, nhiều người dân đã đổ về các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng bách hoá, nhà thuốc… để mua nhu yếu phẩm.
Ghi nhận tại siêu thị Emart (Gò Vấp), lượng khách đổ về ngày 8/7 tăng mạnh. Người dân buộc phải xếp hàng để khai báo y tế, đo thân nhiệt và sử dụng nước rửa tay sát khuẩn để đảm bảo an toàn.
Phía bên trong siêu thị, nhiều kệ hàng bán thực phẩm tươi sống như cá, thịt, tôm,… không còn. Tuy nhiên, đón trước tình hình lượng khách đổ dồn sau lệnh giãn cách, siêu thị đã có đội ngũ nhân viên túc trực, vận chuyển hàng hoá liên tục cho khách hàng.
Nhiều người dân đổ đi mua nhu yếu phẩm trước giờ giãn cách theo chỉ thị 16.
Các kệ thực phẩm tươi sống đều hết sạch.
Chị Trần Thị Hoa (48 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết, nhận thông báo thành phố thực hiện chỉ thị 16 nên chị cần chuẩn bị thêm mì tôm, mắm muối,… để hạn chế ra đường khi không cần thiết.
Bản thân chị Hoa lựa chọn siêu thị vì đảm bảo an toàn hơn các chợ. Tuy nhiên cảnh tưởng đông đúc lạ thường khiến chị khá bất ngờ.
"Từ khi các chợ tại quận đóng thì giá đã tăng lên. Giá thực phẩm hôm nay có phần cao hơn trước, gia đình tôi chỉ mua một vài thứ thiết yếu chứ không trữ thực phẩm" - chị Hoa cho biết.
Hệ thống Co.opmart giãn cách người dân vô cùng nghiêm ngặt.
Người dân xếp hàng mua thịt cá.
Quầy thịt hết sớm.
Người dân tỏ ra mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu để tính tiền.
Đợi hàng dài để tính tiền, ông Nguyễn Văn Tú (ngụ quận Gò Vấp) tỏ vẻ mệt mỏi. Ông chia sẻ, từ khi các chợ truyền thống tại quận đóng vì có ca dương tính Covid-19, việc mua thực phẩm mỗi ngày khó khăn hơn.
Gò Vấp đã từng thực hiện chỉ thị 16 trước đó nên ông biết có thể mua bán một cách bình thường. Tuy nhiên, ông vẫn chuẩn bị để có thể hạn chế ra đường.
Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, nhân viên y tế cũng tổ chức giãn cách, đo thân nhiệt và sát khuẩn cho người dân trước khi vào. Khu vực cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc, nhà hàng, quán ăn… người dân tập trung đông đúc. Tuy nhiên, tất cả đều chấp hành nghiêm chỉnh lệnh giãn cách.
Tại các cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc,... người dân cũng xếp hàng dài.
Người dân đứng trước cửa hàng tạp hóa đã đóng cửa.
Trước tình trạng người dân đổ xô tích trữ hàng hóa trong những ngày qua, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, việc tập trung lượng người mua sắm tại cùng một thời điểm đã tạo nên sự thiếu hụt nhất định.
Vì vậy, Sở đã làm việc với các chuỗi cung ứng để kịp thời tăng nguồn hàng, tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng. TP Thủ Đức và các quận - huyện cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở các kênh bán hàng trực tuyến, đi chợ thay cho người lớn tuổi,…
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 106 siêu thị, 112 cửa hàng chuyên về thịt gia súc, gia cầm, gần 2.500 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, 28.700 cửa hàng bách hóa… sẽ cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm qua các kênh phân phối.
Vì vậy, Giám đốc Sở Công Thương đề nghị người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống.