Năm 1994, một người nông dân ở Nam Định bất ngờ phát hiện bộ xương 10 tấn chôn vùi 200 năm dưới ruộng, đây là thứ gì?

TAMMY |

Với chiều dài 18m, cân nặng lên tới 10 tấn, bộ xương mà người dân xã Hải Cường đào được dưới ruộng năm 1994 khiến họ tin rằng đó chính là xương khủng long. Nhưng sự thật thì không phải vậy!

Bộ xương 10 tấn bị chôn vùi

Ngày 8/12/1994, một người nông dân ngụ tại xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà (nay là huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đang đi đào mương làm thủy lợi thì phát hiện một vật lạ cứng bị vùi dưới đất ruộng.

Tò mò đào xuống độ sâu 1,2m, người này bất ngờ nhận ra mình đã đào trúng một bộ xương khổng lồ dài đến 18m. Khi bộ xương được khai quật lên mặt đất, do xương bị gãy, mục nhiều nên người ta vẫn chưa thể nhận ra đây loài vật gì, song với cân nặng lên tới 10 tấn, người dân xã Hải Cường tin rằng họ đã đào trúng một bộ xương khủng long.

Năm 1994, một người nông dân ở Nam Định bất ngờ phát hiện bộ xương 10 tấn chôn vùi 200 năm dưới ruộng, đây là thứ gì? - Ảnh 1.

Bộ xương được khai quật có chiều dài 18m, cân nặng khoảng 10 tấn. Ảnh: Báo Giao Thông

Các chuyên gia nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu sự thật về bộ xương khổng lồ. Vị trí phát hiện bộ xương cách biển 4km (tính theo đường chim bay), khoảng thời gian xương bị vùi lấp cũng được ước tính là 200 năm trước.

Xâu chuỗi các dữ liệu này cũng với đặc tính của bộ xương, các nhà khoa học đã có thể kết luận đây không phải xương khủng long mà là bộ xương của một con cá voi lưng gù (tên khoa học: Megaptera Novaeangliae) từng sinh sống tại vùng biển Đông.

Cá voi lưng gù là một loài thú biển, thở bằng phổi, đẻ con và nuôi con bằng sữa. Chúng thường có chiều dài từ 12 - 16m, cân nặng khoảng 30 - 36 tấn, vây ngực dài, trên đầu có u. Loài này được tìm thấy trên hầu khắp các đại dương và biển trên thế giới.

Năm 1994, một người nông dân ở Nam Định bất ngờ phát hiện bộ xương 10 tấn chôn vùi 200 năm dưới ruộng, đây là thứ gì? - Ảnh 3.

Bộ hàm cực lớn của cá voi lưng gù. Ảnh: Báo Giao Thông

Vậy tại sao bộ xương cá voi khổng lồ lại bị chôn vùi ở địa điểm cách bờ biển tới 4km?

Trả lời trên VNExpress, ông Nguyễn Khả Phú, quản lý chuyên môn Bảo tàng Viện Hải dương học TP Nha Trang, lý giải rằng nơi con cá voi nằm trước đây từng là biển, sau này do lượng phù sa của hệ thống sông Hồng bồi đắp khiến "biển tiến - biển lùi" nên nơi đây trở thành vùng đất vùi lấp bộ xương cá.

Theo PGS-TS khoa học Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, thời điểm năm 1994, các bộ xương cá voi được phát hiện trên thế giới chủ yếu từ khai thác, việc người dân phát hiện bộ xương chôn vùi dưới đất có kích thước lớn như vậy là điều chưa từng có, gây xôn xao dư luận cả nước.

Đi xin xương cá voi

Ngay khi nhận thông tin phát hiện bộ xương cá voi, các nhà khoa học từ Viện Hải dương học TP Nha Trang đã tìm tới địa phương để xin di vật lịch sử quan trọng này về nghiên cứu. Song hành trình này là không hề đơn giản!

Đối với người dân vùng duyên hải, tục thờ cá Ông (tức cá voi, cá heo, cá nhà táng và các loại cá lớn nói chung) đã tồn tại từ lâu, ngư dân coi cá Ông là vị thần biển. Theo tục lệ, khi phát hiện cá mắc cạn phải đưa về chôn cất, sau 3 năm cải táng rồi đem cốt vào đình để thờ.

PGS-TS khoa học Nguyễn Tác An kể lại: "Khi chúng tôi đến nơi thì bộ xương cá voi đã được người dân đem vào sân đình thờ cúng. Nhiều doanh nghiệp đến xin mua lại với giá cao để trưng bày bán vé, nhưng người dân không đồng ý. Trong làng, những người già là người có uy tín nhất, nên chúng tôi tiếp cận thuyết phục đầu tiên."

Năm 1994, một người nông dân ở Nam Định bất ngờ phát hiện bộ xương 10 tấn chôn vùi 200 năm dưới ruộng, đây là thứ gì? - Ảnh 5.

PGS-TS khoa học Nguyễn Tác An trong một chuyến nghiên cứu khoa học. Ảnh: Khánh Hòa Online

Các chuyên gia đã kiên trì đến nhà các bậc lão niên trong làng trò chuyện, ban đầu chỉ phân tích về giá trị, ý nghĩa của bộ xương đối với việc nghiên cứu khoa học của đất nước, tới ngày thứ 4 mới đề cập tới việc lấy bộ xương cá về. Những người có uy tín trong làng khi hiểu được tâm huyết không vụ lợi của các nhà khoa học mới đồng ý bàn giao bộ xương cá.

Năm 1995, trong điều kiện công nghệ khảo cổ và bảo tồn di vật còn khá đơn sơ, bộ xương cá voi lưng gù đã được bó lại cẩn thận bằng rơm, đặt trong những chiếc giỏ tre để chở về Viện Hải dương học cách đó hơn 1.200km.

Bộ xương khi về tới Viện tiếp tục được phục chế lại, việc mà các chuyên gia Việt Nam chưa từng đảm đương trước đây! Xương cá voi bị chôn vùi hơn 200 năm nên nhiều đoạn bị gãy, các mảnh xương này đã được nối lại bằng khoan, những đốt xương bị thiếu phải đúc xương giả bằng thạch cao để thay thế.

Năm 1994, một người nông dân ở Nam Định bất ngờ phát hiện bộ xương 10 tấn chôn vùi 200 năm dưới ruộng, đây là thứ gì? - Ảnh 7.

Bộ xương cá voi lưng gù được đặt lại Viện Hải dương học thành phố Nha Trang. Ảnh: Khánh Hòa Online

"Hai xương ngà (xương hàm dưới) của cá voi bị mất nên tôi phải đúc thạch cao để thay thế. Một số xương sườn, đốt sống cũng phải làm tương tự." - họa sĩ Lê Vũ, người phụ trách phục chế bộ xương, cho biết.

Sau khi căn chỉnh tạo hình đẹp mắt, họa sĩ Lê Vũ đo vẽ, tính toán để làm khung bằng inox, tiếp đến mới ráp xương cố định tạo nên hình dạng. Bên dưới bộ xương, họa sĩ thiết kế thêm một khoang thuyền với làn nước xanh để tăng thêm tính thẩm mỹ cho di vật.

Việc phục dựng hành công xương cá voi lưng gù của Viện Hải dương học khi ấy là cả một sự kiện lớn, ghi nhận lần đầu tiên nước ta có bộ xương cá voi được trưng bày theo kiểu nguyên hình dạng.

Ngày nay bộ xương cá voi lưng gù vẫn được trưng bày bên trong Bảo tàng sinh vật biển của Viện Hải dương học, đặt bên cạnh các mẫu vật quý giá như cá nạng hải nặng gần 1 tấn, cá tầm, cá ông chuông, bộ xương bò biển nặng gần 300kg đưa từ Côn Đảo về…

Các mẫu vật và câu chuyện đặc biệt đằng sau chúng đã trở thành điểm nhấn thu hút người dân cùng các du khách đến tham quan Viện Hải dương học Nha Trang và tìm hiểu về thế giới kỳ bí dưới đáy đại dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại