Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt hàng lãnh đạo tỉnh Phú Thọ chỉ đạo ngành bảo hiểm xã hội, y tế địa phương xây dựng, tạo cơ chế dành cho y tế cơ sở để người dân được theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện như có bác sĩ riêng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu cam kết sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất, tiến tới mở rộng đến tất cả các xã/phường trên địa bàn để hơn 1,3 triệu người dân đều được thụ hưởng.
Ngày 10/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, khảo sát Trạm y tế xã Yên Tập (huyện Cẩm Khê), Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Nhiều khoảng trống kiến thức ở bác sĩ tuyến xã, huyện
Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) vừa công bố kết quả nghiên cứu về chất lượng và công bằng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Việt Nam.
Nghiên cứu này được thực hiện năm 2015 tại 78 bệnh viện huyện và 246 trạm y tế xã tại 6 tỉnh, thành đại diện các vùng miền.
Ông Khương Anh Tuấn, Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách y tế, cho biết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các câu hỏi và quan sát chẩn đoán, điều trị, kê đơn của các bác sĩ tuyến huyện, xã về 5 bệnh cơ bản thường gặp, gồm tiêu chảy trẻ em, viêm phổi trẻ em, lao, tiểu đường týp 2, tăng huyết áp.
Kết quả, tỷ lệ câu hỏi mà bác sĩ hỏi bệnh nhân và câu hỏi cần phải hỏi để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác hơn chỉ đạt xấp xỉ 50%.
Theo ông Tuấn, chính việc các bác sĩ thiếu kiến thức cơ bản, khám lâm sàng không theo chuẩn khiến việc chẩn đoán bệnh cũng bị ảnh hưởng.
Với bệnh tăng huyết áp độ 1, tỷ lệ chẩn đoán sai là 19%, đái tháo đường týp 2 là 14%, tiêu chảy trẻ em là 12%, lao là 9%, viêm phổi trẻ em là 3%.
Tỷ lệ chẩn đoán đúng khá cao nhưng vẫn còn nhiều bác sĩ chỉ chẩn đoán đúng một phần về bệnh lý. Đặc biệt, bệnh tiêu chảy trẻ em chỉ có 6% chẩn đoán đúng hoàn toàn, 81% đúng một phần.
Tỷ lệ các bác sĩ chẩn đoán đúng khá cao nhưng không chắc đưa ra chỉ định điều trị đúng. Với bệnh viêm phổi trẻ em, 97% bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh nhưng có tới gần 48% bác sĩ đưa ra điều trị chưa đúng.
Một nghịch lý được nhìn ra từ nghiên cứu này là các bác sĩ tuyến xã kiến thức ít hơn luôn chịu khó hỏi bệnh nhân và khám kỹ hơn các bác sĩ tuyến huyện - nơi có điều kiện học tập và thực hành tốt hơn.
Ông Olusoji Adeyi, Giám đốc lĩnh vực y tế dinh dưỡng và dân số (Ngân hàng Thế giới), nói rằng, quá trình nghiên cứu cho thấy bác sĩ tuyến xã thực hành gần hết những gì họ đã trả lời lý thuyết, còn các bác sĩ huyện lại ít thực hành và chủ yếu dựa vào các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp.