Người đàn ông phải lòng xe máy cổ

Đông Hoàng |

Mỗi sáng, thói quen từ gần 20 năm nay của anh Trần Ngọc Bình là ngồi lặng lẽ ngắm những chiếc Mobylette, Vespa, Lambretta, Sachs… được anh hồi sinh từ đống phế liệu.


Sau màn "điểm tâm" đó, người đàn ông 38 tuổi chuyển sang lau chùi những chiếc xe cho đến khi "không còn một hạt bụi" nào rồi mới lấy đồ nghề, ráp xe mới cho khách. Cửa tiệm của anh nằm trên đường Lê Anh Xuân (quận Ninh Kiều) trở thành địa chỉ quen thuộc của giới đam mê xe máy cổ từ nhiều năm nay.

Người đàn ông phải lòng xe máy cổ - Ảnh 1.

Anh Bình đang tìm cách hồi sinh chiếc Mobylette của khách hàng trong cửa tiệm ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ, tháng 7/2022. Ảnh: Đông Hoàng.

Là một trong những tay chơi xế cổ có tiếng ở Cần Thơ, mỗi khi có dịp hồi tưởng lại hành trình 20 năm qua của mình, người đàn ông vẫn không khỏi xúc động. "Đó là giai đoạn đầy cực, tủi, nhục của đời tôi", anh Bình nói.

Sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng từ khi còn là một cậu bé lớp 6, anh Bình đã phải lòng những chiếc Mobylette cổ. Ước mơ lớn nhất của anh khi đó là một ngày nào đó được chạy chiếc xe "để xem như thế nào". "Chiếc Mobylette như người phụ nữ, có nét đẹp cuốn hút khiến mình say đắm chẳng rời mắt. Nhất là động cơ hai thì, tiếng pô nổ giòn tan nghe rất hay", anh nói.

Anh Bình nói với ba mẹ ước mơ đi học nghề sửa xe máy nhưng ngay lập tức bị phản đối. "Nhà có nghề không làm, đi học ba cái nghề này làm chi, loại xe này giờ đâu ai chạy", hai người nói và nhất định bắt anh sau này phải nối nghiệp nghề bán lư đồng của gia đình. Biết không thể thuyết phục, anh không nói chuyện với ba mẹ suốt thời gian dài.

Học hết lớp 9, cậu bé Bình 15 tuổi một mình lên Sài Gòn vừa đi làm và học nghề để nuôi hy vọng mở tiệm phục chế xe cổ. May mắn, anh gặp được người thầy hướng dẫn tỉ mỉ những kiến thức về dòng xe, phần xác xe, cách lắp ráp... Có sẵn đam mê nên Bình học và thạo nghề rất nhanh. Sau hai năm anh về quê, quyết mở tiệm của riêng mình.

Nhưng cuộc sống không dễ dàng như Bình tưởng. Tay nghề có nhưng tiền vốn để mở tiệm thì không. Anh thuê phòng ra ở riêng và tận dụng làm nơi nhận phục chế xe. Loại xe máy cổ giờ chẳng còn ai đi nên cửa tiệm không có khách, Bình phải đi làm đủ thứ công việc khác để duy trì và nuôi hy vọng một ngày có ai đó mang xe đến làm.

Người đàn ông phải lòng xe máy cổ - Ảnh 2.

Chiếc Mobylette AV85 màu xanh, sản phẩm đầu tay của anh Bình. Ảnh: Đông Hoàng


Một lần, có ông bác thân quen cho anh xác chiếc xe Mobylette AV85 "nhìn như cục sắt đồ phế liệu". Nhưng đó là món quà quý như vàng với Bình. Anh đem về nhà để, rồi bắt đầu hành trình làm thuê, làm mướn khắp nơi để gom tiền mua từng món phụ tùng lắp ráp dần dần thành chiếc xe hoàn chỉnh. Ròng rã ba năm, lặn lội từ tỉnh này qua tỉnh kia lùng mua linh kiện, chiếc xe thành hình. "Được chạy con xe Mobylette lần đầu tiên, tôi thấy nó "đã" khủng khiếp, bao nhiêu khổ cực biến mất", người đàn ông tâm sự.

Bạn bè nói anh khùng, gia đình phàn nàn "số tiền đó đủ để mua con xe mới tốt hơn" nhưng anh chỉ cười, bỏ ngoài tai. Từ chiếc Mobylette đó, những chủ xe cổ khác bắt đầu tìm đến anh. Đến nay, Bình đã làm sống lại hàng trăm chiếc và cũng xây dựng được cho mình một bộ sưu tập 16 chiếc quý hiếm, thuộc nhiều dòng khác nhau. Chiếc Mobylette năm xưa anh vẫn giữ làm kỷ niệm, xem nó là chiến lợi phẩm của đời mình.

Bình cho biết, mỗi khi khách mang xe đến, dù chúng chỉ là cái xác, còn lại mỗi sườn và cục máy, nhưng anh vẫn nhận. Anh hiểu, họ cũng giống mình năm xưa, muốn tìm lại một chút kỷ niệm của quá khứ. Do phụ tùng xe cổ hiện nay rất hiếm nên việc phục chế rất khó khăn, mỗi tháng anh chỉ làm được nhiều nhất 4-5 chiếc.

Cái khó nhất là phục dựng từ các phần xác xe rỉ sét. Anh phải tiến hành theo từng công đoạn, từ cân chỉnh cho thật chuẩn, chạy thử nghiệm khoảng hai tuần, sau đó tháo sườn, phụ tùng đem đi sơn và xi, lắp ráp, tiếp tục chạy thử nghiệm thêm một tuần để đảm bảo xe đạt yêu cầu rồi mới giao cho khách.

Những chiếc Mobylette, Sachs, Vespa tưởng chừng chỉ để bán phế liệu nhưng qua tay người đàn 8X này bỗng thành "xế xịn", giống nguyên bản sản xuất tại xưởng.

"Làm cái nghề này không có thời gian cố định, cứ mình rảnh thì làm, mệt thì nghỉ, nhưng phải rất tập trung và suy nghĩ về nó. Khách mà ngồi nói chuyện thì không làm được. Sung sướng nhất là sau khi mày mò, làm cho máy nổ được", Trần Ngọc Bình chia sẻ.

Anh Võ Minh Nhật ở quận Ninh Kiều là khách ruột của anh Bình 4 năm qua. Nhờ gặp được Bình nên anh chàng 9X mới tìm được con Lambretta, chiếc xe gắn liền thời ấu thơ của Nhật, ba anh đèo cả nhà đi khắp tỉnh miền Tây. "Quen biết anh Bình từ lâu nhưng tôi vẫn khâm phục niềm đam mê xe cổ của ảnh. Phải nói, mỗi lần nhận phục chế con xe nào là ảnh làm có tâm và tận tụy với nghề", Nhật nói.

Người đàn ông phải lòng xe máy cổ - Ảnh 3.

Chiếc Sachs này khi đến tay anh Bình chỉ còn sườn với cục máy. Anh mất hơn một tháng mới hoàn thiện cho khách. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Người đàn ông phải lòng xe máy cổ - Ảnh 4.
Người đàn ông phải lòng xe máy cổ - Ảnh 5.
Người đàn ông phải lòng xe máy cổ - Ảnh 6.
Người đàn ông phải lòng xe máy cổ - Ảnh 7.
Người đàn ông phải lòng xe máy cổ - Ảnh 8.
Người đàn ông phải lòng xe máy cổ - Ảnh 9.

Theo anh Bình, những dòng xe Mobylette như xanh AV85, xám AV44, hai đũa AV54... sau khi được phục chế, sẽ có vẻ đẹp thanh lịch và sang trọng của quá khứ, xuất hiện trong thời buổi hiện đại khiến nhiều người thích thú. Mỗi chiếc xe, tùy vào thời điểm chúng ra đời, mẫu mã, thiết kế, xuất xứ... có giá khác nhau, thấp nhất là hơn 10 triệu đồng, con nào phục chế khó thì tầm 30-40 triệu đồng, thậm chí là 100 triệu đồng nếu thuộc dòng hiếm.

Bình thừa nhận, mỗi người có một thú chơi riêng. Có người chơi chim thì thích nghe chim hót, chơi cá cảnh thì thích ngắm cá, với anh ngắm xe là một cái thú. "Nhiều khi làm xong, mình cứ ngồi nhìn và nghĩ từ một xác chết mà nó sống lại, rồi tự khen mình "sao mà hay vậy ta", anh cười nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại