Sài Gòn những ngày cuối năm 2018 nắng hanh hao, gió nhè nhẹ. PV ghé tiệm sửa xe máy của ông Việt đầu hẻm 96 Phan Đình Phùng (phường 2, quận Phú Nhuận). Kéo ghế cho PV ngồi, phải mất chừng chục phút sau ông mới trải lòng về những câu chuyện rất đời của mình.
Ông Việt (56 tuổi, tên thật là Đỗ Văn Út), già hơn rất nhiều so với tuổi thực. Thỉnh thoảng PV thấy ông cười khi nhắc đến nỗi buồn khổ của những ngày đầu "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".
Trái với những nếp nhăn co rúm trên khuôn mặt đầy khắc khổ, ông có một trái tim nhân hậu, bao la.
"Người nghèo có 3 nỗi thiệt thòi"
Ông Việt sinh ra và lớn lên ở Phú Nhuận, quá khó khăn về kinh tế nên đã phải bán nhà từ mười mấy năm trước. Không có chỗ tá túc, vợ ông Việt về quê ngoại ở Hóc Môn trồng rau kiếm thêm thu nhập. Vợ chồng ông Việt có một cậu con trai, đang học dở Đại học năm hai thì đành phải bảo lưu kết quả vì điều kiện kinh tế không cho phép.
Cuộc sống của ông Việt gắn với lề đường, ban ngày ông đi tắm nhờ hàng xóm, cứ đêm đến thì kéo ghế xếp ra đường nằm. "Mấy tháng đầu tôi không tài nào chợp mắt nổi, đêm đêm thường giật mình bởi tiếng còi xe, nhưng riết rồi cũng quen", ông Việt nói.
Bình nước miễn phí của ông ngay đầu hẻm 96 Phan Đình Phùng. Ảnh: Bảo Thư
Nhiều đêm nằm lề đường, giấc ngủ chập chờn, cảm nhận được nỗi khó nhọc của bản thân nên ông Việt thấy thương những người vô gia cư, tật nguyền, bán vé số.
Trong lòng ông Việt cứ thôi thúc phải làm gì đó để chia sẻ bớt nỗi cực nhọc với những người có chung hoàn cảnh giống mình. Kể từ đó, tủ thuốc từ thiện, nước uống miễn phí, bơm vá xe miễn phí ra đời…
Uống ngụm nước trà, ông Việt kể: "Có 3 thứ thiệt thòi của người nghèo, một là không được ăn ngon, 2 là không được mặc đẹp, 3 là lời nói ra không có giá trị gì. Nhưng cuộc đời mình vậy, sao mình chọn lựa được? Cho nên tôi tìm niềm vui từ những điều nhỏ bé mà chân thực này".
Đối diện tiệm sửa xe của ông Việt là tủ thuốc từ thiện, dùng để sơ cứu cho những người không may bị té xe ở gần khu vực này. Nếu trường hợp nặng quá, ông Việt sẽ chở người đi bệnh viện.
"Có lần bị người nhà hiểu nhầm, nghĩ tôi là người gây tai nạn nên giữ tôi suốt 3 giờ. Nhưng có sao đâu, tính mạng con người mới quan trọng chứ mình mất 3 giờ chẳng sá gì", ông Việt chia sẻ.
Những bình nước miễn phí đều do ông Việt tự tay đun lấy. Theo ông, mấy năm trước mỗi ngày ông mua hết mười mấy ngàn tiền đá, giờ giá cả leo thang có ngày ông mua hết gần năm chục ngàn.
Hiểu được công việc mà ông Việt đang làm, mấy cô bác sống trong hẻm 96 Phan Đình Phùng thỉnh thoảng đóng góp thêm ít tiền phụ ông mua đá.
Tủ thuốc từ thiện, và biển hiệu "trợ táng & tặng áo quan miễn phí cho những gia đình khó khăn" của ông Việt. Ảnh: Bảo Thư
"17 năm xin hòm cho những người có hoàn cảnh khó khăn"
Trong suốt 17 năm, ông không còn nhớ cụ thể mình đã xin mấy chục chiếc hòm cho người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều lúc ông muốn bỏ cuộc bởi không ít lời ra tiếng vào. Nhưng cho rằng nghề chọn mình nên ông Việt bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu để tiếp tục với cái nghề mà ông gọi là "duyên".
Nói về những kỷ niệm đáng nhớ trong suốt gần 17 năm đi xin hòm, ông Việt trầm tư: "Cách đây chừng 7 năm, tôi nhớ rất rõ có hai vợ chồng người An Giang lên Sài Gòn kiếm sống. Hôm đó, hai người chở nhau đi qua đường để ăn hủ tiếu ở Bình Thạnh, không may một thanh niên đi xe máy cùng chiều va phải khiến người vợ tử vong.
Không có tiền để lo cho vợ, ông chồng ôm thùng giấy đi khắp bệnh viện để xin giúp đỡ. Có người gọi cho tôi để xin hòm, tôi chạy đến ngay. Cuối cùng cũng đưa được vợ về An Giang an táng. Sở dĩ tôi xin hòm miễn phí cho người nghèo là bởi có sự giúp đỡ của trại hòm và các Mạnh Thường Quân. Cuộc đời vẫn nhiều người tốt lắm".
Hẻm 96 Phan Đình Phùng (Phú Nhuận), nơi ông Việt mưu sinh. Ảnh: Bảo Thư
"Chừng nào còn chạy được xe hai bánh thì tôi vẫn còn làm"
Để làm được công việc này suốt gần hai mươi năm qua, ông Việt đã phải cố gắng rất nhiều. "Nếu không quên đi những lời đàm tiếu của thiên hạ chắc tôi bỏ cuộc lâu rồi. Tôi nhớ như in, có một người đàn ông ngay trong hẻm này mất, mất không ai biết nên khi phát hiện thì chân tay đã co quắp lại. Tôi chạy đến, tắm rửa, nắn tay chân rồi khâm liệm.
Người nhà trả tiền cho tôi, tôi không nhận. Họ gọi tôi vào ăn bữa cơm với gia đình, tôi từ chối. Tôi lấy lí do rằng tôi mệt quá không thể nào ăn nổi, chứ thực ra lúc đó tôi rất buồn. Tôi cứ nghĩ, lúc mình làm người ta không hay biết, nhưng lúc mình ăn thì họ lại nhìn thấy rồi nói những điều không hay", ông Việt cho biết.
Khó khăn, khổ cực là vậy nhưng ông luôn tự động viên mình cố gắng, cố gắng không phải vì mình mà bởi có rất nhiều người nghèo khổ đang cần sự giúp đỡ, chia sẻ của ông. Không có của cải nên ông Việt giúp người nghèo bằng chính sức của mình.
"Nếu ai hỏi tôi làm việc này đến chừng nào nghỉ tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng chừng nào tôi còn chạy được xe hai bánh thì tôi vẫn còn làm", ông Việt cười.
Cô Nguyễn Thị T. (60 tuổi), chủ quán cà phê trong hẻm 96 Phan Đình Phùng, cho biết: "Ông Việt có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng lại rất tử tế và thường xuyên giúp đỡ người khổ. Tôi sống ở đây mấy chục năm, chứng kiến không biết bao nhiêu lần ông đi xin hòm miễn phí cho người nghèo. Đang có khách bơm vá xe nhưng cứ hễ ai gọi xin hòm là ông bỏ đó chạy đi".
Cứ chừng dăm phút thì có chiếc xe máy dừng lại ngay đầu hẻm, nơi ông Việt mưu sinh qua ngày để bơm vá xe. Tôi cảm nhận như người ta muốn ủng hộ một chút tấm lòng của mình bằng cách ghé tiệm của ông.
Ông Việt còn bơm vá xe miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật. Ảnh: Bảo Thư
Chia tay ông Việt, trong ánh chiều chạng vạng cuối đông của mảnh đất phương Nam đầy nắng gió và cơ cực phận đời, phận người. PV thấy ông lặng nhìn về phía xa xăm như muốn thở một hơi thật dài sau khi trút lòng bao câu chuyện buồn vui của những năm tháng đằng đẵng làm việc thầm lặng.
Suốt chặng đường về nhà, bên tai PV cứ văng vẳng điều ước giản đơn của ông: "Nếu ông trời cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước mình thật khỏe mạnh, để có thể giúp được thêm nhiều người nghèo hơn nữa".