Hơn 30 năm sưu tập đồng hồ cổ châu Âu
Nếu bàn về thú chơi của đàn ông thì không thể không nhắc đến đồng hồ, đặc biệt là đồng hồ cổ là thú chơi sa xỉ được nhiều người đam mê. Và trong giới sưu tầm đồng hồ cổ, đồng hồ cây, để bàn, treo tường được nhiều người yêu thích bởi những âm thanh riêng biệt, thiết kế độc đáo.
Bộ sưu tầm của chú Hà lên đến cả trăm chiếc.
Trên thị trường, đồng hồ có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau: Đức, Pháp, Ý, Thụy Sỹ…Trong số đó, có những chiếc tuổi đời trên dưới trăm năm như bộ đồng hồ cổ của Đức, đồng hồ hiệu ODO của Pháp. Mỗi dòng đồng hồ ở mỗi quốc gia và từng niên đại có những nét độc đáo riêng với hoa văn, họa tiết trang trí được chế tác cầu kỳ, tinh xảo, hoạt động rất chính xác.
Và một trong những người có niềm yêu thích đặc biệt với đồng hồ cổ châu Âu là chú Việt Hà (Hòa Bình). Bắt đầu sưu tập đồng hồ cổ từ khi còn rất trẻ - năm 28 tuổi, tính đến nay cũng được hơn 30 năm. Và bộ sưu tập đồ sộ của chú hiện nay có khoảng 200 chiếc đồng hồ khác nhau.
Hỏi về lý do lại yêu thích đồng hồ đến vậy chú cho biết: “Bởi vì ngày xưa, những chiếc đồng hồ như vậy rất hiếm. Chỉ có những đại gia, nhà giàu mới có đồng hồ như vậy. Đặc biệt là khi xem Công Tử Bạc Liêu. Lúc đó chú thấy đẹp nên thích vậy thôi, rồi dần dần tìm hiểu sâu về các câu chuyện những chiếc đồng hồ nên bắt đầu mê rồi cứ thế gom góp dần. Những chiếc đồng hồ trông vậy thôi nhưng giá trị tinh thần hay vật chất nó tạo ra cực lớn".
Hình ảnh nghệ sĩ Hoàng Sơn trong vai Công Tử Bạc Liêu phim "Người đẹp Tây Đô" của Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
Chú Hà cho biết về hãng đồng hồ bản thân yêu thích nhất thì là của Đức với Pháp, chiếc đồng hồ có giá trị nhất trong bộ sưu tập có giá là 800 triệu đồng.
Thú chơi cũng lắm công phu, mất 7 tháng để tìm mua 1 đồng hồ cổ về tay
Những chiếc đồng hồ cổ châu Âu đã ngưng sản xuất nên ngày càng trở nên khan hiếm trong khi nhu cầu của người chơi ngày càng nhiều. Điều này khiến cho giá trị của đồng hồ luôn giữ được và tăng dần theo thời gian.
“Trong hơn 30 năm nay chơi và sưu tầm đồng hồ thì mỗi năm chú mua khoảng 5 cái. Chú thích chiếc nào thì sẽ tìm cách liên hệ mua hoặc nhờ người thân ở nước ngoài mua. Thú chơi này cũng rất công phu, vừa phải bỏ thời gian công sức ra tìm hiểu, vừa phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ để “rinh” về và bảo dưỡng hàng năm”, chú Hà chia sẻ.
Khi hỏi chú về chiếc đồng hồ ấn tượng trong bộ sưu tầm thì chú tâm sự: “Mỗi chiếc đồng hồ lại có một câu chuyện một giá trị riêng. Duy chỉ có một chiếc đồng hồ chú mất khoảng 7 tháng mới về đến tay bởi phải mua ở tận một ngôi làng cổ ở Pháp để mua, hành trình tìm kiếm và thuyết phục người ta bán cho mình cũng rất vất vả, mình thích thì người ta cũng thích như thế vậy. Hoặc trên những sàn đấu giá, phải canh để không bỏ sót những chiếc đồng hồ có giá trị ”.
Chú Hà cho biết bất kể thời gian rảnh chú sẽ dành thời gian để nhìn ngắm hay lau chùi qua: “Một ngày dù có bận mấy thì cũng phải lên nhìn ngó xem thế nào. Mình yêu cái gì thì mình quý cái đó, giống như người đang yêu vậy, một ngày không nhìn là nhớ lắm.”
Từng chiếc đồng hồ luôn được chú chăm sóc mỗi ngày.
Đồng hồ cơ thường tiếng tích tắc êm dịu, miệt mài ngày đêm như bản nhạc giao hưởng du dương thánh thót. Khi sở hữu nhiều chiếc đồng hồ trong nhà như vậy, chú Hà đã cài mỗi chiếc chênh nhau 15 phút để tạo thành một bản giao hưởng êm tai khi điểm giờ đúng.
Đồng thời, qua chiếc đồng hồ, người chơi cảm nhận rõ hơn được triết lý người xưa gửi gắm, “Thời gian là vàng bạc và nó chẳng chờ đợi ai cả. Mỗi người vì thế cần trân trọng thời gian, trân trọng những giây phút sống đẹp, sống bình yên trong cuộc đời". Đặc biệt, với chú Hà đồng hồ không chỉ là vật trang trí, xem giờ mà còn là những người bạn để chú giao lưu và tận hưởng tuổi xế chiều: "Khi thời gian điểm giao thừa giữa năm cũ và năm mới nghe tiếng chuông điểm thực sự rất thiêng liêng. Đánh dấu thêm một năm nữa mình được sống và cống hiến."