Người đàn ông mất trắng 300 triệu vì chiêu "fake bill chuyển khoản”: Chỉ nghĩ App ngân hàng bị nghẽn mạng nên thông báo chậm

Linh San |

Đối tượng gửi 03 ảnh chụp nội dung đã chuyển khoản thành công cho ông T, còn giải thích thêm rằng ngân hàng này thường xuyên bị nghẽn mạng, chậm thông báo kết quả nên ông T đã không mảy may nghi ngờ gì.

CA huyện Tây Sơn tuyên truyền lừa đảo cho người dân.

Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra khá phổ biến, với mật độ thường xuyên, liên tục, gây ra nỗi bức xúc, lo lắng cho người dân. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, loại tội phạm này sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau và lừa đảo xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Mặc dù lực lượng Công an đã tăng cường công tác tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhưng vẫn có nhiều người dân “nhẹ dạ cả tin” bị lừa mất tài sản.

Công an tỉnh Bình Định cho biết, khoảng 15h00’ ngày 19/10/2024, ông P.N.T (SN 1973) trú phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn nhận được cuộc gọi từ số thuê bao “0372443296” của một người đàn ông tự xưng tên Tú, đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự thị xã An Nhơn nói có nhu cầu thuê công ty để thi công công trình. Sau đó, Tú và ông T kết bạn qua Zalo để trao đổi công việc.

Ngày 22/10/2024, Tú nhờ ông T liên hệ với Zalo “Thành Nam” có số điện thoại “0339452433” để mua giúp 100 cái giường tầng và 200 cái nệm cao su non với giá 680.000.000 đồng. Để tạo lòng tin, Tú gửi 03 ảnh chụp nội dung đã chuyển khoản thành công cho ông T với tổng số tiền 680.000.000 đồng trên ứng dụng Ngân hàng A. Do được giải thích rằng Ngân hàng A thường xuyên bị nghẽn mạng, chậm thông báo kết quả nên ông T đã tin tưởng và chuyển 333.600.000 đồng cho các đối tượng. Sau khi kiểm tra lại tài khoản, ông T phát hiện không nhận được tiền và không liên lạc được với 02 đối tượng trên.

Cơ quan Công an đã chỉ ra các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng để người dân nâng cao cảnh giác, đó là giả danh Công an, Viện Kiểm sát; lừa tình, lừa tiền từ thiện; lừa đảo mua bán hàng trực tuyến; giả danh nhân viên Ngân hàng hỗ trợ kỹ thuật; lừa đảo qua hình thức trúng thưởng; chiếm đoạt tài khoản Facebook, Zalo lừa đảo mượn tiền; lừa đảo tìm người làm việc nhà; mạo danh công ty tài chính lừa vay; mạo danh công ty Bảo hiểm xã hội cố tình chuyển khoản để ép vay; lừa đảo nâng cấp sim 4G; lập sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán; lừa đảo cho “số lô, số đề”; làm nhiệm vụ qua ứng dụng, tuyển cộng tác viên; giả danh cán bộ viễn thông, cục văn thư; giả mạo lãnh đạo tỉnh, sở, ngành… Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người dân bị “thao túng tâm lý” rồi mất tiền oan do thiếu kiến thức và sự hiểu biết về an toàn, an ninh mạng.

Trước tình hình trên, lực lượng Công an đã khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác hơn nữa khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Người dân tuân thủ theo nguyên tắc “3 không” (không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng qua điện thoại, tin nhắn hay email; không truy cập đường link thanh toán từ tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc; không tải về những app không rõ nguồn gốc để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân), khi thực hiện thanh toán hóa đơn trực tuyến cần truy cập trực tiếp vào website hoặc ứng dụng chính thức của các công ty, ngân hàng…

Đối với những cuộc gọi xưng là Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… liên hệ qua điện thoại để yêu cầu xử lý công việc, người dân cũng tuyệt đối không cung cấp thông tin hay làm theo yêu cầu của các đối tượng liên hệ qua điện thoại; mọi thắc mắc hãy liên hệ trực tiếp với cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn và giải đáp. Vì cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… tuyệt đối không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội. Đặc biệt khi phát hiện bị lừa đảo hoặc nhận thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để được hỗ trợ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại