Sau loạt bài về anh Huỳnh Văn Đạt (SN 1964), ngụ tại ấp Hậu Hoà, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè (Tiền Giang), người đàn ông mắc bệnh lạ ăn hết khuôn mặt mà báo điện tử VTC News đăng tải mới đây, nhiều độc giả đã tỏ ra hoang mang và e sợ về căn bệnh quái ác này.
Vậy, đó là loại bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao?
PV VTC News đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên PGĐ Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, người đã trực tiếp đến thăm và khám bệnh cho anh Đạt, để giải đáp những thắc mắc về căn bệnh quái ác này.
- Nhiều độc giả băn khoăn không biết bệnh lạ mà anh Huỳnh Văn Đạt mắc phải là bệnh gì? Và đó có phải bệnh lạ, hiếm gặp không? Xin bác sĩ chia sẻ thêm thông tin.
Loại bệnh mà anh Đạt mắc phải đó là Cam tẩu mã (chữ Hán: 走馬疳; tiếng Anh: noma), hay còn gọi là nha cam tẩu mã, tị cam, thuần cam hoặc hàu cam.
Đây là một chứng bệnh viêm miệng hoại thư cấp tính, bắt đầu ở lợi hoặc ở má và lan rất nhanh. Bệnh sẽ hoại tử phần mềm, làm thủng má, môi, mũi, sau đó làm hoại tử xương và khiến răng lung lay rồi rụng dần, có mùi hôi thối.
Bệnh này có tỉ lệ tử vong cao. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có 500.000 người bị ảnh hưởng và mỗi năm có 140.000 ca bệnh mới được ghi nhận.
- Nguyên nhân dẫn đến bệnh Cam tẩu mã là gì, thưa ông?
Theo nghiên cứu, các vi khuẩn Fusobacterium necrophorum và Prevotella intermedia được xem là nguyên nhân chủ yếu trong tiến trình gây bệnh.
Khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, cộng thêm việc thiếu dinh dưỡng (đặc biệt là thiếu vitamin A và vitamin nhóm B), vệ sinh răng miệng kém, nước uống không an toàn, sống gần gia súc, hoặc gần đây có mặc bệnh lý, bệnh suy giảm miễn dịch (bao gồm bệnh AIDS) thì lượng vi khuẩn này sẽ có điều kiện sinh sôi và dẫn đến bệnh.
- Vậy triệu chứng của bệnh là gì? Và độ tuổi nào dễ mắc phải bệnh này nhất, thưa bác sĩ?
Bệnh Cam tẩu mã xuất hiện rất đột ngột và diễn biến rất nhanh. Ban đầu, bệnh nhân mắc chứng bệnh này thường có biểu hiện mệt mỏi, suy nhược, sốt cao. Nướu răng chảy máu, viêm loét và có dấu hiệu hoại tử.
Khi các nướu và viêm mạc bị viêm loét rộng hơn, tiết dịch nước bọt tăng lên và hơi thở có mùi hôi, mô hoại tử chuyển thành màu xám đen xung quanh nướu.
Quá trình cuối cùng của bệnh là phá hủy các mô mềm và xương, gây biến dạng và rụng răng. Đôi khi cam tiểu mã cũng ảnh hưởng và lây sang các bộ phận sinh dục.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ có thể trạng rất suy kiệt. Trẻ em suy dinh dưỡng mãn tính, bệnh nhân sau khi mắc sởi, bạch cầu, thương hàn.., những người sống trong môi trường kém chất lượng đều có thể trở thành nạn nhân của căn bệnh này.
- Căn bệnh này có thể chữa trị được không? Cách điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?
Con người đã biết đến bệnh này từ thời cổ đại, mặc dù tỉ lệ tử vong của bệnh này rất cao, nhưng cũng không phải là không có cách chữa trị.
Nếu bệnh nhận được phát hiện và điều trị kịp thời, khả năng sống sót cũng như những biến dạng mặt cũng được ngăn chặn phần nào
Điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng tốt lên khiến cam tẩu mã biến mất khỏi các quốc gia công nghiệp hóa từ thế kỷ 20.
Điều trị bằng cách dùng kháng sinh và ăn uống đủ chất. Tuy vậy, di chứng ở mặt sẽ tồn tại vĩnh viễn và có thể cần phẫu thuật để chỉnh hình.
Việc tái tạo khuôn mặt rất khó và phải trì hoãn đến khi bệnh nhân hồi phục hoàn toàn (thường là một năm sau ngày can thiệp ban đầu).
Yếu tố tiên quyết để có một sức khỏe tốt, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm bệnh Cam tẩu mã, đó là sống trong một môi trường sạch sẽ, ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, thường xuyên vệ sinh răng miệng, khám răng định kỳ để phòng chống bệnh.
- Đối với trường hợp của anh Đạt, hiện tại có thể chữa khỏi được không?
Đối với trường hợp anh Đạt, toàn bộ khuôn mặt đã bị biến dạng, tuy nhiên khả năng chữa khỏi không phải là không có.
Sở Y tế Tiền Giang cũng đã chỉ đạo Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang, Bệnh viện Mắt tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Cái Bè và Y Bác sỹ xã Hậu Thành quan tâm chăm sóc, điều trị nâng đỡ thể trạng và động viên gia đình đưa người bệnh nhập viện.
Tuy vậy, gia đình nhiều lần từ chối vì anh Đạt mặc cảm biến dạng khuôn mặt và kiên quyết không chịu nhập viện, dù ngành y tế nhiều lần động viên.
Hiện tại, ngành tiếp tục động viên gia đình đưa người bệnh nhập viện để điều trị chuyên khoa.