Ngày 23/8, trao đổi với báo Tiền Phong, BS CK2 Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sức khỏe người đàn ông ở Tây Ninh bị rắn hổ chúa cắn diễn biến theo chiều hướng nặng do bị nọc độc tấn công cơ tim, vết cắn bị sưng phù và hoại tử.
Theo BS Thức, tai nạn do rắn cắn độc rất khó nói trước và trường hợp của bệnh nhân do lượng nọc độc bị đưa vào cơ thể nạn nhân nhiều nên hiện nay bệnh nhân chuyển sang tình trạng nặng hơn. Trước diễn biến này, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã chỉ đạo Khoa Hồi sức Cấp cứu lọc máu liên tục, tập trung cứu chữa cho bệnh nhân.
Nọc của rằn hổ chúa cực độc
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, nọc độc của rắn hổ mang chúa rất độc và rất nhiều, khi nhập viện bệnh viện đã chữa cho bệnh nhân không bị liệt cơ hô hấp ở giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, nọc độc có thể tấn công vào cơ tim và bệnh nhân bắt đầu tổn thương cơ tim sau 2 ngày nhập viện. Đồng thời, nơi bị cắn là vùng đùi sưng phù rất nhiều và hoại tử làm cho bệnh nhân bị nặng hơn. Trước tình hình này, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức Cấp cứu để chạy lọc máu chậm và thay huyết tương.
Trước đó, ngày 19/8, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ở Tây Ninh dùng tay không bắt rắn hổ mang chúa dài 2,5 mét, nặng gần 5kg do Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh chuyển lên.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương cứu chữa bệnh nhân, cho thở máy, dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.
“Cần phải theo dõi những biến chứng về tim mạch, bởi vì nọc độc của rắn có thể tấn công lên cơ tim làm tổn thương cơ tim, suy tim cấp và bệnh nhân có thể tử vong. Đối với những dòng rắn hổ mang chúa, khi cắn sẽ tiêm một nọc độc rất nhiều, nọc độc này làm phản ứng viêm mô tế bào xung quanh và làm hoại tử; có thể làm bệnh nhân bị nhiễm trùng vết cắn, lượng cơ bị hủy nhiều có thể gây tắc ống thận và suy thận cấp đó là những biến chứng cần phải theo dõi sát” – BS CK1 Nguyễn Ngọc Sang – khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.