Họ gọi tôi là "thằng què"
Điện thoại nhấp nháy dòng tin nhắn, ông Nguyễn Duy Long (SN 1955, ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM) reo lên: "Có đơn, có đơn". Ông rời chiếc ghế, ngồi xổm xuống nền đất rồi dùng hết sức lực của đôi tay để nâng mình lên yên xe. Chiếc xe 3 bánh rời đi, ông lại tất tả hoà vào dòng người đông đúc trước Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Đó là công việc kéo dài suốt 7 năm nay của ông Long, dù đôi chân ông đã "bất động" từ tấm bé. Chưa 1 lần nghĩ đến chuyện phải đi xin tiền, gần 70 tuổi, người đàn ông này vẫn lao động, mưu sinh bằng sức lực của mình.
Ông nhớ lại: "Má tôi kể, tôi sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác. Năm 1 tuổi, má mang tôi đi chích ngừa thì xảy ra sơ suất gây đứt gân. Từ đó, phần xương bánh chè của tôi bị lệch, tôi sống với đôi chân liệt từ đó.
Thú thật, suốt thời thơ bé tôi vô tư lắm, chả bao giờ biết buồn, vẫn vui chơi với các bạn, đi học. Nhưng đến khi trở thành một chàng thanh niên, tôi mới dần có chút tủi thân. Tôi không thể có việc làm tốt như bao chàng trai khoẻ mạnh khác, chẳng thể đạp xe thoăn thoắt trên những con đường. Và thi thoảng, những người sống gần tôi họ cũng vô tình gọi tôi là "thằng què".
Ông Duy Long
Nhưng cuộc sống càng bế tắc đến đâu, tôi lại muốn tìm cho mình một lối ra mới. Ông trời lấy đi của tôi đôi chân khoẻ mạnh nhưng lại ban cho một đôi tay khéo léo. Ngày trước tôi từng là thợ tranh ghép gỗ, theo phụ nghề trang trí nhà cửa. Sau công việc này không mang lại thu nhập nữa, tôi bán vé số. Có những ngày mưa trắng trời đất, tôi ôm đứa con gái co ro trong lạnh giá, sấp vé số vẫn còn nguyên trên tay.
Trong một lần tình cờ, tôi thấy người ta giao hàng, trong đầu chợt loé lên suy nghĩ: Sao mình không trở thành shipper? Ngày hôm sau, tôi xách chiếc xe 3 bánh đi tìm những đơn hàng đầu tiên. Tính đến nay, tôi đã có 7 năm giao hàng rồi".
Những diễm phúc của cuộc đời
Với đôi chân không cử động được, ông Long không thể xin làm tài xế cho các hãng vận chuyển, chỉ còn cách tự kiếm đơn. Người dân ở Bến xe miền Đông TP.HCM vẫn quen thuộc với bóng dáng một người đàn ông cao gầy, đôi chân teo tóp, hiền lành. Thấy quý tính tình thật thà của ông, các hãng xe liên tỉnh, khách hàng vẫn tạo điều kiện cho ông có đơn đi giao.
Theo ông Long, việc bị liệt đôi chân chưa bao giờ là lí do để ông thiếu trách nhiệm với công việc của mình. Người đàn ông gần 70 tuổi này vẫn nhận đơn hàng ở huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, phơi mình dưới cái nắng gần 40 độ của Sài Gòn, hay đi dưới màn mưa rả rích để gửi hàng cho kịp giờ.
"Tôi nhớ có lần nhận một đơn giao hạt đác cho chủ một quán chè. Do bạn lơ xe không cột chặt phần miệng túi, tôi chạy lên cầu thì đác đã rơi ra gần nửa bao. Người đi đường thấy thương nên kêu lớn để nhắc, họ giúp tôi cột chặt lại.
Giao đến chỉ có nửa bao hàng, tôi thấy chủ quán tần ngần không dám "bắt đền". Tôi nói thẳng luôn, cái nào chú sai thì chú nhận, chú sẽ bỏ tiền ra để bù đắp lại số đác bị mất. Tính tôi là vậy, sai thì sửa. Cái nghề nào cũng cần cái tâm, trách nhiệm của mình trong đó", ông Long nói.
Từ bé đến lớn, ông Long cho biết mình luôn là người tự lập, tự lao động để kiếm tiền, xây dựng cho mình một mái ấm gia đình. Ông tâm sự: "Tôi không muốn làm người vừa tàn, vừa phế. Khi không lao động, mình lại trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Tôi nghĩ mình vẫn sẽ tiếp tục sống với quan điểm như vậy, đến khi tôi trút hơi thở cuối cùng".
Đối với ông Long, những diễm phúc lớn nhất cuộc đời là có được người phụ nữ chịu thương, chịu khó gật đầu làm vợ ông, những đứa con ngoan luôn tự hào về ba mình, dẫu ông đang mang đôi chân tật nguyền.
Sau mùa dịch năm 2021, cuộc sống ông Long đã trở nên vô cùng khó khăn. Có ngày chẳng có đơn nào, ông lại lủi thủi quay trở về nhà. Tuy nhiên, ông vẫn luôn rộng mở tấm lòng với các hoạt động từ thiện, nhận chở sữa cho chùa, thức ăn cho đoàn tình nguyện miễn phí...