Theo tờ Telegraph, Paul Hutton, một người đàn ông 48 tuổi, đã nhận được rất nhiều cảnh báo về tình trạng nhịp tim lúc nghỉ ngơi chậm quá mức cho phép từ chiếc Apple Watch của mình. Sau khi tới bác sĩ thăm khám, ông được khuyên loại bỏ caffeine khỏi thực đơn hàng ngày để triệu chứng trên suy giảm.
Tính năng đo nhịp tim trên Apple Watch đã giúp cho nhiều người thoát khỏi nguy hiểm.
Tuy vậy, sau khi áp dụng chế độ ăn kiêng mới, những cảnh báo từ chiếc Apple Watch vẫn liên tục xuất hiện và Hutton quyết định tìm tới một chuyên gia về tim mạch. Tại đây, ông được chẩn đoán bị chứng rối loạn nhịp tim. Tình trạng này khiến tim có thêm nhiều nhịp đập yếu hơn xen kẽ với những nhịp chính, thường được gọi là co tâm thất sớm. Khi gặp phải trường hợp này, tim của người bệnh sẽ bơm máu kém hiệu quả hơn bình thường.
Cuối cùng, Paul Hutton đã thực hiện một phẫu thuật nhằm loại bỏ các nhịp đập yếu hơn của tim bằng cách đốt những vùng nhỏ của mô tim bị lỗi. Sau phẫu thuật, ông vẫn tiếp tục theo dõi nhịp tim thông qua chiếc Apple Watch và mọi việc có vẻ đang tiến triển tốt.
Ashleigh Li - một y tá tim mạch cấp cao tại Quỹ tim mạch Vương Quốc Anh tin rằng tính năng điện tâm đồ trên Apple Watch sẽ mở ra một cuộc cách mạng về phương pháp chẩn đoán bệnh lý về tim.
"Apple Watch đã theo dõi và báo lại cho ông Paul các dấu hiệu nhịp tim không đều, trước khi xảy đến các triệu chứng nguy hiểm hơn. Tuy vậy, cần có thêm nhiều nghiên cứu để tìm ra cách sử dụng những dữ liệu được các thiết bị dạng này cung cấp, sao cho hiệu quả nhất", Ashleigh Li chia sẻ.
Cần thêm nhiều nghiên cứu để tối ưu hóa các dữ liệu được cung cấp bởi Apple Watch
Được biết, tính năng cảnh báo nhịp tim nhanh hay chậm đã xuất hiện kèm theo từ lúc những chiếc Apple Watch Series 1 ra đời. Trong khi đó, ứng dụng điện tâm đồ (ECG) cao cấp hơn mới chỉ được áp dụng trên dòng Apple Watch Series 4.
Tham khảo 9to5mac.com