Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) vừa tiếp nhận, cấp cứu nam bệnh nhân 40 tuổi (ở Phú Thọ) bị sốc phản vệ nặng do ong đốt . Loại ong đốt được xác định là ong vàng (một số nơi gọi là ong vang).
Người nhà bệnh nhân cho biết chiều 14-6, trong khi dọn vườn nhà, bệnh nhân không may bị đàn ong vàng đốt. Chỉ sau đó ít phút, cảm thấy triệu chứng hồi hộp, tức ngực khó thở tăng nhiều, bệnh nhân được người nhà đưa tới bệnh viện cấp cứu khẩn cấp.
Nam bệnh nhân được cấp cứu sau khi bị ong vàng đốt - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tình trạng sốc diễn biến rất nhanh. Quãng đường từ nhà tới bệnh viện chỉ hơn 1 km nhưng khi tới Trung tâm Cấp cứu 115 Hùng Vương, bệnh nhân đã rơi vào trạng thái tiền hôn mê, thở rít, SpO2 dưới 80%, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt, da, niêm mạc toàn thân tím tái ...
Sau khi tiếp nhận, kíp trực đã xử trí nhanh, chính xác, sử dụng kịp thời các thuốc vận mạch, chống sốc. May mắn, sau ít phút, bệnh nhân đã thoát cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn dần ổn định. Hiện tại, bệnh nhân đã ổn định.
Bị ong vàng đốt có thể gây sốc phản vệ
Theo các bác sĩ, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: Ong đốt, kiến đốt... cần ra khỏi khu vực có nhiều ong.
Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra. Tuyệt đối không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương vì có thể làm lan tràn độc tố. Chườm đá hoặc đắp một miếng gạc lạnh sạch để giảm sưng và đau vết thương.
Rửa vết đốt bằng nước sạch hoặc xà phòng; dùng dung dịch sát khuẩn vết thương hằng ngày. Đưa người bị ong đốt đến các cơ sở y tế gần nhất nếu bị ong đốt ở nhiều vị trí trên cơ thể, nhất là ở vùng đầu, mặt, cổ; xác định được loài ong đốt là ong rừng, ong bắp cày hay ong vò vẽ... vì đây là những loài ong có nọc độc mạnh, có khả năng cao gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.