Vào tháng 7/2013, Miwa Sado, 31 tuổi, phóng viên của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, đã qua đời tại căn hộ ở Tokyo của cô do suy tim.
Cuộc điều tra sau đó đã tiết lộ rằng Sado đã làm việc quá thời gian 159 giờ và 37 phút trong một tháng trước khi cô qua đời. Cái chết của Sado sau đó đã được chính thức công bố là chết do làm việc quá sức.
Trường hợp như Sado ở Nhật Bản phổ biến tới mức đất nước này có một thuật ngữ riêng dành cho nó, karoshi. Trường hợp karoshi đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1969. Theo dữ liệu của chính phủ, Nhật Bản có tới 190 trường hợp tử vong do làm việc quá sức trong năm 2017.
Đầu năm nay, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra đạo luật giới hạn thời gian làm việc quá giờ hợp pháp xuống còn 45 giờ/tháng, có thể được gia hạn lên tới 100 giờ/tháng trong khoảng thời gian bận rộn và chỉ được tối đa 6 tháng/năm.
Nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ về tính hiệu quả của đạo luật này đối với văn hóa làm việc quá sức ở Nhật Bản.
Một nghiên cứu trong năm nay của công ty chứng khoán Kisi cho thấy Tokyo là thành phố làm việc quá sức nhất trong số 40 thành phố quốc tế.
Chỉ số cân bằng cuộc sống và công việc của các thành phố khác nhau chỉ ra rằng cư dân Tokyo làm việc trung bình 42 giờ/tuần và có thời gian đi làm sớm nhất trong các thành phố vào 8:57 sáng.
Trong khi đó, báo cáo hằng năm của ngân hàng Thụy Sĩ UBS xem xét số giờ làm việc ở các thành phố khác nhau cho thấy Mumbai, thành phố lớn nhất Ấn Độ, là thành phố làm việc chăm chỉ nhất thế giới với thời gian làm việc trung bình dài nhất là 3.315 giờ/năm/người.
Ở đầu kia của bảng xếp hạng là Lagos, nơi một người lao động trung bình đi làm 609 giờ/năm. Trong số 77 thành phố được xếp hạng, Tokyo đứng ở vị trí 32 với thời gian trung bình là 1.997 giờ, ít hơn London (2.022 giờ) và New York (2.046 giờ).
Mặc dù nổi tiếng về thời gian làm việc dài, các thành phố ở Nhật Bản có năng suất tương đối thấp.
Theo dữ liệu mới nhất của OECD về năng suất, được tính bằng cách chia GDP bình quân đầu người cho số giờ làm việc, Nhật Bản là quốc gia kém năng suất nhất trong G7, trong khi đó Mỹ có năng suất cao hơn quốc gia châu Á này khoảng 59%.
Tương tự, như Nhật Bản, Mexico City cũng là một ví dụ điển hình cho thấy làm việc nhiều giờ không nhất thiết phải đồng nghĩa với năng suất cao.
Theo nghiên cứu của UBS, thành phố này làm việc chăm chỉ thứ 3 trên thế giới, thời gian làm việc trung bình lên tới 2.622 giờ/năm, nhưng Mexico là nước có năng suất thấp nhất trong 38 quốc gia trong dữ liệu của OECD – chỉ đem lại 18,8 USD trong GDP cho mỗi giờ làm việc.
Ngược lại, với thời gian đi làm trung bình hằng năm là 1.856 giờ, người lao động ở Dublin làm việc ít hơn đáng kể so với người dân ở Mexico City, tuy nhiên, người Ireland lại đạt năng suất cao nhất, tạo ra 84 USD trong GDP cho mỗi giờ làm việc.
Mặc dù nhiều bằng chứng cho thấy làm việc ít giờ hơn có thể tác động tích cực đến năng suất, làm việc quá sức vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều thành phố. Chartered Institute of Personnel and Development đã khảo sát 5.136 người trong Nghiên cứu cuộc sống lao động ở Vương quốc Anh năm 2019.
Kết quả cho thấy ¼ người lao động làm việc quá thời gian ít nhất 10 giờ/tuần. Nghiên cứu trên cũng tiết lộ rằng 1/3 người lao động cho biết họ có quá nhiều việc phải hoàn thành và 1/5 không đủ thời gian để hoàn thành công việc của họ trong thời gian làm việc chính thức.
Giáo sư Gail Kinman, nhà tâm lý học sức khỏe nghề nghiệp tại Đại học Belfordshire, cho biết: “Người sử dụng lao động thường nghi ngờ các bằng chứng áp đảo cho thấy thời gian làm việc dài không tương đương với hiệu suất cao.
Thực tế, điều ngược lại là đúng. Con người làm việc càng lâu, thì hiệu suất lao động của họ càng giảm, dẫn đến khả năng tập trung và trí nhớ kém, khả năng giải quyết vấn đề và sự sáng tạo bị suy giảm.”
Kinman cũng cảnh báo rằng thời gian làm việc dài, kinh niên có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần vì mọi nguồn tài nguyên của con người sẽ cạn kiệt và không được hồi phục hoàn toàn do thiếu thời gian nghỉ ngơi.
Để xây dựng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, Kinman cho rằng điều quan trọng là cần phải thiết lập ranh giới rõ ràng: “Nghỉ ngơi hoàn toàn khỏi công việc (cả về thể chất và tinh thần) là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất và cuộc sống cá nhân hạnh phúc và trọn vẹn.
Hãy lên các kế hoạch nghỉ lễ và các kỳ nghỉ ngắn trong năm trước; thiền để giúp bạn thoát khỏi công việc; rèn luyện lòng tự trọng và ưu tiên chăm sóc bản thân.”