Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho biết, ông không đồng ý với Bộ trưởng Giao thông Vận Tải Nguyễn Văn Thể khi đề nghị "ai mất giấy phép lái xe đều phải thi lại".
"Quan điểm của tôi thấy đề nghị này quá vô lý. Thử nghĩ đi, rất nhiều anh em lái xe là những người lao động nghèo, thường ngày tiếp xúc với vô vàn điều kiện lao động khó khăn nên đôi khi sơ ý, có thể mất bằng lái xe.
Họ đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức đi học rồi, giờ mất bằng lái tự nhiên phải thi lại thì sẽ gây lãng phí về tiền bạc, thời gian, nhất là đối với những bằng lái xe hạng cao.
Hơn nữa, các cơ quan chức năng đã bỏ rất nhiều chi phí để xây dựng kho dữ liệu, phần mềm để quản lý những người được cấp bằng lái xe rồi. Tại sao chúng ta không sử dụng các phần mềm để có thể giám sát việc sử dụng bằng lái và các vi phạm nếu có?", ông Quản nói.
Còn theo ông Võ Quốc Bình - TGĐ Tập đoàn Bình Minh, bằng lái là chứng chỉ hành nghề, đã được đào tạo và qua rất nhiều quy định mới được cấp.
"Còn như theo ý của Bộ trưởng Thể chủ yếu là liên quan đến việc quản lý nhà nước... Anh quản lý yếu kém hay có kẽ hở mới có gian lận. Nghĩa là anh chưa làm tròn trách nhiệm quản lý của mình thì lại đẩy hậu quả yếu kém cho người dân phải chịu", ông Bình bức xúc.
Ông Bình cho rằng, không thể đánh đồng các trường hợp gian lận báo mất để bắt lái xe phải thi lại bằng lái... Mà trường hợp những đối tượng gian lận đó chiếm bao nhiêu phần trăm so với những trường hợp mất thật sự? Rồi lại đẻ ra bao nhiêu chi phí, học phí, lệ phí... thi lại. Chưa kể tốn thời gian của người dân.
"Tôi được biết quy định là muốn cấp bằng lái lại cho các trường hợp bị mất phải xác minh từ 60 đến 75 ngày. Cho nên,vấn đề thi lại bằng lái khi bị mất mới được cấp lại là không thể chấp nhận được vì nó quá vô lý, duy ý chí.
Một cái thuộc vấn đề chuyên môn (thi lấy bằng) đã được chứng minh đúng và đủ quy trình mới cấp bằng. Một cái thuộc vấn đề quản lý là mất bằng cấp lại mà đi đánh đồng với vấn đề chuyên môn là không thể chấp nhận được.
Tôi nhấn mạnh là nó vi hiến, thiếu hiểu biết và duy ý chí, trực tiếp xúc phạm đến quyền lợi người dân", ông Bình nêu ý kiến.
Theo TGĐ tập đoàn Bình Minh, giao thông còn rất nhiều vấn đề chính là do quản lý yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước... BOT, hạ tầng kém, TNGT, ý thức tham gia giao thông, chiến lược phát triển không hiệu quả, không đồng bộ gây thất thoát, gây bức xúc và hoang mang cho dân.
Với tầm một Bộ trưởng thì nên chú ý các vấn đề này mà có giải pháp thực tế phù hợp để phát triển...
Còn theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Phạm Khánh Vân, đây là một đề xuất không phù hợp, vì khi các Bộ quản lý không tốt lại đổ hậu quả về cho người dân.
Đúng ra Bộ Công an và GTVT phải phối hợp chặt chẽ với nhau, tài xế bị thu bằng phải lên hệ thống liên bộ, đây cũng là cách quản lý văn minh của thời đại công nghệ 4.0.
"Bản thân tôi mới bị móc ví mất toàn bộ giấy tờ phải đi làm lại bằng lái dựa trên hồ sơ gốc, nếu bắt buộc thi sẽ gây tốn kém cho dân và là cách hợp pháp hoá sai phạm của tài xế", bà Vân nói.
Sáng 6/3, Uỷ ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an để liên kết, cung cấp thông tin, những trường hợp bằng giả, vi phạm.
"Chúng tôi cũng đề xuất theo hướng người dân mất bằng lái xe phải thi lại toàn bộ các môn mới được cấp bằng mới. Việc này để tránh tình trạng nêu lý do xin đổi nhưng do công tác quản lý còn hạn chế.
Thực tế có những trường hợp vi phạm ở miền núi, ở chỗ chúng ta không quản lý được, người vi phạm "lách luật" để có thêm bằng lái thứ hai, thứ ba nhằm tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh", ông Thể nói.