Ùn ùn tiền đổ vào ngân hàng
Theo như công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong tháng 9, số dư tổng phương tiện thanh toán tăng hơn 225.000 tỉ đồng, lên 15,025 triệu tỉ đồng, tăng hơn 5,02% so với cuối năm 2022. Riêng lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng khá mạnh, với 217.000 tỉ đồng, lên 6,23 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng tiền gửi của khối tổ chức nhanh hơn so với dân cư trong những tháng gần đây. Trong tháng 9, tiền gửi của dân cư cũng chỉ tăng 16.000 tỉ đồng, các ngân hàng thu hút hơn 6,449 triệu tỉ đồng. Ngoài ra, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trong tháng 9 cũng giảm xuống 8,53% từ mức 8,7% của tháng 8.
Đáng nói, dù cả doanh nghiệp và cá nhân vẫn đang đổ tiền vào gửi tiết kiệm thì lãi suất huy động vẫn đi xuống khá nhanh. Có hơn 20 ngân hàng như LPBank, DongABank, SCB, Vietcombank… đã tiếp tục giảm thêm lãi suất trong tháng 11. Lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng các kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ mức 2,6 - 4,75%/năm, trong đó rất ít nhà băng áp dụng mức lãi trần huy động cho phép ở 4,75%/năm.
Lãi suất tiền đồng giảm quá sâu sẽ gây sức ép lên tỷ giá. (Ảnh: Ngọc Thắng)
Kỳ hạn 6 tháng thường được các ngân hàng chọn áp dụng lãi suất nhảy vọt huy động vốn trước đây thì nay cũng quanh quẩn ở mức từ 4 - 5,7%/năm. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng chỉ ở mức 5 - 6%/năm. So với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng hiện nay đã giảm từ 2 - 4%/năm. Trong bảng lãi suất tiết kiệm của nhiều ngân hàng, mức 6%/năm đã gần như biến mất từ nhiều tháng qua, đặc biệt khối ngân hàng có vốn nhà nước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động đến cuối tháng 9 là khoảng 5,9%, thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái ở mức 7,68%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở mức thấp nên thanh khoản của các nhà băng vẫn được duy trì.
Doanh nghiệp phòng thủ
Thông thường quý 3 hàng năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng thường rất mạnh bởi đây là thời điểm "nước rút" cho hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm của các doanh nghiệp nên nhu cầu vốn tăng. Thế nhưng, tín dụng quý 3/2023 cũng chỉ thêm được 2,6%, đây là quý có mức tăng thấp thứ 2 trong vòng 5 năm trở lại đây (quý 3/2020, do đại dịch Covid-19 nên tăng trưởng tín dụng ở mức 1,7%).
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp hơn đầu năm từ 2 - 3%/năm, vào khoảng 6 - 8%/năm, có những gói tín dụng ngắn hạn còn 4 - 6%/năm. Chẳng hạn, một số ngân hàng tại TP.HCM cho doanh nghiệp lâm thủy sản vay ngắn hạn tiền đồng từ 4 - 6%/năm và lãi suất cho vay ngoại tệ từ 3,5 - 5,5%/năm. Các nhà băng đã giải ngân được 474 tỉ đồng cho 196 khách hàng, trong đó có 149 cá nhân, hộ gia đình và 47 doanh nghiệp.
Có thể thấy, lãi suất vay ở mức thấp chỉ tập trung vào nguồn vốn vay mới, thời gian ngắn từ 3 - 6 tháng. Còn đối với những khoản vay trung dài hạn, những khoản vay cũ hiện vẫn ở mức lãi suất cao từ 9 - 12%/năm. Nhưng các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng khi khó đáp ứng thủ tục vay như có tài sản đảm bảo, có phương án kinh doanh hiệu quả…
Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. S&P Global vừa công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 10.2023 ở mức 49,6 điểm, đơn đặt hàng mới yếu. Điều này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm và đây là tháng thứ hai liên tiếp.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho hay tăng trưởng tín dụng thấp, nhu cầu vốn chưa phục hồi, trong khi thanh khoản hệ thống khá dồi dào, buộc các ngân hàng phải giảm thêm lãi suất tiền gửi để giảm lãi suất cho vay, kích thích nhu cầu của thị trường.
Lý giải về tăng trưởng tín dụng thấp, số tiền của các tổ chức kinh tế gửi ngân hàng tăng nhanh gần đây, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu hẹp hoạt động, phòng thủ nên dẫn đến nhu cầu cần vốn vay không cao như các năm trước. Nếu có vốn nhàn rỗi, doanh nghiệp có xu hướng tập trung ở ngân hàng chờ thời cơ. Lãi suất huy động hiện nay đang ở mức thấp nhất lịch sử nên khó có thể đi xuống thêm. Nếu giảm thêm, có thể tạo áp lực lên tỷ giá, thậm chí còn giảm hiệu quả công cụ chính sách tiền tệ. Việc cần phải tập trung là chính sách tài khóa, còn chính sách tiền tệ đã bão hòa, sức cầu nền kinh tế yếu nên việc hấp thụ vốn trở nên khó khăn.